Giải thích về con ngựa chứng CPI và cam kết của Chính phủ
Quan điểm cho rằng, ngân hàng Nhà nước không có lỗi trong việc lạm phát năm 2010 cao được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản, phát biểu của các quan chức cơ quan này gần đây
Tại cuộc họp báo thường kỳ của văn phòng Chính phủ tháng trước, báo Sài Gòn Tiếp Thị đặt câu hỏi: Chính phủ có bàn, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo một số bộ, ngành Tài chính, Công thương, ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chưa tốt, làm cho lạm phát năm nay tăng cao? Ông Nguyễn Xuân Phúc, bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ chỉ nói rằng, lạm phát năm 2010 cao do tác động lớn của nhiều yếu tố khách quan: giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, năm nay diễn ra nhiều thiên tai, lũ lụt ở miền Trung. Còn về cơ bản, Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực trong các giải pháp điều hành, ví dụ như trong một tháng, Thủ tướng đã hai lần ra chỉ thị bình ổn giá cả, thị trường…
Những nguyên nhân ông Phúc nói cũng chỉ là một trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao và chưa đủ để giải thích vì sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam lại tăng đến 2 con số (11,75%), vượt xa rất nhiều chỉ số CPI của nhiều nước trong khu vực - một số nước cũng chịu các tác động khách quan như ông nói. Vậy thì, về chủ quan, có những nguyên nhân nào từ chính sách điều hành chưa ổn dẫn đến không kiềm chế được CPI cả năm dưới 7% (sau khi được điều chỉnh lên không quá 8%) như nghị quyết Quốc hội?
Đã có nhiều người nhìn về phía NHNN để chờ nghe giải thích về chính sách tiền tệ, tỷ giá. Nhưng tại phiên họp do ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần trước, thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã nói rằng: “Việc điều hành tiền tệ trong năm qua không trực tiếp gây ra lạm phát, nếu xét về các chỉ số về cung ứng tín dụng, phương tiện thanh toán”.
Quan điểm cho rằng, NHNN không có lỗi trong việc lạm phát năm 2010 cao được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản, phát biểu của các quan chức cơ quan này gần đây. Một báo cáo mới phát hành gần đây của cơ quan này đã giải thích kỹ hơn vì sao họ có quan điểm như vậy. Báo cáo này nêu, tác động của tiền tệ đến CPI cũng là một trong nhiều nguyên nhân và được tác động bởi các yếu tố tăng tổng phương tiện thanh toán (M2), tín dụng và tỷ giá. “Tuy nhiên, năm 2010 các yếu tố này tác động tới CPI không lớn bằng các yếu tố khác và so với các năm trước, do việc điều hành chính sách tiền tệ chuyển từ nới lỏng năm 2009 sang thận trọng, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát”, NHNN nhận định. Theo cơ quan này, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng năm 2010 tăng thấp hơn nhiều so với năm 2009 (tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm 2010 ước tăng 25% và 26-28%, thấp hơn nhiều so với mức tăng tương ứng 27,54% và 37,53% của năm 2009).
Nhưng ngay cả vấn đề về tỷ giá, NHNN cũng không thừa nhận. Theo một quan chức của NHNN, tỷ giá tăng thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, cụ thể do nhập siêu liên tục và kéo dài làm cho cán cân thanh toán thâm hụt dẫn tới mất cân đối cung – cầu ngoại tệ; tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế làm tăng tâm lý găm giữ ngoại tệ khi thị trường có dấu hiệu căng thẳng. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới tăng đột biến từ giữa tháng 9.2010, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đã làm tăng hoạt động gom ngoại tệ nhập khẩu vàng lậu. Theo ông này, giá cả nhiều hàng hóa có xu hướng tăng cũng tác động làm tăng tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, góp phần làm tăng tỷ giá.
NHNN chỉ thừa nhận, CPI năm 2010 tăng cao là có yếu tố tác động trễ của chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng và các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 (thâm hụt ngân sách, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm 2009 tăng cao, lần lượt là: 6,9%GDP, 27,54%, và 37,53%) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Về phần mình, bộ Công thương luôn cho rằng, cân đối cung ứng, phân phối hàng hóa năm nay, ở mọi thời điểm đều phục vụ đủ nhu cầu (trừ một số mặt hàng như thịt heo, rau xanh, v.v. có lúc lên giá do dịch bệnh, thời tiết: bão, lũ, rét, v.v.). Nhưng bộ Công thương không có nhắc đến chuyện nhập siêu tăng cao và kéo dài trong 4-5 năm trở lại đây. Bộ Tài chính thì cho rằng, đầu tư công lớn vẫn cần thiết để duy trì phát triển, nợ công vẫn trong giới hạn an toàn!
Theo một thành viên thường trực của tổ điều hành thị trường trong nước (liên ngành), lý giải của NHNN chưa thỏa đáng, bởi việc cung tiền năm 2010 ít nhiều cũng gián tiếp ảnh hưởng đến CPI. Hơn nữa, NHNN cũng có trách nhiệm về việc liên tục điều chỉnh tỷ giá. Vì chắc chắn, mỗi lần thay đổi tỷ giá ảnh hưởng rất nhanh và lớn đến CPI bởi Việt Nam nhập khẩu quá lớn: 70-80% lượng hàng hóa tiêu dùng trong nước; trong khi xuất khẩu, chủ yếu cũng là nhập nguyên liệu, làm gia công. Tất cả các báo cáo gần đây của một số cơ quan tổng hợp, phân tích tình hình giá cả của các bộ như: cục Quản lý giá (bộ Tài chính), trung tâm Thông tin công nghiêp - thương mại (bộ Công thương), viện Nghiên cứu thương mại đều cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng: phân bón, giấy, thép, sữa, dược phẩm... tăng cao là có yếu tố thay đổi tỷ giá làm tăng giá nguyên liệu, thành phẩm nhập khẩu.
Hôm 24.12 vừa qua, để củng cố niềm tin của người dân đang không biết dựa vào đâu để kỳ vọng, làm ăn, Phó chủ nhiệm uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa hứa hẹn: “Đầu năm mới, Chính phủ sẽ tuyên bố rất minh bạch về toàn bộ chính sách điều hành tiền tệ mà Chính phủ sẽ áp dụng, bao gồm cả mục tiêu, biện pháp thực thi và cả thời hạn có thể đạt được”.
Mạnh Quân
sài gòn tiếp thị
|