"Làm giá" VN-Index không khó
Đã nhiều phiên, chỉ cần mua hay bán một lô 10 cổ phiếu của những mã như BVH, VIC, HAG, VPL, MSN, DPM... là VN-Index lập tức từ xanh chuyển sang đỏ hoặc ngược lại.
Có nhiều người chưa bao giờ đầu tư chứng khoán nói rằng nếu VN-Index về 300-400 điểm họ sẽ rút tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng mua cổ phiếu. Không biết họ đầu tư lâu dài mức nào, nhưng chắc chắn họ không phải là những người “lướt sóng”.
Với họ VN-Index là thước đo để đánh giá cổ phiếu rẻ hay đắt nói chung, là định mức để tính toán thời điểm nào nên bước chân vào thị trường. Vì thế câu hỏi của họ mỗi khi có những sự kiện liên quan đến chứng khoán là “Hôm nay VN-Index bao nhiêu điểm?”.
Họ vẫn tin VN-Index như tin vào một sự minh bạch cần phải có của chứng khoán. Họ không biết rằng năm 2010 và hiện nay chỉ số của sàn Tp.HCM đã không còn phản ánh chính xác sự biến động của thị trường.
So với cuối năm 2009 hầu hết các cổ phiếu giảm giá, có mã giá bằng khi VN-Index 300 điểm, dù VN-Index không giảm bao nhiêu, vẫn quanh ngưỡng 470- 480 điểm. Chỉ một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn tác động trực tiếp đến VN- Index, tăng giá, thậm chí tăng mạnh và đây là tác nhân giữ chỉ số HOSE.
Hiện tượng này được giới đầu tư miêu tả bằng những ngôn từ như “làm giá”, “bẻ ghi”, “nắn dòng” VN-Index. Chúng tôi xin được gọi VN-Index bằng một từ không biểu cảm, khách quan hơn là “nét vẽ thiếu minh bạch của chỉ số chứng khoán”.
Người họa sĩ nào tài ba đến vậy, có thể vẽ được VN-Index? Đó là các nhà đầu tư nước ngoài, nói chính xác là một số quỹ nước ngoài chuyên đầu tư chỉ số VN-Index. Những cổ phiếu có mức vốn hóa lớn, thanh khoản kém là “màu sắc” được họ lựa chọn và sử dụng rất nhuần nhuyễn. Đã nhiều phiên, chỉ cần mua hay bán một lô 10 cổ phiếu của những mã như BVH, VIC, HAG, VPL, MSN, DPM... là VN-Index lập tức từ xanh chuyển sang đỏ hoặc ngược lại.
Trước đây có thời chỉ số HNX của sàn Hà Nội cũng dao động “méo mó” như vậy do việc mua hay bán 100 cổ phiếu SQC. Sau đó sàn Hà Nội đã xử lý bằng cách loại bỏ tỷ lệ cổ phiếu không giao dịch do thành viên hội đồng quản trị SQC nắm giữ ra khỏi lượng cổ phiếu niêm yết của công ty. Và HNX đã biến động bình thường trở lại.
Trong danh mục đầu tư của các quỹ nước ngoài chuyên đầu tư chỉ số VN- Index thường chỉ có 10 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường. Hiện các mã này có một lượng cổ phiếu “chết” tương đối lớn do cổ đông nhà nước, do hội đồng quản trị, các tổ chức nội và ngoại nắm giữ, hầu như không giao dịch. Việc loại bỏ tất cả lượng cổ phiếu “chết” ra khỏi niêm yết như sàn Hà Nội đã làm với SQC là không khả thi bởi như thể quy mô vốn hóa của HOSE sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, khác với SQC, các mã vốn hóa lớn trên HOSE có những thời điểm khá thanh khoản, đặc biệt có những phiên khớp lệnh hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu cổ phiếu. Chưa kể những cổ đông chủ chốt của những cổ phiếu vốn hóa lớn, như HSBC của BVH, có thể kiện HOSE nếu cổ phiếu của họ bị loại khỏi tình trạng niêm yết vì luật không cho phép một động thái loại trừ như vậy.
Với những tổ chức kiểu ngân hàng đầu tư, giá cổ phiếu giao dịch hàng ngày để họ tham chiếu đánh giá sự lên xuống của NAV (giá trị tài sản ròng) là điều không thể thiếu. Họ sẽ tham chiếu thế nào nếu cổ phiếu của họ bị loại trừ khỏi niêm yết?
Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã nhìn ra vấn đề này và mới đây đã thử nghiệm phân ngành các công ty niêm yết trên HOSE. Từ đây, sở sẽ đưa ra chỉ số hàng ngày của từng ngành nghề, lĩnh vực để nhà đầu tư tham khảo.
Theo kết quả phân ngành thử nghiệm được công bố trên website của sở, các công ty niêm yết được xếp vào tám nhóm ngành nghề, bao gồm nông lâm thủy sản; khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí đốt; xây dựng; vận tải kho bãi; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ. Tuy nhiên sự thử nghiệm trên chưa nhận được nhiều phản hồi từ giới đầu tư cũng như doanh nghiệp. Có thể là do cách thức, tiêu chí phân ngành. Cũng có thể là do sự phân ngành đó không khác và không mới so với việc xây dựng chỉ số ngành, lĩnh vực mà một số công ty chứng khoán và quỹ đầu tư đã từng làm. Dragon Capital đã có chỉ số DC-30, Công ty Chứng khoán Biển Việt cũng đã có chỉ số lĩnh vực từ nhiều năm trước.
Để trả lại cho VN-Index sự minh bạch, đống thời vẫn giữ được bình đẳng giữa các doanh nghiệp niêm yết, cách thức mà HOSE có thể áp dụng là ngoài VN-Index như một chỉ số chung, Sở nên xây dựng tách ra chỉ số của 5 hoặc 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Đây là cách thức nhiều nước đã làm và họ đặt cho nó cái tên ABC - 10, DEF - 20 hay XYZ - 30, 40, 50...
Như vậy sàn TPHCM sẽ có ba chỉ số để giới đầu tư và những ai quan tâm đến chứng khoán tham khảo: chỉ số VN-Index hiện hành, chỉ số 5 hoặc 10 mã vốn hóa lớn nhất, chi số VN-Index đã loại trừ những mã lớn nhất. Việc tính toán và công bố thêm hai chỉ số mới cùng với VN-Index hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay.
Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác về VN-Index, gần đây hàng ngày sau phiên giao dịch, một số trang web và công ty tư vấn đã tự tính toán mức độ ảnh hưởng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn đến chỉ số HOSE.
Thông thường họ tính ra cụ thể cổ phiếu BVH, VIC, MSN, HAG... ngày hôm đó làm VN-Index tăng/giảm bao nhiêu điểm. Tất nhiên cách tính toán này không mang tính chính thức, do đó độ tin cậy của nó hạn hẹp. Cần có sự tính toán và công bố các chỉ số chính thức từ phía cơ quan quản lý thị trường. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường mà không ai có thể làm thay được!
Hải Long
TBKTSG
|