TTCK: Bao giờ tan băng?
Tính từ thời điểm VN-Index đạt đỉnh 549,12 điểm (4.5), thị trường chứng khoán đã có gần 7 tháng giảm điểm hoặc đi ngang. VN-Index đã giảm 16,6% so với đầu năm. Riêng HNX-Index đã giảm tới 49,4%. Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư hết hy vọng vào triển vọng của thị trường.
Cùng với đà giảm điểm của các chỉ số, giá của hầu hết cổ phiếu đã không còn giữ được phong độ. Trong tổng số 628 mã chứng khoán niêm yết, đã có khoảng 105 mã có thị giá dưới mệnh giá.
Chẳng hạn, trên sàn TP.HCM, giá của PRUBF1 (Quỹ Đầu tư Cân bằng Prudential) chỉ còn 5.200 đồng/chứng chỉ quỹ (18.11), TRI (Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn) là 4.900 đồng/cổ phiếu (18.11). Trên sàn Hà Nội, SHC (Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn), SVS (Công ty Cổ phần Chứng khoán Sao Việt), VTA (Công ty Cổ phần Vitaly) cũng đang được giao dịch ở mức giá rất thấp. Có lẽ đó là lý do hầu hết các chuyên gia đều nhận định giá cổ phiếu sẽ còn rẻ hơn nữa.
Nếu so với giá trị sổ sách, theo tính toán sơ bộ, có đến 46,4% cổ phiếu được giao dịch với giá thấp hơn hoặc bằng giá trị sổ sách. Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Đại Dương, P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) và P/B (giá/giá trị ghi sổ) của 4 quý gần nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở ngưỡng rất thấp. Cụ thể, P/E của 50% mã chứng khoán đang dưới 8, thấp hơn nhiều so với các thị trường khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan.
Thị trường bị ghẻ lạnh
Về mặt phân tích các chỉ số tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự hấp dẫn. Nhưng trên thực tế, dường như những yếu tố đó không mấy có ý nghĩa. Từ chỗ giao dịch trên cả 2 sàn ở mức 3.000-4.000 tỉ đồng/phiên (tháng 3 - 4.2010), hiện con số này chỉ còn dưới 1.000 tỉ đồng/phiên.
Trước diễn biến trên, ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Đa số nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường”.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước thờ ơ mà nhà đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra ngập ngừng. Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nếu như 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch trung bình của khối ngoại đạt mức 41.660 tỉ đồng/tháng thì ở những tháng về sau, con số trên chỉ đạt phân nửa. Thậm chí, trong tháng 10, hoạt động mua bán của khối này chỉ còn 16.587 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Minh Giang, chuyên gia kinh tế vĩ mô thuộc Công ty Chứng khoán Liên Việt, điều đó có nghĩa là thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn được khối ngoại ưu ái. Trong khi các quỹ đầu tư rót tới 75,4 tỉ USD vào các thị trường chứng khoán đang phát triển (theo nghiên cứu của EPFR Global, một tổ chức của Mỹ chuyên theo dõi các quỹ) thì tại Việt Nam, khối này không có động thái gì nổi bật.
Sự ghẻ lạnh càng gia tăng khi dòng tiền trên thị trường chứng khoán thiếu sự hỗ trợ. Dòng vốn từ hoạt động đòn bẩy tài chính, công cụ ưa thích của nhiều nhà đầu tư, nay đã bị thu hẹp, đặc biệt sau Thông tư 13/2010/TT-NHNN. Tiền trong dân lại dịch chuyển nhiều sang gửi tiết kiệm ngân hàng, vàng và bất động sản. Vì thế, lực cầu trên thị trường chứng khoán đã yếu lại càng yếu thêm.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán dù hấp dẫn vẫn chưa tạo được sự chú ý là nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về những bất ổn kinh tế vĩ mô. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp và thị trường cũng kịp thời điều chỉnh để tỉ giá và lãi suất không còn ở trạng thái căng thẳng, nhưng biến động tỉ giá và lãi suất sẽ vẫn là mối lo thường trực của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 và 10 tăng cao, càng làm tăng thêm mối lo lạm phát.
Sẽ phục hồi vào tháng 1.2011?
Diễn biến của thị trường chứng khoán đã khiến không ít nhà đầu tư liên hệ tình hình hiện nay với thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán hiện nay đã khác trước rất nhiều. Xét về tính chu kỳ, Công ty Chứng khoán Liên Việt nhận thấy, khoảng thời gian sụt giảm trung bình của một thị trường là 15 tháng, trong khi hiện tại, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh giảm trong 13 tháng. Dựa trên cơ sở này, ông Giang, Công ty Liên Việt, cho rằng, thời điểm phục hồi của thị trường có thể sẽ vào tháng 1.2011.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ bật dậy trong năm 2011. Theo báo cáo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2011, đạt mức 7,6%. Ngoài ra, năm 2011 sẽ là năm của những cải cách có lợi cho thị trường. Chẳng hạn, Chính phủ đang xem xét điều chỉnh một số quy định trên thị trường chứng khoán như rút ngắn thời gian hoàn tất giao dịch T+2 thay cho T+3, nâng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, có thể lên 69% (đối với các lĩnh vực không thuộc diện chiến lược).
Đặc biệt, yếu tố chính trị ổn định và thị trường chứng khoán khó giảm sâu so với hiện tại cũng là những cơ sở để HSBC khuyến nghị nhà đầu tư mua vào cổ phiếu, đón đầu cơ hội sau tháng 1.2011. Tuy nhiên, HSBC cũng lưu ý, các vấn đề như thâm hụt thương mại kéo dài, tiền đồng mất giá, rủi ro lạm phát đang và sẽ tiếp tục tác động đến thị trường chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc trong các quyết định đầu tư.
Ngọc Thủy
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|