Thứ Tư, 29/12/2010 08:23

Ông Nguyễn Đình Cung, phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

“Năm 2011: Chờ đợi một hệ chính sách điều hành mới…”

Là trưởng nhóm nghiên cứu của đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2020, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã có những suy nghĩ lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2011.

Ông thấy năm 2011, kinh tế Việt Nam có thể hy vọng chuyển biến trên những mặt nào?

Có giảm đầu tư công thì mới giảm được bội chi ngân sách, giảm thâm hụt cán cân thanh toán, từ đó luồng vốn mới chảy sang khu vực kinh tế tư nhân – nơi sử dụng nguồn lực năng động, hiệu quả hơn.

Chúng ta có thể hy vọng sau đại hội Đảng, Nhà nước sẽ có những lãnh đạo mới, với những tư duy, chính sách mới, cách điều hành mới để có những quyết sách lớn, thay đổi, cải thiện tình hình. Hơn nữa, năm 2011 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mười năm 2011 – 2020 nên ngay từ năm 2011, sẽ có một hệ chính sách mới để chuyển dịch mô hình kinh tế từ phát triển chiều rộng lâu nay sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với năm 2011, chúng ta cũng có thể cảm nhận rằng, trong ba năm, năm năm qua, Chính phủ, các cơ quan chính phủ đã rút ra được nhiều bài học trong quá trình điều hành cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, trong điều hành đảm bảo các cân đối vĩ mô và giải quyết những cú sốc, những bất ổn của nền kinh tế. Đã có những thành công và những thất bại trong quá trình điều hành ấy nhưng quan trọng nhất là phải rút ra được bài học, kinh nghiệm để có những thay đổi, cải cách cho giai đoạn tiếp theo mà cụ thể, ngay từ năm 2011 này.

Với những mục tiêu kinh tế mà Quốc hội đã xác định, ông thấy khả năng Chính phủ thực hiện thế nào cụ thể là tăng trưởng kinh tế 7,5%, lạm phát dưới 7%?

Theo tôi, chỉ tiêu tăng trưởng như vậy vẫn có thể đạt được nếu nâng cao được hiệu quả đầu tư, năng suất lao động trong các ngành sản xuất. Nhưng dường như bây giờ, mong muốn cao nhất của tất cả doanh nghiệp, người dân là kinh tế vĩ mô phải ổn định, lạm phát giảm.

Riêng về lạm phát, theo tôi, xác định mức lạm phát năm sau ở 5 – 6% thì hợp lý hơn nhưng cần giảm chi ngân sách, giảm đầu tư công làm sao cho chỉ còn bằng ở mức 3 – 3,5% GDP. Nói như vậy vì cái gốc của những bất ổn kinh tế Việt Nam những năm qua là cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, năng suất thấp, hiệu quả thấp đặc biệt là hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công kém. Nút thắt chính là ở đây. Cho nên, nếu giảm được chi tiêu công, đầu tư công thì mới cải thiện được các chính sách về tài chính, tiền tệ. Nói gì đi nữa, chính sách tiền tệ cũng phải điều hành theo chính sách tài khoá, phục vụ tài khoá nhiều hơn. Cho nên, có giảm đầu tư công thì mới giảm được bội chi ngân sách, giảm thâm hụt cán cân thanh toán, giảm nhu cầu nhập khẩu… từ đó mới có thể mở được chính sách tiền tệ. Luồng vốn mới chảy sang khu vực kinh tế tư nhân – nơi sử dụng nguồn lực năng động, hiệu quả hơn, làm cho nhu cầu vốn của nền kinh tế được đáp ứng. Trên cơ sở đó mới khắc phục những bất ổn kéo dài như hiện nay để bắt đầu một quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, lượng trái phiếu chính phủ phát hành năm sau vẫn rất lớn?

Theo tôi là không nên phát hành trái phiếu nữa cho đến chừng nào thay đổi được cơ cấu đầu tư, chưa nâng cao được hiệu quả đầu tư. Nếu tiếp tục huy động bằng trái phiếu nữa, đầu tư vẫn lớn thì tiếp tục gây thâm hụt ngân sách, nhu cầu ngoại tệ vẫn lớn từ đó gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất và câu chuyện lạm phát vẫn chưa giải quyết được.

Theo ông, năm sau, các yếu tố bên ngoài ví dụ như trong lĩnh vực xuất khẩu, giá cả, nhu cầu của thị trường bên ngoài tăng thì cũng có giúp Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu, dần cân bằng cán cân thương mại?

Thực ra bên ngoài thuận thì cũng thuận không chỉ cho ta mà cho tất cả các nước khác, khó khăn thì cũng khó cho ta và khó cho nước khác. Vấn đề là chúng ta phải giải quyết được những yếu kém nội tại. Trong lĩnh vực xuất khẩu, cái quan trọng nhất hiện nay là phải giảm được thâm hụt thương mại cho nên chúng ta không nên chỉ chạy theo một vế là xuất khẩu mà điều cần quan tâm là phải cân bằng được giữa phát triển thị trường trong nước với xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế của ta hiện nay vẫn là nhập nhiều hơn xuất cho nên nếu cần hi sinh vài điểm trong tăng trưởng xuất khẩu mà đẩy mạnh được sản xuất, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trong nước để giảm bớt nhập khẩu thì cần thiết hơn.

Mạnh Quân thực hiện

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Nóng lạnh chỉ số giá 2010 và thông điệp điều hành (29/12/2010)

>   Tái cấu trúc nền kinh tế  (29/12/2010)

>   Lạm phát 2010: Ba đột biến, hai kỷ lục và một nỗi lo (28/12/2010)

>   Giải thích về con ngựa chứng CPI và cam kết của Chính phủ (28/12/2010)

>   Công khai hợp đồng chi tiêu công (28/12/2010)

>   Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút đầu tư (28/12/2010)

>   Thu hút vốn FDI 2011: Bất động sản sẽ không nhiều (27/12/2010)

>   Gốc rễ của lạm phát (27/12/2010)

>   CPI Hà Nội tháng tới dự báo tăng 1,3-1,5% (27/12/2010)

>   Nên đặt mục tiêu lạm phát năm 2011 dưới 6% (27/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật