Thứ Năm, 25/11/2010 10:25

Chốn bình yên sau “cơn say” chứng khoán

"Là một nhà đầu tư thực sự sẽ không đi tìm may rủi trong tình hình thị trường như hiện nay và những NĐT có bản lĩnh cũng không vội hành động mà nên bình tĩnh suy nghĩ về các quyết định của mình", nhà đầu tư tên Long phân trần.

Tìm "chốn" bình yên

Là một nhà đầu tư có máu mặt trên thị trường, nhưng đã 3 tháng nay, với người đàn ông này đã không còn cảnh sáng sớm bám sàn, nếu không la cà trên sàn thì cũng dán mắt vào bảng điện tử, chiều lại tụ họp bạn bè bàn kế sách "đánh hàng", tìm chiến lược đầu tư, tối về thì không rời chiếc điện thoại. Hỏi ra mới biết, Long lui về làm một công việc không liên quan gì đến chứng khoán, đó là cùng mấy người bạn đầu tư trồng rừng ở Nghệ An.

"Trong thời gian này, tốt nhất là nên nghĩ ra hướng đầu tư mới. Dĩ nhiên là kinh doanh thì lĩnh vực nào cũng có những áp lực và khó khăn riêng, nhưng nếu không bứt ra khỏi chứng khoán mà say sưa quá thì nhiều lúc 'stress' lắm. Chỉ là tạm xa chứ không phải là quên chứng khoán", Long nói và tin rằng, đầu tư chứng khoán có chu kỳ, qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai.

Hùn vốn cùng vài ba người bạn mở DN kinh doanh sắt thép, đầu tư vào công ty sản xuất rượu hưởng phần trăm, mở nhà hàng, đầu tư xây dựng bãi đỗ xe…, toàn những "nghề lạ", nhưng đó lại là vài trong rất nhiều cách để các nhà đầu tư chứng khoán tìm cho mình chốn trú ngụ "bình yên" sau nhiều ngày "lao tâm khổ tứ" với thị trường.

Với quyết định đầu tư vào DN sản xuất rượu, một nhà đầu tư tên Phương cho biết, đây là công ty của người bạn thân nên chị chỉ việc góp tiền và đến cuối năm sẽ được hưởng 30% trên khoản vốn đầu tư của mình, như vậy trong vòng 5 tháng, với khoản tiền bỏ ra hơn 2 tỷ đồng thì cuối năm nhà đầu tư này thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Nếu so với thời kỳ "hoàng kim" của TTCK thì đây chỉ là một khoản tiền "muỗi", nhưng trong điều kiện thị trường hiện nay thì 30% là một khoản lãi đáng mơ ước. Hơn nữa, theo Phương, đầu tư thế này vừa hiệu quả, lại không phải suy nghĩ nhiều như đầu tư "cổ cánh". Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tốt như vậy trong hoàn cảnh hiện nay.

Những "cơn say" chứng khoán

Còn nhớ thời điểm nửa đầu năm 2009, cùng với sự phục hồi của TTCK tập trung, thị trường OTC cũng trở nên sôi động không kém. Trong đó, nổi lên hoạt động "lướt sóng" cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB). Số 30, phố Liễu Giai từng là nơi điểm mặt đủ loại "xế hộp" sang trọng như Audi, BMW, Mercedes, Lexus… Tại đây, người ta có thể gặp từ đại gia, công chức…, đến các nhóm buôn "thứ thiệt" say sưa, miệt mài giao dịch từ sáng đến đêm. MB thời gian này được mệnh danh là cổ phiếu "dẫn dắt" thị trường OTC, khi sự lên xuống giá của nó tác động ngay đến các nhóm cổ phiếu OTC khác.

Anh Hưng nhớ như in cái cảm giác "phiêu" cùng cổ phiếu MB bởi sự biến động tính theo phút của cổ phiếu này. Ngày đó, Hưng có thể kiếm được từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi tháng khi chỉ "lướt" với MB, say sưa đến mức bỏ cả công việc ở một ngân hàng để "tập trung vào chuyên môn". Giờ thị trường OTC im lìm như hố băng, sàn MB đã đóng cửa, cổ phiếu MB cũng sắp niêm yết, nhiều nhà đầu tư OTC "ngậm ngùi" nhớ tiếc thời oanh liệt...

Trên sàn niêm yết, làn sóng đầu tư theo các cổ phiếu được làm giá cũng trở thành một trào lưu. Đến nỗi, chỉ nghe là có đội đang lái mã X, Y là nhà đầu tư "nháo nhào" đầu tư theo mà có khi còn không để ý mã đó là của DN nào, ngành nghề gì, kết quả kinh doanh ra sao… Từng say sưa với cổ phiếu được làm giá, anh Thành đã sử dụng tối đa "đòn bẩy" với mong ước nhân số tài khoản của mình lên dăm ba lần. Thế nhưng, thị trường không chiều lòng người, quyết tâm đánh "tổng lực" chỉ mang lại cho nhà đầu tư này khoản nợ nần chồng chất, chiếc xe BMW vốn là niềm kiêu hãnh cũng phải đem gán nợ.

Khi thị trường thăng hoa, đa số nhà đầu tư "hoa mắt chóng mặt" với những khoản lợi nhuận từ trên trời rơi xuống, ai cũng thấy mình thừa kinh nghiệm để "chắc thắng". Chỉ khi thị trường không chiều lòng người, những non yếu về kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm đầu tư mới bắt đầu lộ ra và không ít người cảm thấy chứng trường bây giờ đầy rẫy cạm bẫy. Tuy nhiên, có lẽ những lúc ấy là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nhìn nhận lại các quyết định của mình. Thị trường đang gánh "hậu quả" từ việc sử dụng đòn bẩy một cách vô tội vạ, từ việc các "đội lái" đẩy giá cổ phiếu lên trời rồi rơi tự do không lực đỡ… Nhưng với các nhà đầu tư nhắm mắt chạy theo đội lái, chạy theo cổ phiếu nóng để rồi thua lỗ, thì cũng không  thể chỉ trách người.

"Sau mỗi phi vụ đầu tư thua lỗ, tôi lại đứng ngoài thị trường một thời gian. Tìm cho mình một khoảng lặng về tâm lý và nghiền ngẫm về những nguyên nhân chủ quan và khách quan làm nên khoản lỗ ấy. Nếu không có khoảng lặng này, mình rất dễ bước vào vết xe đổ của những lỗi lầm từng gặp", một nhà đầu tư chia sẻ.           

Hoàng Anh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK: Bao giờ tan băng? (25/11/2010)

>   Thị trường ngày 25/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (24/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ còn 40,35 điểm (24/11/2010)

>   LTC giảm sàn là ngoài tầm kiểm soát của công ty (24/11/2010)

>   Vì sao cổ phiếu DVD lao dốc? (24/11/2010)

>   Chợ OTC không xao động (24/11/2010)

>   Kỳ vọng “chiếc phao” cổ tức (24/11/2010)

>   Khổ vì... chính sách (24/11/2010)

>   Huy động vốn qua TTCK đạt hơn 45.500 tỷ đồng (24/11/2010)

>   Ngồi trên đống vàng… than khóc! (24/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật