Chợ OTC sẽ thay đổi vì Luật
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán vừa được thông qua có nhiều điểm mới điều chỉnh hoạt động của các DN trên thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC). Theo nhiều NĐT, đây sẽ là điểm giúp thị trường này hoạt động lành mạnh và phát triển hơn.
Điểm mới đáng chú ý nhất là quy định về việc công ty đại chúng (CTĐC) sau 1 năm phát hành ra đại chúng phải tiến hành niêm yết. Điều này đồng nghĩa với việc CTĐC phải có chiến lược rõ ràng và gắn lợi ích của DN với lợi ích các cổ đông hơn nữa, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch chứng khoán.
Theo một chuyên gia tham gia soạn thảo Luật Chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ở nhiều nước, ngay từ khi thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu, phát hành cổ phiếu để cổ phần hóa, DN đã phải đăng ký tên chứng khoán, nơi niêm yết và thời gian niêm yết. Thậm chí, có nước quy định, đã là CTĐC thì phải đăng ký niêm yết sau một thời gian nhất định. Tại Việt Nam, do còn liên quan đến một số luật, như Luật Doanh nghiệp, nên bước đầu Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung chỉ yêu cầu CTĐC thực hiện niêm yết sau khi phát hành được 1 năm. Mục đích của yêu cầu này là nhằm thu hẹp thị trường OTC, mở rộng thị trường có tổ chức.
Liên quan đến vấn đề này, theo tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đến nay, số lượng DN đăng ký và đăng ký kế hoạch lưu ký chứng khoán đã tăng lên. Tuy nhiên, so với số lượng CTĐC hiện nay vào khoảng 4.000, thì các CTĐC thực hiện lưu ký chứng khoán vẫn chưa phải là nhiều. Sau khi quy định tại Luật Chứng khoán mới có hiệu lực, số lượng chứng khoán của CTĐC thực hiện lưu ký tập trung sẽ tăng lên.
Một nội dung quan trọng thúc đẩy việc niêm yết của các tổ chức phát hành quy mô lớn hiện đang đứng ngoài thị trường tập trung là yêu cầu về công bố thông tin. Trước đây, chỉ các DN niêm yết phải công bố thông tin theo chuẩn mực rất cao, thì nay, yêu cầu này đặt ra với tất cả các CTĐC. "Cơ quan quản lý sẽ có hướng dẫn cụ thể theo quy mô vốn của DN để đặt ra yêu cầu công bố thông tin. Điều này là phù hợp, vì DN lớn, hoạt động nhiều lĩnh vực, đủ chi phí và có mức độ đại chúng rộng phải công bố thông tin thường xuyên hơn ra thị trường so với những công ty nhỏ, vốn thấp", ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK nói.
Như vậy, tới đây, các DN có quy mô lớn như Sabeco, Habeco, Halico, Hanaka, Mai Linh..., mặc dù chưa niêm yết, nhưng vẫn phải công bố thông tin theo chuẩn niêm yết, bao gồm thông tin định kỳ, thông tin bất thường, báo cáo tài chính soát xét bán niên... "Mức độ đại chúng cao, công bố thông tin phải theo chuẩn thì không có lý do gì các DN đó lại không vào thị trường niêm yết", một chuyên gia nhận định.
Trên thị trường OTC tới đây cũng sẽ có thêm một loại sản phẩm mới, đó là "Hợp đồng góp vốn đầu tư". Theo điểm a, Khoản 8, Điều 1 Luật Chứng khoán mới, đây là hợp đồng góp vốn bằng tiền hoặc tài sản giữa các NĐT với tổ chức phát hành hợp đồng, nhằm mục đích lợi nhuận và được phép chuyển đổi thành chứng khoán khác. Trong thực tiễn, hợp đồng góp vốn đầu tư có nhiều loại hình, với những tính chất khác nhau, chẳng hạn như hợp đồng góp vốn đầu tư vào dự án bất động sản, hợp đồng góp vốn đầu tư hợp tác sản xuất - kinh doanh… Thực tế đã phát sinh trường hợp một số tổ chức phát hành ra công chúng loại hình "hợp đồng góp vốn đầu tư", trong đó quy định rõ quyền và lợi ích của người góp vốn đầu tư, sau đó hợp đồng này được chuyển đổi thành cổ phiếu và được chuyển nhượng trên thị trường. Như vậy, hợp đồng góp vốn đầu tư được chuyển đổi thành chứng khoán khác được coi là chứng khoán và chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán.
Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện một số loại thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết như chợ MB tại 16 Liễu Giai (Hà Nội), giao dịch OTC qua bảng điện tử tại một số CTCK. Đến nay, các chợ này đều không tồn tại, do pháp luật không cho phép. Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo đó, "Sở giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho các chứng khoán đủ điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán; việc tổ chức thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của Chính phủ". Như vậy, theo quy định mới, trong trường hợp cần thiết phải lập thêm thị trường giao dịch chứng khoán thì Chính phủ sẽ đứng ra thành lập. Còn theo quy định cũ, "ngoài Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán".
Thị trường OTC với hàng ngàn mã cổ phiếu, vốn hóa lớn hơn thị trường niêm yết, nhưng giao dịch hết sức trầm lắng. Trong phần lớn thời gian của năm 2010, đa số cổ phiếu đóng băng giao dịch. Một trong nhiều nguyên nhân là thông tin trên thị trường kém minh bạch. Với những quy định mới nêu trên, các NĐT đang kỳ vọng thị trường sẽ minh bạch hơn, giao dịch sôi động hơn.
Nguyên Thành
Đầu tư chứng khoán
|