Thứ Tư, 15/12/2010 21:37

Thị trường đã vào xu hướng tăng?

Những phiên tăng điểm ấn tượng trong 2 tuần gần đây có phải là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng đã được thiết lập?

Với sự tăng điểm ấn tượng ở phiên giao dịch cuối tuần trước (10.12), các nhà đầu tư cho rằng, đã có thêm cơ sở để lạc quan về xu hướng tăng của VN-Index trong tuần này. Theo quan sát của nhiều chuyên viên môi giới tại các công ty chứng khoán ở Hà Nội, nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển thêm tiền vào tài khoản chứng khoán. Điều gì khiến các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng của thị trường khi bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn?

5 lập luận

Theo ông Đinh Anh Kim, Giám đốc Chi nhánh Chương Dương (Hà Nội), Công ty Chứng khoán APEC, có 5 lý do khiến các nhà đầu tư mạnh tay giải ngân vào chứng khoán.

Thứ nhất, phần lớn nhà đầu tư đều cho rằng kinh tế vĩ mô đã bộc lộ hết các tin xấu. Điều đáng lo ngại nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo ở mức 10,5%. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã vọt lên trên dưới 20%/năm. Mặc cho các thông tin bất lợi này, VN-Index vẫn giữ vững trên ngưỡng 420 điểm. Đó là cơ sở để nhà đầu tư cho rằng trong thời gian tới, nếu có xuất hiện các tin tức xấu hơn thì thị trường cũng không giảm xuống dưới mức này. Còn trong trường hợp VN-Index lập xu hướng tăng bền vững, nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu ở mức giá thấp và mức sinh lời là khá cao.

Thứ 2, các cổ phiếu blue-chip, có giá trị cơ bản tốt vẫn chưa tăng giá nhiều, do dòng tiền đầu cơ vẫn đang tập trung vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp. Đầu tư vào cổ phiếu blue-chip thời điểm hiện nay vừa ít rủi ro vừa đón đầu được xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới.

Thứ 3, thị trường chứng khoán vẫn tỏ ra hấp dẫn hơn so với một số kênh đầu tư khác. Giá vàng được dự báo sẽ còn tăng trong trung và dài hạn bởi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Nhưng gần đây, giá mặt hàng kim loại quý này trồi sụt khó lường. Vì thế, nhìn chung, đầu tư vàng lúc này khá rủi ro, nhất là nếu sử dụng đòn bẩy tài chính.

Đối với kênh đầu tư địa ốc, giá bất động sản ở thị trường phía Nam tuy rẻ, nhưng do cung lớn, nên chưa biết bao giờ mới có sóng. Còn thị trường Hà Nội chỉ sôi động nhất ở khu vực phía Tây và giá cũng đã được đẩy cao, nên dư địa tăng giá không còn nhiều. Hơn nữa, kênh bất động sản đòi hỏi vốn lớn và thời gian đầu tư kéo dài.

Đầu tư ngoại tệ lúc này cũng khá rủi ro vì tỉ giá đang biến động. Đối với kênh gửi tiết kiệm, sức hấp dẫn cũng đã giảm bớt. Sau cơn náo loạn lãi suất huy động trong nhiều ngày qua, cuối tuần trước, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận đưa lãi suất huy động xuống mức 14%/năm để bình ổn thị trường. Hơn nữa, mức sinh lời của kênh gửi tiết kiệm là cố định, trong khi nếu đầu tư chứng khoán, chỉ cần xuất hiện sóng trong 2 tuần, đã cho mức sinh lời tối thiểu 15%, thậm chí 30 - 40%. Đó là chưa kể khi kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất huy động sẽ bị điều chỉnh giảm.

Thứ 4, nhiều nhà đầu tư cho rằng, do kinh tế vĩ mô đã vào giai đoạn khó khăn nhất (CPI và lãi suất tăng cao), nên Chính phủ sẽ phải sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ. Do đó, lúc này là cơ hội để tích lũy cổ phiếu trước khi có tin tốt từ chính sách điều hành vĩ mô và thị trường chứng khoán tăng mạnh.

Thứ 5, dựa trên phân tích kỹ thuật, khi tín hiệu điểm tăng cùng khối lượng tăng xuất hiện liên tục, đó là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy thị trường đang lấy đà để hình thành xu hướng tăng. Một tín hiệu lạc quan hơn là liên tiếp 2 tuần trước, thị trường đã xuất hiện 4 phiên giao dịch vụt sáng (điểm tăng cùng khối lượng tăng đột biến).

Thận trọng trước sóng đầu cơ

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Sao Việt, cho rằng, tuy thị trường đang phát ra những tín hiệu tích cực, nhưng cũng chưa thể nói là bền vững.

Có nhiều lý do để nhà đầu tư nên thận trọng trước các tín hiệu tăng hiện nay. Trước hết, VN-Index tăng điểm là do được tiếp sức bởi dòng tiền nóng của các nhà đầu cơ. Dòng tiền này có bản chất vào nhanh, ra nhanh, sẵn sàng cắt lỗ để thoát thân. Dòng tiền đầu cơ thường được hỗ trợ bởi các công ty chứng khoán nên sức mạnh rất “ảo”. Nghĩa là có thể đặt lệnh dư mua hàng trăm, hàng triệu cổ phiếu với giá trần, nhưng cũng sẵn sàng rút lệnh ngay nếu điều kiện trở nên không thuận lợi.

Theo nguyên lý cơ bản, thị trường vào xu hướng tăng bền vững phải được sự hỗ trợ bởi các thông tin tốt, nhất là tin tức từ kinh tế vĩ mô như lạm phát giảm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng... Xét các yếu tố này, thị trường hoàn toàn chưa có, nếu không nói là thông tin tiêu cực có thể sẽ còn duy trì trong một vài tháng tới như CPI tháng 12.2010 và tháng 1.2011 tăng, lãi suất duy trì ở mức cao để kiềm chế lạm phát. Đó là chưa kể đến các tác động từ bên ngoài như khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và Ireland đang có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu.

Bà Ngô Diễm Hằng, chuyên viên phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Click & Phone, cho rằng, với diễn biến giao dịch tích cực gần đây của thị trường, đà tăng sẽ còn được duy trì. Tuy nhiên, cần phải lường trước tình huống xấu xảy ra. Đó là khi giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh, tâm lý chốt lời xuất hiện, cùng lúc thị trường phát ra tín hiệu tiêu cực, đặc biệt về kinh tế vĩ mô thì các nhà đầu cơ sẽ bán ra ồ ạt. Lúc đó, giá cổ phiếu sẽ trượt dốc không phanh. Và mức thiệt hại sẽ không nhỏ nếu các nhà đầu tư không kịp chốt lời hay cắt lỗ.

Còn ông Dũng, Công ty Sao Việt, thì cho rằng: “Theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng cản cần phải chú ý đối với VN-Index là vùng 500 điểm. Khi cả thị trường đều biết ngưỡng 500 là cản cứng thì theo lẽ tự nhiên, nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng chốt lời sớm. Đó là hiện tượng hay xảy ra trong các đợt tăng điểm trước. Nghĩa là khi các nhà phân tích xác định được đích thì VN-Index thường gãy xu hướng trước khi cán đích”.

Ông cũng nói thêm rằng: “Thị trường mới đang ở giai đoạn xác định khả năng hồi phục, nhưng là trong hoàn cảnh không thuận lợi. Do đó, nhà đầu tư vẫn phải thận trọng xác định cơ cấu và tỉ trọng đầu tư, đặc biệt là các biện pháp ứng phó trước các ngưỡng cản được coi là cứng”.

Thanh Lâm

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 16/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/12/2010)

>   Bối rối chính sách, vốn ngoại hững hờ (15/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp (15/12/2010)

>   Tiềm ẩn “vận may” cổ phiếu ngân hàng (15/12/2010)

>   Mở cửa: Ngập ngừng sau phiên giao dịch khủng (15/12/2010)

>   OTC: Cổ phiếu ngân hàng đắt khách (15/12/2010)

>   “Tay to” đẩy thị trường (15/12/2010)

>   Thị trường ngày 15/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/12/2010)

>   UPCoM-Index chạm mức 42 điểm (14/12/2010)

>   Mở cửa: Thị trường ngập ngừng, tăng hay điều chỉnh? (14/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật