Thứ Sáu, 03/12/2010 21:49

Sóng ở đáy... thị trường

Trái với diễn biến của năm 2009, con sóng này được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư lớn và tháng cuối năm nay, nhiều tổ chức sơ đẩy mạnh “lướt sóng”. Điều cần thiết với thị trường ở thời điểm này là động lực được duy trì.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital cho biết, gần đây, Quỹ đã gia tăng mua bán trên sàn. So với các TTCK trong khu vực, phong vũ biểu của nền kinh tế Việt Nam đi lùi, vì thế, áp lực quay vòng để làm gia tăng lượng tiền mặt và làm đẹp NAV cuối năm với các quỹ rất lớn.

Muốn gọi thêm vốn đầu tư, kết quả kinh doanh năm 2010 phải ở mức cổ đông hài lòng tương đối. Để có tiền mặt cho những địa chỉ mới, dù đánh giá VNM là doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, Dragon Capital mới đây đã bán thỏa thuận hơn 3 triệu cổ phiếu này cho nhà đầu tư nước ngoài khác.

Theo quan sát của giới kinh doanh chứng khoán, Vinacapital thời gian qua đã hiện thực hóa kết quả đầu tư tại một số dự án bất động sản. Với lượng tiền mặt dồi dào, không loại trừ khả năng Quỹ sẽ giải ngân vào TTCK khi giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã ở mức rất thấp so với giá trị thực và ưu thế trên bàn đàm phán thuộc về người mua.

Lướt qua một loạt các quỹ thì thấy, hoạt động lướt sóng trong giai đoạn cuối năm sôi động hơn rất nhiều. Red River, Quỹ đầu tư được đánh giá tiên phong giải ngân trong lần thị trường chạm đáy năm 2009 đăng ký “lướt sóng” hơn 2 triệu cổ phiếu DBC; 500.000 LSS; 1,4 triệu cổ phiếu MPC từ 31/11 đến 31/12. DeutchsBank “lướt sóng” 1 triệu cổ phiếu GMD; 1-2,5 triệu cổ phiếu CII từ 6/12 đến 28/1/2010; Quỹ SSI thì liên tục mua bán VCS, VHL, NSC...

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn ngành dầu khí hồi giữa tháng 11  đã tỏ ra tiếc nuối khi Công ty dã tạm ứng cổ tức 10% trước đó. Vị này tự tin vào cơ hội thu lãi nếu như hơn 200 tỷ đồng đã trả cổ tức được dùng để mua cổ phiếu những doanh nghiệp thành viên làm ăn tốt.

Cùng với động thái mua vào cổ phiếu quỹ của nhiều doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức đầu tư lớn đã đăng ký mua vào cổ phiếu như Barca Global Master Fund mua 386.000 cổ phiếu VNC, FPTCap mua 10% cổ phần Đất Xanh... Trong 2 tuần trở lại đây, nhiều quỹ đầu tư mới vào Việt Nam như các nhà đầu tư Nhật thông qua PVFC Capital, đã đẩy nhanh các cuộc làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết để tìm kiếm cơ hội giải ngân.

Giám đốc một công ty quản lý quỹ cho hay, khi có sự dẫn dắt của các “tay to”, nhà đầu tư sẽ bị lôi cuốn cao độ và khi đó, 2 khả năng có thể xảy ra: nhà đầu tư nhỏ lẻ không bán, găm hàng chờ hòa vốn hoặc mua thêm cổ phiếu để gỡ lại thua thiệt. Dòng tiền eo hẹp chuyển động sẽ tạo ra các đợt sóng lên xuống và góp phần làm thị trường sôi động hơn.

Động lực nào hỗ trợ thị trường

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp, nơi các tổ chức đối thoại về chính sách với Chính phủ sáng 2/11, nhóm công tác thị trường vốn của diễn đàn doanh nghiệp cho biết, kết quả khảo sát 50 công ty đại chúng lớn nhất của Việt Nam do Nhóm vừa thực hiện cho thấy, “sức khoẻ” của các DN rất tốt. Điều này được thể hiện rõ nét qua kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2010 mà các DN này đạt được: lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 35% so với cùng kỳ năm ngoái; có mức độ an toàn vốn cao, bởi tỷ lệ vốn vay chỉ chiếm 20% tổng vốn hoạt động của DN.

Các tổ chức nêu ra 3 giải pháp để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển gồm: cho phép triển khai các sản phẩm mới như ký quỹ, mua bán chứng khoán cùng phiên, mở nhiều tài khoản bằng cách sớm ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch mới; tăng cung hàng chất lượng để thu hút dòng tiền nước ngoài đang ngấp nghé vào Việt Nam; có chính sách ưu đãi về thuế để phát triển các nhà đầu tư tổ chức.

Đây không phải là những khuyến nghị mới song sự tụt hậu của TTCK Việt Nam so với khu vực và thế giới buộc các nhà quản lý phải xem xét lại nếu muốn thu hút vốn đầu tư, giảm áp lực mất cân đối cán cân thanh toán và tạo kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp.

Giải đáp những yêu cầu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính, UBCK đang chỉ đạo các bên liên quan như các Sở GDCK, Trung tâm lưu ký, CTCK khẩn trương hoàn chỉnh các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, quản lý rủi ro, an toàn tài chính để cho phép triển khai các sản phẩm mới.

Một bộ dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung vừa được Quốc hội thông qua đang được Bộ Tài chính xây dựng để Chính phủ sớm ban hành, trong đó có nội dung nâng cao quy chuẩn về công bố thông tin trên TTCK, về niêm yết giúp thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả hơn.

Để gia tăng hàng hóa chất lượng cao cho TTCK, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DNNN, kèm theo đó là xây dựng lộ trình bán bớt phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, để sớm trình Chính phủ ban hành, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về xác định giá đất, lợi thế vị trí địa lý.

Hữu Hòe - Anh Việt

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư chân chất chỉ từ lỗ tới ... lỗ (03/12/2010)

>   Chợ OTC sẽ thay đổi vì Luật (03/12/2010)

>   “Tay to” chưa vào thị trường (03/12/2010)

>   Thị trường ngày 03/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (02/12/2010)

>   UPCoM-Index tăng lên 42,1 điểm (02/12/2010)

>   HNX yêu cầu LUT, LTC, TIG giải trình tăng trần 5 phiên liên tiếp (02/12/2010)

>   Cảnh báo hành vi trục lợi thông tin (02/12/2010)

>   Cảnh giác khi mua đuổi giá (02/12/2010)

>   Bourbon ra đi (02/12/2010)

>   Thủ phạm "giết" một thị trường non trẻ (02/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật