Thứ Ba, 04/01/2011 15:03

Phân tích kỹ thuật: Nhìn xuống thay vì nhìn lên

(Vietstock) – TTCK Việt Nam năm 2010 đã đem đến cho chúng tôi khá nhiều trải nghiệm thú vị trong hoạt động phân tích kỹ thuật. Một số lý thuyết dường như không phát huy tác dụng ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, diễn biến của thị trường lại khiến chúng ta phải ôn lại những nguyên tắc nền tảng.

Sự thất bại của nhóm Trend-following

Nhóm Trend-following luôn đóng vai trò chủ đạo trong các nhóm chỉ báo kỹ thuật (technical indicators) vì bản chất của phân tích kỹ thuật là tìm kiếm và đi theo xu hướng thị trường.

Tuy nhiên, một điều thường không được chú ý là nhóm này hoạt động không hiệu quả khi thị trường rơi vào xu hướng sideway. Trong năm 2010, nếu chỉ dựa vào nhóm này thì chúng ta sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi dự đoán thị trường và thiết lập chiến lược đầu tư.

Một trong những ví dụ khá điển hình là trường hợp của SMA 200 ngày trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2010.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ báo này đã có đến 10 tín hiệu mua bán và hầu hết là không hiệu quả. Nếu đầu tư theo các tín hiệu này thì chúng ta sẽ bị thua lỗ vì hầu hết các điểm mua và điểm bán xuất hiện liên tục và không thể đem lại lợi nhuận.

Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải kết hợp nhóm Trend-following với các nhóm chỉ số khác chứ không chỉ dựa vào một nhóm riêng lẻ để có cái nhìn chính xác hơn về xu hướng thị trường.

Bài học khối lượng

Chúng tôi đã từng đề cập ở các phân tích trước đây về sự ”thất bại” của định đề số 5 trong Lý thuyết Dow về sự liên quan giữa giá và khối lượng tại thị trường Việt Nam. Trong định đề này, Dow nói đến khả năng đảo ngược xu hướng khi giá và khối lượng nghịch biến.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng sự đột biến gia tăng của khối lượng ở thị trường Việt Nam hầu hết đều đem lại cảnh báo hơn là sự lạc quan. Chúng ta có thể kể đến 2 mốc quan trọng trong năm nay.

Đầu tháng 05/2010, khối lượng giao dịch khớp lệnh lên đến 105,923,848 đơn vị. Sau khi có sự đột biến này, VN-Index đã rơi vào sóng giảm giá mạnh nhất năm và thậm chí mức thua lỗ của danh mục còn lớn hơn cả giai đoạn cuối 2009.

Mốc quan trọng thứ hai là giữa tháng 12/2010. Khi đó khối lượng đạt mức gần như kỷ lục (chỉ thấp hơn phiên ngày 23/10/2009) với 122,569,424 đơn vị vào ngày 14/12/2010. Đây có thể coi là đỉnh điểm của đợt bùng nổ về khối lượng kéo dài suốt 3 tuần lễ kể từ 30/11/2010. Kể từ sau phiên giao dịch lớn đó, mặc dù giá không thực sự suy giảm mạnh nhưng cũng có sự thoái lùi đáng kể. 

Thực tế trên đã chứng minh thêm một lần nữa mối quan hệ giữa giá và khối lượng khá đặc trưng ở Việt Nam nói riêng và các thị trường mới nổi nói chung: khi khối lượng tăng quá mạnh (gấp 1,6 – 2,5 lần trung bình trước đó) trong một xu hướng tăng thì đó có thể là sự cảnh báo của việc đảo ngược xu hướng.

Sự quan trọng của candlesticks

Một quan điểm tồn tại khá lâu trong giới phân tích kỹ thuật Việt Nam nói riêng và giới phân tích đầu tư nói chung là không đánh giá cao lắm sự hữu ích của phân tích hình nến Nhật Bản (candlesticks). Điều này là hoàn toàn có thể giải thích được nhờ vào yếu tố lịch sử.

Trước đây, quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ nên hiện tượng ”điều khiển” giá cổ phiếu và cả thị trường xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, điều đó đã dần thay đổi khi quy mô thị trường tăng cao khiến việc ”làm giá” không còn dễ dàng như trước do tốn khá nhiều chị phí.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc diễn biến thị trường sẽ ngày càng thực chất hơn và phản ánh đúng suy nghĩ của tất cả các nhà đầu tư trên thị trường, chứ không phải là suy nghĩ của một nhóm nhà đầu tư lớn. Đó chính là nền tảng để phân tích candlesticks phát huy tác dụng.

Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy những ứng dụng tổ hợp Group of candle hay Kumo & Candlesticks đã chứng tỏ hiệu quả ứng dụng tích cực trong năm 2010.

Nhìn xuống thay vì nhìn lên

Bài học cắt lỗ một lần nữa lại được nhắc đến với một tần suất cao. Có lẽ đây là lúc phải nhớ lại một nguyên tắc đầu tư chứng khoán lâu đời: khi mua một cổ phiếu nào đó, hãy nhìn xuống thay vì nhìn lên.

Khi mua cổ phiếu, điều mà chúng ta thường nghĩ đến đầu tiên là giá sẽ lên cao đến mức nào, hơn là ngưỡng cut loss sẽ là bao nhiêu.

Tuy nhiên, năm 2010 đã cho chúng ta một thực tế ngược lại: nên quan tâm đến ngưỡng cắt lỗ nhiều hơn. Nói cách khác, chiến lược quản trị rủi ro ngày càng trở nên quan trọng hơn tại thị trường Việt Nam.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong một thị trường giá xuống (bear market), vì ở đó những đợt tăng giá (rally) chỉ là tạm thời còn những đợt giảm giá thì kéo dài hơn và nặng nề hơn.

Nhìn lại chiến lược đầu tư năm 2010 của Greg Morris

Trong hội thảo ”Ứng dụng PTKT trong Quản lý Danh mục Đầu tư” do Vietstock Media tổ chức vào tháng 5/2010, diễn giả chính Greg Morris đã đưa ra chiến lược đầu tư tại TTCK Việt Nam dựa trên hai kịch bản:

Kịch bản đầu tiên là một mẫu hình Vai – Đầu – Vai đảo ngược sẽ hình thành. Nhà đầu tư dài hạn dựa trên phân tích kỹ thuật (chứ không phải đầu tư dài hạn dựa trên cơ sở Buy and Hold) sẽ mua khi giá phá vỡ đường neckline dài hạn (tương đương phá vỡ vùng 620 – 670 điểm) bởi vì khi đó lịch sử sẽ lặp lại một lần nữa và giá có thể sẽ lên đến mức 1,000 – 1,200 điểm.

Kịch bản thứ hai là nếu giá sụt giảm mạnh và bất ngờ, những nhà đầu tư dài hạn sẽ canh mua tại vùng 420 – 480 điểm. Theo quan điểm của ông Greg Morris, đây là ngưỡng rất khó phá vỡ của thị trường Việt Nam và sẽ là một cơ hội đầu tư tuyệt vời nếu giá về lại vùng này.

Cần để ý thêm rằng, lúc Greg Morris đưa ra chiến lược này, VN-Index đang biến động quanh vùng 510 điểm.

Thực tế trong năm qua chứng minh là kịch bản thứ hai đã đúng và dường như những nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện chiến lược này nên họ mua ròng rất mạnh, đặc biệt là giai đoạn giá rớt xuống vùng 420 – 480 điểm.

Về xu hướng ngắn hạn, lúc đó Greg Morris cho rằng khả năng điều chỉnh vẫn còn, nhưng sẽ không thực sự mạnh.

Xem thêm chi tiết về chiến lược đầu tư tại TTCK Việt Nam của Greg Morris đưa ra vào tháng 5/2010 tại đây.

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 03 - 07/01/2011 (01/01/2011)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 03 - 07/01/2011 (02/01/2011)

>   Technical View: Xu hướng cổ phiếu ngân hàng năm 2011 (28/12/2010)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 27 - 31/12/2010 (25/12/2010)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 27 - 31/12/2010 (26/12/2010)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 20 - 24/12/2010 (18/12/2010)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 20 - 24/12/2010 (19/12/2010)

>   Technical View – Thị trường: Tuần 13/12 - 17/12/2010 (12/12/2010)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 13/12 - 17/12/2010 (11/12/2010)

>   Technical View – Doanh nghiệp: Tuần 06/12 - 10/12/2010 (04/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật