Vẫn lơ lửng nỗi lo “sao quả tạ”
Thực tế cho thấy, TTCK đã giảm mạnh, với mức giá nhiều mã cổ phiếu thậm chí về thấp hơn giai đoạn khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến thị trường đang ở mức hấp dẫn để đầu tư là nguy cơ giá cổ phiếu có thể rẻ hơn nhiều so với mức hiện tại.
Khan hiếm nguồn tiền
Một điều dễ nhận thấy là, TTCK hiện tại phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Trong một năm qua, một trong những chiêu thức cạnh tranh thị phần và mang lại hiệu quả cho các CTCK là việc cho sử dụng đòn bẩy giao dịch chứng khoán cao. Nhưng từ tháng 10/2010 đến nay, rất ít NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính, một phần vì rủi ro cao khi thị trường có xu hướng đi xuống, một phần vì bị “cháy” tài khoản nên năng lực sử dụng vốn vay trong tài khoản giảm đi đáng kể.
Lãnh đạo phụ trách môi giới của một CTCK có thị phần trong Top 5 cho biết, thời gian vừa qua, các ngân hàng bắt đầu co hẹp hạn mức vốn vay cho các CTCK. Chính vì vậy, nhiều CTCK giảm nguồn cung tín dụng cho khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng di chuyển tài khoản của NĐT từ CTCK này sang CTCK khác. Nhưng đây không phải là nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường, mà yếu tố tác động mạnh hơn là việc tăng lãi suất, khiến áp lực phải giảm tỷ lệ vốn vay của các NĐT tăng cao. Theo đó, với mức lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán lên đến 22%/năm thì chi phí vốn cho các khoản đầu tư tăng mạnh. Trong bối cảnh thị trường đi lên, việc chấp nhận vay “nóng” với lãi suất thậm chí lên tới 1%/ngày để đầu tư chứng khoán vẫn được không ít NĐT lựa chọn, vì họ có thể kiếm tới vài ba phần trăm một ngày. Nhưng nay, khi tín hiệu đi lên của thị trường chưa có thì việc mạo hiểm chấp nhận chi phí vốn tới 22%/năm, chưa kể nếu muốn “lướt sóng”, NĐT có thể mất thêm chi phí ứng trước tiền bán (chi phí này cũng tăng), thì việc đầu tư mới lúc này là điều khá mạo hiểm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người phụ trách đầu tư cho một công ty đầu tư về tài chính - bất động sản tại Hà Nội cho biết, lâu nay, công ty của ông không thực hiện đầu tư mới, mà cho ngân hàng vay kỳ hạn 1 tháng một, với lãi suất 23%/năm. Nhiều “đại gia” trong lĩnh vực chứng khoán cũng tỏ ra ngần ngại không dám đầu tư mới. Hệ quả là, thanh khoản thị trường giảm do vòng quay vốn của các NĐT ở mức thấp.
Một yếu tố nữa khiến nguồn tiền vào thị trường sụt giảm là do bị cạnh tranh từ thị trường vàng. Dù đầu tư vàng trên tài khoản đã bị cấm từ đầu năm, nhưng không vì thế mà lượng tiền đầu tư vàng sụt giảm. Với biến động giá vàng lớn như vừa qua, sức hút đầu tư vào vàng, cả vàng vật chất và vàng tài khoản (tất nhiên là đầu tư… chui) đều tăng mạnh.
Nguồn cung từ repo
Có một kịch bản mà nhiều NĐT lâu năm trên thị trường đưa ra để giải thích cho hiện tượng tăng điểm cuối tuần qua và đầu tuần này là kịch bản đẩy giá cổ phiếu lên để “thoát hàng”. Theo đó, dựa vào yếu tố các chỉ số thị trường chạm ngưỡng tâm lý, không ít “cá mập” bị mắc cạn đã tìm cách tạo hiệu ứng để thoát hàng. Phụ trách môi giới một phòng VIP tại Hà Nội cho biết, rất nhiều tài khoản của khách VIP hiện đã ở vùng “đèn đỏ”, nhưng do thanh khoản thị trường thấp nên chưa bị thu hồi vốn. Áp lực bán cổ phiếu để chạy lãi suất, chạy hạn mức vay… khiến thị trường luôn trong tình trạng bị rình rập bán.
Thêm vào đó, một yếu tố nữa khiến thị trường gặp khó khăn là áp lực tăng cung trên sàn niêm yết để bù tiền cho các khoản repo (mua bán kỳ hạn) cổ phiếu chuẩn bị niêm yết đã được thực hiện từ trước. Nhiều CTCK cho biết, trước đây, do diễn biến giá cả thuận lợi của những cổ phiếu mới chào sàn nên các công ty này đã dành phần lớn nguồn lực để cho NĐT repo cổ phiếu. Nhưng nay, khi diễn biến thị trường ngược lại (mà ví dụ điển hình là trường hợp cổ phiếu NTB, SCR…), hầu hết cổ phiếu chuẩn bị chào sàn đều giảm giá mạnh, nên nhiều NĐT đang bị sức ép nộp thêm tiền. Do đó, áp lực bán những mã chứng khoán có thanh khoản trên sàn để “cứu” cổ phiếu chưa niêm yết đã repo cũng là một “sao quả tạ” cho thị trường.
Với những yếu tố không thuận lợi nêu trên, trong bối cảnh NĐT chưa tìm được lý do hợp lý để bật mạnh, thì có thể nói, TTCK đang bị bao phủ bởi “đám mây u ám”. Tâm lý nhiều NĐT vẫn đang bi quan, cho nên, dù chứng khoán đã giảm về mức rẻ, thậm chí dưới giá trị sổ sách, nhưng vẫn rất khó để có thể trả lời, khi nào “ánh bình minh” xuất hiện...
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|