Thứ Tư, 15/12/2010 16:44

Bối rối chính sách, vốn ngoại hững hờ

Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiện tại được giới phân tích nước ngoài cho là tiếp tục tạo kỳ vọng lạm phát cao.     

Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục hờ hững với thị trường vốn Việt Nam, nếu chính sách điều hành kinh tế vĩ mô vẫn chưa kìm cương được con ngựa bất kham tỉ giá và lạm phát.

Mặc dù cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá là khá rẻ, nhưng dòng vốn đầu tư tài chính nước ngoài vẫn tỏ ra hờ hững. Trong khi đó, thị trường trái phiếu cũng chỉ là sân chơi của các nhà đầu tư nội. Thậm chí các ngân hàng trong nước cũng bỏ lơ, không mua vào trái phiếu chính phủ do lãi suất trái phiếu quá thấp so với lãi suất huy động và cho vay trên thị trường hiện nay.

Liên tiếp những thông tin bất lợi đã xuất hiện trong những ngày qua. Moody’s, tổ chức đánh giá tín nhiệm của Mỹ, nhận định rằng, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là con nợ lớn của nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam, chiếm 3% tổng nợ. Một chuyên gia của Moody’s (không muốn nêu tên) cũng cho rằng, việc Vinashin không trả được khoản nợ đến hạn 60 triệu USD trong tháng 12 có khả năng sẽ làm giảm tín nhiệm nợ quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, Moody’s cũng đang xem xét hạ mức đánh giá tín nhiệm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tập đoàn này cũng vừa hoãn kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Mặc dù ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đã phần nào trấn an giới tài chính quốc tế khi nói rằng đa số các công ty nhà nước lớn khác ít có khả năng đứng trên bờ vực phá sản như Vinashin, nhưng đánh giá chung về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn không được khả quan.

Matt Hildebrandt, chuyên gia kinh tế của JP Morgan Chase tại Singapore, cho rằng, Ngân hàng Trung ương Việt Nam thiếu tính độc lập, uy tín cũng như định hướng chính sách tiền tệ không rõ ràng, dẫn đến lạm phát tăng vọt. Chính sách hiện hành được cho là tiếp tục tạo ra kỳ vọng lạm phát cao.

Thị trường trái phiếu là nơi thể hiện rõ nhất tình hình ra vào của dòng vốn ngoại. Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, cho biết, nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ rót vốn vào thị trường trái phiếu khi các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng khoảng 600 triệu USD, nhưng phần lớn số tiền này được đổ vào thị trường cổ phiếu, chứ không phải trái phiếu.

Thậm chí, vốn ngoại đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam cũng không đáng kể so với dòng vốn đang chảy vào các thị trường chứng khoán châu Á khác. Theo ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Thiên Việt, dòng vốn ngoại vẫn không chọn Việt Nam là do định hướng chính sách điều hành vĩ mô hiện nay không rõ ràng. Cơ sở đưa ra nhận định trên đó là lạm phát nhảy vọt, lãi suất cao, giá USD tăng, tỉ giá niêm yết quá chênh lệch so với tỉ giá trên thị trường tự do. “Nhà đầu tư nước ngoài chưa bỏ tiền vì họ không lường trước được tình hình”, ông nói.

Một chuyên gia tài chính (không muốn nêu tên) nhận xét rằng những nhận định của các tổ chức, chuyên gia nước ngoài như Moody’s, JP Morgan Chase, CitiBank sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Và dòng vốn ngoại sẽ chưa vào Việt Nam, ít nhất là cho đến khi thị trường thấy được sự rõ ràng trong định hướng chính sách vĩ mô vào đầu năm 2011.

Lan Anh   

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp (15/12/2010)

>   Tiềm ẩn “vận may” cổ phiếu ngân hàng (15/12/2010)

>   Mở cửa: Ngập ngừng sau phiên giao dịch khủng (15/12/2010)

>   OTC: Cổ phiếu ngân hàng đắt khách (15/12/2010)

>   “Tay to” đẩy thị trường (15/12/2010)

>   Thị trường ngày 15/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (14/12/2010)

>   UPCoM-Index chạm mức 42 điểm (14/12/2010)

>   Mở cửa: Thị trường ngập ngừng, tăng hay điều chỉnh? (14/12/2010)

>   HOSE và HNX: Nghỉ giao dịch ngày 03/01/2011 nhân dịp Tết Dương lịch 2011 (14/12/2010)

>   "Vốn nóng" xô bờ... chứng khoán (13/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật