Tổng cục Thống kê: CPI tháng 11 tăng 1,86%
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố trưa nay (24/11), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 đã tăng rất mạnh, ở mức 1,86% so với tháng 10, chỉ thấp hơn chút ít so với mức tăng 1,96% của tháng 2/2010, tháng có Tết Nguyên đán.
Thống kê các tháng 11 từ năm 1995 đến nay cho thấy, đây là tháng có mức tăng CPI cao nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Nhưng đáng lưu ý, “kỷ lục” kiểu này duy trì đã 3 tháng nay.
So với tháng 12/2009, CPI tháng này đã tăng 9,58%; so với cùng kỳ tăng 11,09%. CPI bình quân 11 tháng so với cùng kỳ tăng 8,96%.
Các con số này cho thấy, mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 8% đã bị bỏ lại đằng sau. Ngay cả để đạt mức lạm phát cả năm ở mức một con số dường như cũng sẽ rất khó khăn, khi chặng đường còn lại không còn nhiều.
Nhìn lại quý 2 và 3 vừa qua, dường như việc CPI kéo dài mức tăng thấp là giai đoạn “nén”, để rồi bùng phát trở lại ở tháng cuối cùng của quý 3. Sự hãm phanh bằng chính sách tiền tệ được công bố từ sau khi có con số lạm phát tháng trước, đến tháng này vẫn chưa “khớp” với mong muốn điều hành.
Một ví dụ dễ thấy, vào tháng trước, nhiều ý kiến nói đến mức CPI cao tại Hà Nội như là sự “hy sinh” vì Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng việc phấn đấu “kéo lại” đà tăng trong tháng 11 đã không như kỳ vọng, khi chỉ số giá tháng này tại Thủ đô còn cao hơn tháng trước tới hơn 0,7 điểm phần trăm.
Trở lại với con số chung cả nước, việc chỉ số giá tăng vào cuối năm là quy luật, nhưng với năm nay, bước ngoặt dường như đến sớm. Dù việc tăng học phí trên diện rộng, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hay cơn nóng sốt vừa qua của vàng, USD có phần mang tính thời điểm, nhưng ba tháng CPI tăng liên tiếp trên 1% rõ ràng là bất thường.
Tín dụng cho vay nền kinh tế tính đến hết tháng 10 tăng 22,5% so với cuối năm 2009 được cho là khá cao, có khả năng vượt chỉ tiêu cả năm 25%; tổng phương tiện thanh toán cũng đã tăng 21,29% (chỉ tiêu là 20%), có thể xem là một nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến CPI.
Không dễ xác định việc tạm ứng tại các dự án xây dựng cơ bản, được dự báo có thể được đẩy nhanh trong giai đoạn cuối năm này, làm tăng lượng tiền trong lưu thông đến đâu, nhưng khi vàng, USD tăng giá vừa qua, một bộ phần không nhỏ người dân đã chuyển mạnh tiền vào các kênh đầu cơ này, làm cho lượng tiền đồng tăng thêm trên thị trường hàng hóa tiêu dùng.
Nhiều người có thể không đủ tiền mua vàng hay USD để tích trữ, một số có thể tiết giảm các khoản chi tiêu cho hàng lâu bền trước lo ngại lạm phát, nhưng ăn uống là chuyện không thể thiếu. Ba tháng nay, gạo, thịt, rau đã âm thầm tăng giá, do phía cầu sẵn sàng trả giá cao hơn.
Đỉnh điểm là vào tháng này, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 3,45% so với tháng trước, là nhân tố chính đẩy chỉ số giá tháng 11 tăng như con số kể trên. Với các mặt hàng cụ thể, chỉ số giá lương thực đã tăng rất mạnh, tới 6,02%; thực phẩm tăng 3,27%; và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,19%.
|
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2009 và 11 tháng của năm 2010 (đơn vị: %). |
So với cùng kỳ năm 2009, chỉ số giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình đều đã tăng vượt 10%, một mức đáng lo ngại đối với khu vực dân số thu nhập thấp và nghèo.
Trong một diễn biến khác, dưới tác động của giá thế giới tăng và tỷ giá VND/USD thay đổi, một số mặt hàng như thép, xi măng, gas dù khó tiêu thụ và tồn kho lớn vẫn phải tăng giá bán trong tháng này. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, vì lý do đó, đã tăng 1,74%.
CPI nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,9% do tháng này vẫn nằm trong giai đoạn chuyển mùa, nhu cầu các sản phẩm thời trang tăng hơn; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,94% một phần do chính sách kiểm soát nhập khẩu; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,99% có nguyên nhân tăng giá vàng ảnh hưởng đến giá mặt hàng trang sức…
Chỉ số giá vàng tháng 11 tăng 8,67% so với tháng trước; USD tăng 3% trong cùng so sánh.
Anh Quân
TBKTVN
|