Thứ Năm, 04/11/2010 23:32

TTCK chưa hấp dẫn: Vì đâu?

(Vietstock) - Giải bài toán tỷ giá, tăng tính minh bạch cho thị trường là một trong các giải pháp được đưa ra nhằm giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc trở lại và thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn ngoại.

Tác động của các Thông tư đến TTCK

Tại hội thảo "Cơ hội đầu tư ngắn và dài hạn cuối năm 2010 và trong năm 2011" diễn ra chiều ngày 04/11, Tiến sĩ Alan Phạm, chuyên gia kinh tế của VinaSecurities đã điểm qua hàng loạt các thông tư do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành gần đây đã tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán.

Vào tháng 5/2010, Thông tư 13 ra đời với những quy định mang ý nghĩa tốt nhưng thời điểm ban hành hơi bất lợi trong bối cảnh đường cong lãi suất trái phiếu Chính phủ đang giảm xuống. Thời gian này, khi tác động của Thông tư 13 chưa được thể hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngang từ tháng 4-7.

Thông tin vĩ mô không thuận lợi, CPI đầu tháng 8 tăng mạnh đã khiến VnIndex lao dốc. Trong nửa đầu tháng 8, chỉ số mất đến 8.4%.

Ngay sau đó, Thông tư 19 ra đời vào tháng 9/2010 đã giúp thị trường phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, thời điểm này tỷ giá trở thành vấn đề nổi cộm. Sau lần điều chỉnh tỷ giá ngày 17/8, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, tỷ giá thị trường tự do lệch tới 6.9% so với tỷ giá niêm yết.

Giai đoạn cuối năm, giá vàng trong và ngoài nước tăng mạnh. Tiền đồng đứng trước 3 áp lực: nhu cầu USD mang tính chu kỳ vào cuối năm nay, giới đầu cơ thu gom USD để nhập khẩu vàng trái phép và các khoản vay USD của doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn.

Ngân hàng thế giới (WB) ước tính có khoảng 11 tỷ USD được cất giữ trong nhà. Nếu số tiền này được đưa vào lưu thông, cán cân thương mại sẽ giảm được áp lực nhiều.

Với Thông tư 22, mục đích chủ yếu là nhằm làm giảm nhu cầu về vàng. Tuy nhiên, hiện nước ta đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng là tình trạng đô la hóa. Muốn giải quyết vấn đề chuyên sâu thì cần thiết phải quy về quản lý một loại tiền duy nhất là tiền đồng. Mặc dù NHNN đã có các biện pháp tích cực như đóng cửa các sàn vàng, siết chặt huy động, cho vay vàng nhưng các biện pháp vẫn chưa triệt để.

Trong bối cảnh Vn-Index lình xình, khối ngoại trở thành lực đỡ của thị trường với chuỗi mua ròng từ đầu năm đến nay (khoảng 11,300 tỷ đồng, tương đương 580 triệu USD).

Nhận định về diễn biến của tiền đồng thời gian tới, ông Andy Ho – Giám đốc điều hành của tập đoàn VinaCapital cho biết, mặc dù tiền đồng đang hoảng loạn nhưng dự báo 1-2 tháng nữa sẽ ổn định trở lại. Tỷ giá sẽ ở vào khoảng 20,000 VND/USD cuối năm nay và tăng lên 21,000 VND/USD cuối năm tới.

Do vàng và USD có quan hệ mật thiết với nhau nên vấn đề cấp bách hiện nay là làm sao để thị trường vàng ổn định. Thông tư 22 đang làm việc này. Vấn đề còn lại là tạo niềm tin cho người dân vào sự ổn định của tiền đồng. Đây là một thách thức không nhỏ khi tình trạng đôla hóa nền kinh tế đang phổ biến.

Cổ phiếu rẻ, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thờ ơ

Để minh họa cho giá cổ phiếu tại Việt Nam là rẻ, ông Andy Ho cho biết, hiện P/E tại nước ta khoảng 8-9 lần, thấp hơn nhiều so với mức 14-20 lần ở các nước Đông Nam Á.

So sánh P/B và PE của Việt Nam và các nước trong khu vực:

 

P/B

PE PY10E

PEPY11E

Trung Quốc

2.5

14.6

12.6

Indonesia

4.8

17.3

14.4

Malaysia

2.4

16.2

14.4

Philippines

3.2

18.5

16.3

Thái Lan

2.3

14.1

12.1

Việt Nam

1.9

9.7

9.7

Nguồn: Bloomberg

Vậy tại sao dòng tiền vẫn chưa chảy mạnh vào Việt Nam? Theo ông Andy Ho, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài hiện tại là việc lo ngại tiền đồng mất giá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Họ băn khoăn muốn biết Chính phủ có biện pháp gì để giảm đà mất giá của tiền đồng. Theo ông, nếu giải được bài toán này, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ khả quan hơn.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không kém đối với Nhà đầu tư nước ngoài là sự minh bạch của thị trường. Hiện tại, công tác quảng bá và giới thiệu về thị trường chứng khoán Việt Nam của Chính phủ chưa mạnh, tính minh bạch chưa cao khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa biết nhiều về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam: Tiềm năng ở đâu, phát triển như thế nào, khó khăn nội tại ra sao…và Việt Nam sẽ làm gì để khắc phục những khó khăn đó. Một khi công tác này được thực hiện nghiêm túc, thị trường Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn

Với P/E và P/B như hiện tại, ông Andy Ho khuyến nghị mua vào các chứng khoán có giá trị để đầu tư trung và dài hạn. Nên lựa chọn các công ty lớn, thương hiệu tốt, ban điều hành có uy tín và cổ phiếu thanh khoản cao. Các bluechips hiện nay có mức tăng lợi nhuận bình quân năm nay khoảng 15-20% so với năm ngoái. P/E xuống mức thấp thể hiện giá cổ phiếu đã trong vùng hấp dẫn.

Ông cũng cho biết thêm, nhà đầu tư có thể lựa chọn giải ngân vào 3 ngành chủ yếu là bất động sản, dược và tiêu dùng. Đây vốn dĩ được xem là những ngành phòng thủ, ít bị biến động bởi thị trường.

Trả lời một nhà đầu tư về sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh ảm đạm của thị trường, ông Andy Ho cho rằng nên lựa chọn các ngân hàng lớn như STB, VCB, EIB, ACB do có tốc độ tăng trưởng tốt.

Bội Mẫn

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 05/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/11/2010)

>   Bể kế hoạch (04/11/2010)

>   Vòng lẩn quẩn của thị trường chứng khoán (04/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (04/11/2010)

>   Triển vọng TTCK nhìn từ các chỉ tiêu kinh tế 2011 (04/11/2010)

>   TTCK: Những ngày dài trước mắt (04/11/2010)

>   Trong chán, ngoài thèm (04/11/2010)

>   Chờ “cơ hội vàng” thứ hai! (04/11/2010)

>   TTCK: Áp lực 2010 và cơ hội 2011 (04/11/2010)

>   Tỷ giá và hai “nỗi sợ” của nhà đầu tư ngoại (04/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật