Tái cấu trúc nền kinh tế
Hôm qua, 28.12, tại TP Huế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội VN phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo "Tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế VN".
Thâm hụt ngân sách
Tại hội thảo, vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo là vấn đề đầu tư công làm bội chi ngân sách. TS Vũ Tuấn Anh, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam’s Socio-Economic Development (Viện Kinh tế VN) cho rằng trong giai đoạn 2000-2009, nền kinh tế VN tăng trưởng với nhịp độ khá cao, bình quân mỗi năm tăng 7,3%. Trong khi đó tỷ trọng đầu tư trong GDP liên tục tăng (2001-2005 từ 29,6% tăng lên tới 35,6%, năm 2007 tiếp tục tăng vọt lên 43,1%, sau đó có giảm trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn còn cao, năm 2008 là 39,7% và 2009 là 38,1%).
So với một số nước trong khu vực, tỷ trọng đầu tư trong GDP của VN thuộc loại đứng đầu. Trong khi đó, GDP tính trên đầu người của VN thấp hơn nhiều lần so với các nước. Điều này chứng tỏ rằng, VN đang thực hiện mô hình kinh tế tiết chế tiêu dùng để tích lũy vào đầu tư ở mức độ cao nhất khu vực.
Bên cạnh đó, 10 năm gần đây, VN thực hiện chính sách tài khóa liên tục tăng thu để bù đắp chi tiêu công không ngừng tăng lên (thu ngân sách từ 20,5% so với GDP năm 2000 lên 28% trong những năm 2006-2008; chi ngân sách theo đó cũng tăng từ 24,7% năm 2000 lên trên 31% năm 2005 và đạt tới mức gần 35% năm 2007). Từ tỷ lệ thu chi như trên đã làm thâm hụt ngân sách trở thành căn bệnh kinh niên.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận định, trong nhiều năm nữa, VN còn phải thực hiện chính sách chủ động bội chi ngân sách bằng con đường vay nợ để đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa đất nước. Nhưng chính sách này phải đi kèm với điều kiện nghiêm ngặt: phải có chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng. Đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hằng năm cả VND lẫn ngoại tệ, chi tiêu ngân sách tiết kiệm, phân bố vốn đầu tư minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ. Nếu tiếp tục đầu tư như cách làm những năm qua thì hệ quả không chỉ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô (lạm phát, nhập siêu)...
Lỗi hệ thống
GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế VN nói: “Việc đầu tư công đang dàn trải, không có hiệu quả lỗi một phần là do chủ trương, nhưng một phần khác lại do chính các đại biểu Quốc hội. Ví dụ như chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 5 triệu ha rừng, các đại biểu thấy rằng mỗi địa phương có một tí thế là phấn khởi đồng ý. Nhưng các quy hoạch, chiến lược khi triển khai về các địa phương mỗi nơi phá một tí và lại sáng tác thêm một tí mà thành ra hỏng quy hoạch, hỏng chiến lược”
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nền kinh tế chúng ta hiện đang mắc lỗi hệ thống và không theo thông lệ quốc tế. Trong khi người ta đầu tư theo hợp đồng kinh tế thì chúng ta lại nặng bệnh thành tích. Trong khi người ta trả lương theo việc thì chúng ta trả lương theo chế độ phụ cấp. Theo ông Thiên, vai trò của Nhà nước là ổn định vĩ mô chứ không phải đầu tư tăng trưởng. Vì thế trước hết là phải cải cách hệ thống quản lý nhà nước, cải cách chế độ tiền lương; thiết lập các thể chế độc lập...
Tăng trưởng chiều sâu
GS Nguyễn Quang Thái nêu 3 giải pháp: “Trước hết là cần làm rõ mô hình phát triển mới trong điều kiện tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến hiệu quả, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Thứ hai, làm rõ chức năng Nhà nước, từ đó làm rõ chức năng đầu tư từ ngân sách và chi đầu tư công. Nhà nước làm chức năng quản trị quốc gia chứ không phải Nhà nước làm kinh doanh trực tiếp. Cần nhanh chóng giảm và đi tới không đầu tư ngân sách cho mục tiêu kinh doanh thuần túy. Thứ ba, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công”.
TS Nguyễn Quang A cũng cho rằng: Cần thay đổi cơ bản trong tư duy phát triển, từ bỏ sự đam mê số lượng tăng trưởng GDP mà giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng chi tiêu cho giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe, phân bổ lại nguồn lực để đảm bảo phát triển bền vững, giảm thâm hụt ngân sách.
TS Trần Du Lịch phân tích, trong điều kiện của VN hiện nay, cần phải xây dựng một hệ thống quan điểm “tài chính công tích cực”. Để tái cơ cấu đầu tư công trước hết phải đổi mới căn bản phương thức quản trị tài chính công. Theo đó, cần phải sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tách biệt hai loại ngân sách: ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương, tiến tới xây dựng luật ngân sách hằng năm như thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng Luật Đầu tư công nhằm định chế các điều kiện, nội dung, phương thức và cơ chế quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Bùi Ngọc Long
THANH NIÊN
|