Thủ tướng nhận trách nhiệm cá nhân về Vinashin
Trả lời chất vấn trực tiếp của ĐB sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhận trách nhiệm cá nhân với sự đổ vỡ của Vinashin và hứa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân các thành viên CP, không làm xuê xoa.
Sau một tiếng báo cáo giải trình, từ 9h sáng, Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội.
|
Thủ tướng báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Vinashin tự vay tự trả thế nào?
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội): Những ngày gần đây nhân dân chăm chú theo dõi nỗ lực Chính phủ đang tái cơ cấu Vinashin, Tập đoàn cũng tuyên bố nỗ lực làm ăn tự vay, tự trả, tái cơ cấu. Làm được như vậy dân mừng.
Nhưng với số nợ trên 86 ngàn tỷ đồng, thì Tập đoàn sẽ tự vay tự trả lãi thế nào? Vì mỗi năm sẽ phải trả tiền nợ lãi cho ngân hàng 15 ngàn tỷ Và chỉ sau 5 năm, số tiền nợ 86 ngàn tỷ đồng sẽ tăng gấp đôi 160 ngàn - 170 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, kinh doanh với doanh thu năm 2010 chỉ là 13, 5ngàn tỷ đồng. Và số lỗ hoạt động kinh doanh là 1.100 tỷ đồng.
Theo tính toán của chúng tôi, kể cả sau tái cơ cấu, Vinashin không thể tự trả được nợ nếu không được bơm vốn từ bên ngoài và bán bất động sản. Xin hỏi Thủ tướng có cách nào để tự vay tự trả món nợ này? Nếu không trả được món nợ trên thì Thủ tướng sẽ làm thế nào?
Nếu Chính phủ khoanh nợ mà không tính lãi thì ai chịu trách nhiệm về việc ngân hàng thua thiệt số tiền 15 ngàn tỷ đồng, số tiền đóng băng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính cả nước?
|
ĐB Phạm Thi Loan mở đầu phiên chất vấn trực tiếp Thủ tướng. |
Thứ hai, với cương vị đại diện chủ sở hữu quản lý tập đoàn, Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước tình hình Vinashin?
Thứ ba, sau Vinashin có chủ trương tái cơ cấu các tập đoàn khác không, đặc biệt Tập đoàn Dầu khí. Vì hiện nay Tập đoàn dầu khí đang đầu tư dàn trải ngoài ngành cốt lõi như bảo hiểm, bất động sản, tài chính, gas và cả taxi. Bây giờ còn được giao thêm đóng tàu.
Chỉ khác là Vinashin phải đi vay tiền để đầu tư còn dầu khí thì được nhà nước cấp tiền để làm và đang rộng tay sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Tôi xin hỏi Thủ tướng vì lý do gì mà 50% đại biểu QH không muốn để lại 3.500 tỷ đồng cho tập đoàn dầu khí nhưng Chính phủ vẫn quyết định cấp số tiền đó cho họ. Thủ tướng kiểm soát việc sử dụng vốn của tập đoàn này thế nào?
Việc dầu khí đầu tư 3,2 tỷ USD sang Venezuela thời điểm đất nước đang thiếu ngoại tệ là như thế nào?
Thủ tướng nghĩ gì về việc thành lập các tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đầu tư dàn trải để rồi vỡ nợ là lại tái cơ cấu như Vinashin.
Tôi cũng đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết về sử dụng vốn ở Tập đoàn Dầu khí?
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Tôi xin gửi tới 2 câu hỏi xung quanh chủ đề: tầm nhìn và chất lượng quy hoạch.
Giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội và 2 ngày chất vấn vừa qua, nhiều Bộ trưởng thừa nhận những bất cập trong quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, khu công nghiệp, khu dân cư, quy hoạch đô thị...
Với cương vị người đừng đầu Chính phủ, người được pháp luật giao thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, xin Thủ tướng cho biết vai trò trách nhiệm của Thủ tướng và thường trực Chính phủ nói chung trong việc phê chuẩn các quy hoạch, chỉ đạo liên ngành triển khai các quy hoạch, và trong việc rà soát điều chỉnh các quy hoạch thiếu tính dự báo, kém hiệu quả, chậm tiến độ hiện nay?
Cho đến thời điểm này, rất tiếc là đất nước ta chưa có một quy hoạch đặc biệt quan trọng, là quy hoạch cái, quy hoạch rường cột, quyết định chất lượng các quy hoạch khác. Đó là quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia, vì con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Xin thủ tướng cho biết bao giờ có quy hoạch nguôn nhân lực quốc gia 2011 - 2020, và tầm nhìn xa hơn. Thủ tướng chỉ đạo xây dựng quy hoạch này thế nào?
Đã kiểm điểm nghiêm túc chưa?
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Về trách nhiệm trong vụ việc Vinashin, trong báo cáo đọc trước Quốc hội sáng 19/10 vừa qua, Thủ tướng có xác định thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan và Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm. Tiếp sau, Chính phủ đã gửi hai báo cáo liên tiếp cho Quốc hội.
Các thành viên Chính phủ đã lần lượt giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng chúng tôi thấy, thứ nhất là cả hai báo cáo đều không chỉ rõ ngoài lãnh đạo Vinashin, những ai chịu trách nhiệm cụ thể về việc đổ vỡ của Vinashin.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân Thủ tướng với Vinashin, không chỉ với tư cách người đứng đầu Chính phủ.
Thứ hai, tất cả các thành viên Chính phủ trong giải trình và trả lời chất vấn đều không thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc này.
Hôm nay, Thủ tướng nói "Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém nêu trên của Chính phủ". Tôi thấy, tôi không hiểu là Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm như thế nào vì cả những dẫn chứng mà chúng tôi đã nêu ra?
Riêng hôm nay tôi không nói về trách nhiệm của các Bộ nữa, tôi chỉ nói trách nhiệm của Thủ tướng. Thủ tướng có nhận trách nhiệm cá nhân nhưng với tư cách người đứng đầu Chính phủ. Nhưng theo tôi hiểu ở đây chủ yếu là trách nhiệm của người được pháp luật giao thực hiện quyền chủ sở hữu ở các Tập đoàn và Tổng công ty 91 của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện quyền hành có rất nhiều sai phạm xảy ra.
Những vấn đề về cấp vốn .v.v tôi không bàn nữa. Tôi chỉ nói một sai phạm, vi phạm luật đó là điều 33 Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định: "Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty". Nhưng Thủ tướng là người ký quyết định để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng giám đốc công ty thì giải thích chuyện này như thế nào?
Nghị định 132 năm 2005 quy định cho người đại diện chủ sở hữu thực hiện tới 10 quyền tại các Tập đoàn, Tổng công ty. Nhưng khoản 4, điều 4 Nghị định trên cũng quy định chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quyết định dự án đầu tư phê duyệt chủ trương mua bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê theo thẩm quyền. Tôi nghĩ Thủ tướng nên dựa vào các quyết định của pháp luật để xác định trách nhiệm cụ thể của mình.
Tôi được biết hiện nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ đang kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương như Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nói hôm qua. Nhưng đây là Quốc, hội trả lời trực tiếp trước dân, chúng tôi mong đợi sự tự phê bình mạnh mẽ hơn của Chính phủ.
Chúng ta đang học Bác Hồ, tôi xin phép dẫn một câu của Bác Hồ: "Một Đảng mà dấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng, một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Tôi chỉ mong các đồng chí trong Chính phủ kiểm điểm nghiêm túc theo đúng tinh thần của Bác Hồ, theo đúng pháp luật của Nhà nước.
Ai chỉ đạo đăng bài công kích đại biểu?
Câu hỏi 2: Xin Thủ tướng cho biết ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích, chụp mũ đại biểu Quốc hội ở trên website Chính phủ? Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, việc Chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy ở trên website của mình có phải là hành động khôn ngoan không, có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình của Chính phủ? Có để người ngoài lợi dụng không?
Để khỏi hiểu lầm, tôi xin khẳng định như thế này: Tôi cũng như các đại biểu QH khác rất hoan nghênh ý kiến phê bình của cử tri đối với chúng tôi, sự giám sát của cử tri đối với chúng tôi. Nhưng mà những sự phê bình đó phải dựa trên sự hiểu biết pháp luật, hiểu biết chức năng của Quốc hội, chức năng của đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và nó phải tranh luận cụ thể vào các vấn đề, chứ không thể phát biểu theo kiểu chụp mũ và tôi cho rằng, việc đăng những bài như thế trên website Chính phủ là không đúng chỗ. Xin cảm ơn Thủ tướng.
Đã trình bày nghiêm túc về trách nhiệm với Vinashin
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về đề án tái cơ cấu Vinashin, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành, cơ quan cùng với tập thể, hội đồng quản trị xây dựng đề án tái cơ cấu.
Qua nhiều lần chỉ đạo, Thủ tướng đã phê duyệt đề án đó, chúng tôi thấy đề án khả thi. Nhưng từ đề án đến khi thành hiện thực là 1 quá trình đòi hỏi tập trung giải quyết quyết liệt.
Nguyên tắc đặt ra là thực hiện đúng quy định pháp luật.
Chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện theo tinh thần đó. Chúng tôi cũng đã nói rõ, việc thực hiện đề án rất khó khăn. Chúng tôi thấy rất khả thi.
Nhưng nội dung trả nợ cụ thể thế nào, hội đồng quản trị sẽ trình bày rõ ràng để ĐB Loan hiểu. Còn ở đây, để trình bày thế nào, chúng tôi không thể nói rõ mua bao nhiêu con tàu.
Còn như chúng tôi đã nói, đề án này, chúng tôi thấy rất khả thi. Chúng tôi sẽ nỗ lực để làm hết sức mình.
Về chuyện trách nhiệm như thế nào, theo tôi, tôi đã trình bày nghiêm túc trước Quốc hội. Tôi xin được nói lại: Việc cố ý làm trái của những lãnh đạo tập đoàn, các cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật. Còn Thủ tướng, Phó Thủ tướng có trách nhiệm trong quản lý của đại diện chủ sở hữu. Trách nhiệm đó là gì, chúng tôi cũng đã nói trong báo cáo. Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó.
Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan quản lý nhà nước, quản đại diện chủ sở hữu thì vẫn đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận trách nhiệm cụ thể thế nào chúng tôi sẽ công khai.
Chúng tôi trình bày như vậy là công khai.
Không có bộ chủ quản
ĐB Thuyết nói, quy định trực tiếp quyền đại diện chủ sở hữu thì Chính phủ đã ban hành 1 số nghị định thực hiện quyền với các tổng công ty, tập đoàn.
Điểm mới là tổ chức thực hiện không có bộ chủ quản như trước. Đã phân công, làm rõ là hội đồng quản trị là cơ quan, là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN.
Các bộ, bộ quản lý ngành và bộ quản lý tổng hợp đựơc giao một số nhiệm vụ để thực hiện quyền chủ sở hữu.
Thủ tướng có trách nhiệm với mấy việc, như ra quyết định thành lập tập đoàn. Thứ hai, phê duyệt chiến lược phát triển, thứ ba, quyết định thành viên Chủ tịch hội đồng quản trị. Với việc như vậy là cử cán bộ thực hiện quyền đại diện.
Nhiều năm qua chúng tôi đã thực hiện việc này.
Tuy có nhiều cố gắng để hoàn thiện thể chế. Từ 2006 đã ban hành 7 nghị quyết, nhiều chỉ thị. Cũng có nhiều bước tiến. Nhưng thể chế quản lý nhà nước với đầu tư, sử dụng vốn, với giám sát, thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập, lúng túng, còn nhiều kẽ hở.
Chúng tôi đã thấy và đang tiếp tục hoàn thiện.
Nhưng hoàn thiện thể chế, mô hình Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước là quá trình hoàn thiện dần, là mô hình chưa có.
Còn về mô hình bộ quản lý. Hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu.
Thứ hai, việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Với chức năng của mình, tôi có quyết định về Hội đồng quản trị.
Từ năm 1996, khi lập Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ VN. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định chọn Phạm Thanh Bình.
Đến năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó quyết định cho ông Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.
Đến khi lập tập đoàn, thì tôi là Phó Thủ tướng lúc đó có nhiều công văn yêu cầu tìm Tổng Giám đốc.
Khi lập tập đoàn thì cả tập đoàn và các bộ đều nói chưa tìm được ai. Dự kiến sẽ thuê Tổng giám đốc. Nên mới cho tiếp tục bổ nhiệm ông cũ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc cho đến khi tìm được người mới.
Tôi khi đó là Phó Thủ tướng, đồng ý.
Đây là thí điểm kéo dài từ năm 1999. Tôi xin nói rõ như vậy.
Mô hình kinh doanh đa ngành là đúng
Còn về việc có tái cơ cấu các tập đoàn khác hay không. Tôi không nói tái cơ cấu tất cả mà chỉ nói thực hiện thành công tái cơ cấu Vinashin và quyết tâm không để xảy ra sai phạm như Vinashin.
Về tập đoàn Dầu khí, hiện nay vẫn đang làm ăn tốt. Nhưng hiện nay tôi đang yêu cầu các Tập đoàn phải rà soát, trong đó Dầu khí cũng đang thực hiện rà soát.
Về việc để lại tiền ngân sách 50% cho dầu khí. Chính phủ đã làm đúng theo chủ trương và pháp luật của nhà nước.
Dầu khí đang có liên doanh với Venezuela, có chủ trương của Chính phủ. Chúng ta thiếu năng lượng nên phải tìm kiếm năng lượng, để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Việc đi ra ngoài tìm kiếm là chủ trương đúng.
Giếng dầu đầu tiên mà ta liên doanh và đã có dầu là ở Nga. Tổng thống Nga khi sang thăm, gặp tôi, cũng đánh giá cao. Đây là chủ trương cần thiết, nhất quán.
Việc thực hiện có hiệu quả hay không, chúng tôi sẽ cố gắng. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Còn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, Thực hiện Nghị quyết TƯ 3 và ĐH X nói về thực hiện thí điểm tập đoàn kinh tế, có kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Thí điểm có thể thành công hoặc không thành công.
Như vậy, 8 tập đoàn kinh tế và nhiều Tổng công ty thực hiện theo mô hình này, hầu hết đều thành công.
Tất nhiên chúng tôi cũng đang phát huy điểm tốt, và hạn chế điểm yếu. Chúng tôi có sơ kết và đang bước đầu hoàn thiện. Về đa ngành đa lĩnh vực, cũng là những ngành gắn kết với ngành chính.
"Không chỉ đạo, quản lý trực tiếp tờ báo nào"
Về câu hỏi của ĐB Thuyết liên quan đến bài viết trên website Chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ, tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo báo chí, chỉ đạo qua các cơ quan chủ quản, qua các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về báo chí với tinh thần báo chí VN thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm tốt vai trò của báo chí cách mạng. Mỗi tờ báo phải là một ngọn cờ chiến đấu để xây dựng đất nước VN XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình. Phải làm đúng tôn chỉ mục đích, làm đúng pháp luật. Tôi thường xuyên chỉ đạo tinh thần đó.
Tôi không có chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào.
Website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử, thuộc văn phòng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo. Website là tờ báo điện tử Chính phủ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật Nhà nước, đúng chủ trương của Đảng. Cũng như mọi tờ báo khác, nếu đăng tải sai pháp pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình.
Việc nói khôn ngoan hay không khôn ngoan tôi không biết nên nói thế nào. Từ tiêu chí yêu cầu, làm đúng pháp luật, tôi cũng đề nghị ĐB Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không, đúng chủ trương của Đảng hay không.
Quy hoạch yếu kém có trách nhiệm của Thủ tướng
Về câu hỏi của ĐB Tiến, công tác quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch chuyên ngành của ta đều đã có bước tiến dài, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đúng là chất lượng, hiệu quả, tính pháp lý của quy hoạch còn nhiều điểm phải nâng lên. Chính phủ hết sức quan tâm và cố gắng làm tốt hơn công tác quy hoạch.
Còn về quy hoạch nguồn nhân lực, tôi có chỉ đạo việc này. Nhưng để quy hoạch nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn xây dựng nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chưa làm được.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có đề xuất với tôi là sẽ chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực rồi tổng hợp lại. Hiện cũng đang thực hiện theo hướng đó, và đã làm quy hoạch một số ngành.
ĐB Tiến có hỏi trách nhiệm quy hoạch yếu kém thuộc về ai, thì tôi xin trả lời là theo phân công chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm người đứng đầu chính phủ.
9h30 Quốc hội nghỉ giải lao. Đến 10h, Quốc hội tiếp tục làm việc.
Đầu tư cho vùng sâu: Lực bất tòng tâm
ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam): Đời sống vật chất tinh thần bà con vùng sâu vùng xa mấy năm nay nhờ Đảng, Chính phủ quan tâm nên đã được cải thiện nhưng chênh lệch giàu nghèo vẫn đang ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo đang cao.
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng trong đó có tình trạng đầu tư thiếu trọng tâm trọng điểm, việc phân bổ vốn nhỏ giọt.
Chẳng hạn, chương trình 30a xoá đói giảm nghèo. Một số chương trình khác mức đầu tư rất thấp. Một số chương trình đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn đang thấp.
Theo kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc ở một số tỉnh, mới thực hiện cấp kinh phí 8 - 10%, rất ít tỉnh được cấp trên 10%. Vốn được cấp cho từng dự án rất thấp, gây nhiều trở ngại cho quá trình triển khai thực hiện. Nếu không cải thiện thì không biết bao giờ mới thực hiện được.
Vì sao có tình trạng đầu tư nhỏ giọt như vậy? Vì sao có việc các bộ ngành phê duyệt vốn thấp như vậy? Xin hỏi thẩm quyền Thủ tướng như thế nào trong vấn đề này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc đầu tư nhỏ giọt không đạt mục tiêu dự án, như tôi đã trình bày, thì Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ trương đó đã đem lại những thành tựu đáng trân trọng. Việc đầu tư có tăng như thế để đáp ứng Nghị quyết TƯ 7, so với mong muốn và yêu cầu thì vẫn chưa đạt, vẫn còn khoảng cách.
Có dự án bố trí vốn ít. Đồng bào cũng phải chia sẻ với Chính phủ. Cái bánh có như thế, chúng tôi cũng hết sức ưu tiên, để phân bổ vùng sâu vùng xa.
Nhưng gốc vấn đề là ngân sách còn ít quá. Chúng tôi sẽ thực hiện cố gắng. Nhưng có chương trình, dự án còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Với trách nhiệm của mình, Chính phủ sẽ làm hết sức để huy động nguồn lực, thực hiện đầu tư cho phát triển, ví dụ chương trình 30a, các chương trình mục tiêu phát triển.
Có chuyện lực bất tòng tâm, mong đồng bào và nhân dân cả nước thông cảm.
Không kiểm điểm qua loa
ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định): Tôi có 2 câu hỏi:
Một là, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm diễn biến bất lợi, như Thủ tướng đã nêu, nhưng điều đáng nói là các nước xung quanh ta suy thoái còn nặng nề hơn ta nhưng họ vẫn phát triển một cách ổn định.
Như vậy, ngoài yếu tố khách quan, trong việc quản lý và điều hành vĩ mô của Chính phủ có những vấn đề gì sai sót để tình hình như vậy. Chúng ta không thể đổ khách quan, giá vàng nhảy múa trong một ngày 3, 4 lần, đô la cũng đôi ba lần nhảy múa.
Chỉ số lạm phát chắc chán không thể thực hiện đúng theo nghị quyết QH. Xin hỏi Thủ tướng có giải pháp cấp bách, cú hích nào để chỉ còn 1 tháng thực hiện thắng lợi chỉ tiêu mà QH đã nêu.
Câu thứ hai là xung quanh vấn đề Vinashin, chúng tôi mừng là CP đã phê duyệt đè án tái cấu trúc Vinashin, Thủ tướng cũng đã nói phê duyệt nhưng thực hiện khó khăn. Tôi theo dõi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hôm qua có trình bày đề án này, chúng tôi thấy đề án xây dựng một chiều, lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường bên ngoài. Nếu thị trường bên ngoài thay đổi, có khó khăn, thì liệu đề án của chúng ta có khả thi không? Trong khi chúng ta không đưa ra phương án thị trường bên ngoài xấu nhất.
Ý thứ 2, tại nghị quyết tháng 10/2010 của CP có nêu một đoạn, phải tập trung xử lý một cách nghiêm minh, minh bạch, công khai những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc sai phạm của Vinashin, công việc đó hoàn tất trước ngày HNTW lần thứ 14 khai mạc. Mà Hội nghị sắp tới khai mạc rồi, liệu Thủ tướng điều hành nghị quyết này có đảm bảo đúng theo tinh thần nghị quyết không?
Về việc này tôi xin phép nói thêm. Vì sự việc xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, nếu chúng ta làm qua loa cho có, báo cáo thì tôi e sự việc sẽ phức tạp hơn. Còn nếu làm thật nghiêm túc như Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực nói, các thành viên CP kiểm điểm, tôi e rằng việc kiểm điểm không nghiêm túc. Trong khi Thủ tướng nhận trách nhiệm về phần mình, các thành viên CP trả lời trước QH không thành viên nào nhận thiếu sót, trả lời "vô can".
Thái độ Thủ tướng với các thành viên CP thế nào, để khi chúng tôi về báo cáo với cử tri, nếu họ bảo tôi nghe thành viên CP không nhận, ít ra chúng tôi cũng phải trả lời thái độ của Thủ tướng với thành viên CP thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về kinh tế xã hội, khủng hoảng tài chính suy thoái toàn cầu vừa qua tác động nặng nề vào nền kinh tế nước ta. Những mặt được, làm tốt chúng tôi đã trình bày với đồng bào, những mặt yếu kém trong quản lý điều hành cũng đã trình bày trong báo cáo trước QH.
Những trình bày nghiêm túc, đầy đủ, có thành tựu kết quả đáng vui mừng, nhưng có mặt chưa được, chưa tốt, phải tiếp tục phát huy thành tựu, ra sức khắc phục hạn chế yếu kém, để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững, trong đó có ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Không biết lấy tài liệu nào để so với các nước thì tôi chưa biết, nhưng tôi đã được đi nhiều cuộc hội nghị khu vực và quốc tế, xin nói chân thành là bạn bè trong khu vực và quốc tế đều đánh giá cao sự phát triển kinh tế xã hội của VN trong thời gian qua
Đương nhiên, tôi không cho đó là tuyệt vời, mà luôn luôn thấy còn khiếm khuyết, hạn chế yếu kém trong đó có trách nhiệm, năng lực điều hành quản lý của chính phủ. Tôi xin không nhắc lại 6 thành tựu, 6 yếu kém, nhiệm vụ mà Chính phủ trình bày.
Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chính phủ đề ra, chỉ tiêu, giải pháp QH đề ra để thực hiện.
Về Vinashin, tôi cũng đã trình bày vừa rồi, nguyên nhân trách nhiệm của CP, hạn chế yếu kém của CP, là người đứng đầu tôi nhận trách nhiệm. Tôi đã nói rõ Thủ tướng, PTT, các bộ trưởng có liên quan về trách nhiệm trong quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu, đang tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cụ thể.
Xin báo cáo là sẽ làm không qua loa, làm nghiêm túc, theo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, tôi khẳng định điều đó.
Khi chủ trì phiên họp chíng phủ vừa rồi, thay mặt CP tôi đã kết luận điều này, rằng sẽ báo cáo trung ương trước Hội nghị trung ương 14. Tôi khẳng định việc này, ra kết quả thế nào sẽ công khai.
Đối với trách nhiệm của các bộ trưởng đã có phát biểu trước QH, chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ. Bộ trưởng nào liên quan đến đâu, trách nhiệm đến đâu có kết luận nghiêm túc, đúng với thực tế.
Không đủ điện nói gì đến tăng trưởng
ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu): Vấn đề mà nhiều cử tri, nhất là các chuyên gia kinh tế và ĐBQH đã được đặt ra trong phiên thảo luận kinh tế xã hội và qua nghe chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tôi thấy còn nhiều vấn đề lo lắng và nhiều bức xúc của cử tri, chắc sẽ còn bức xúc dài dài. Do đó, tôi xin chất vấn Thủ tướng hai câu.
Thứ nhất, về điện: Phải công nhận trong những năm qua có rất nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển nhưng so với yêu cầu còn thiếu. Điện hiện nay đang thiếu do 3 điểm nghẽn, chủ yếu là chậm tiến độ các dự án đầu tư và chưa huy động được nguồn lực trong nước cũng như nước ngoài đầu tư sản xuất điện, nhất là nhiệt điện, huy động nguồn năng lượng mới như gió, nắng khi nguồn nước cho làm thủy điện không có dồi dào và thuận lợi nữa. Đó là điểm nghẽn về vốn, cơ chế tài chính, quản lý, giải phóng mặt bằng chậm thì hiện còn gần 10 dự án chủ đầu tư không thu xếp được vốn tự có mà phải sử dụng vốn vay thương mại.
Nhưng ngân hàng từ chối cho vay hay cả các nhà máy đang xây dựng thì việc giải phóng mặt bằng cũng thực hiện đầu tư còn vướng mắc, không có đơn giản chút nào, đặc biệt giá sản xuất ra 1KW điện trung bình từ 7 đến 12 cent nhưng giá bán chỉ có 5-6 cent, không bù đắp được chi phí thì làm sao nói đến có lãi. Thử hỏi nhà đầu tư nào dám đầu tư vào sản xuất điện?. Những giải pháp Thủ tướng đưa ra tôi thấy phù hợp nhưng thực hiện trong cuộc sống không phải đơn giản.
Tôi xin hỏi Thủ tướng bao giờ Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực? Trong khi Quốc hội chưa sửa đổi Luật Điện lực thì QH cần vào cuộc để cùng giúp tháo những điểm nghẽn cho phát triển điện năng trong trước mắt là gì? Ý thứ hai: Làm thế nào đến năm 2015 đảm bảo huy động được 50 ngàn MW công suất điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà hiện nay chỉ huy động được 20.900 MW.
Câu hỏi 2: Về chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế, khi mà tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 40%, nông nghiệp chiếm 21% GDP nhưng được đánh giá là sản phẩm hàng hóa có hàm lượng chất chất xám và giá trị gia tăng thấp. Vậy thì đồng nghĩa với công nghiệp chế biến xuất khẩu, sản phẩm thô và một số mặt hàng công nghiệp tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp cao chủ yếu làm gia công là một thực tế.
Thủ tướng đã đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó đáng lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ. Vậy Thủ tướng có nghĩ đến việc đặt hàng các nhà khoa học trong nước, nước ngoài để thực hiện một số lĩnh vực cần thiết, cụ thể nào không nhằm tạo độ phát tích cực để ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế nước ta phát triển thực sự ổn định và hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2015 và những năm tiếp theo?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi xin được trình bày thế này. Về điện, khi chuẩn bị tôi cũng sợ dài và tốn thời gian của đại biểu nhưng tôi thấy đây là vấn đề rất quan trọng nên tôi cố gắng xin với đại biểu Quốc hội được trình bày tương đối có đầu có đuôi một chút: phát triển điện, rồi thiếu điện, nguyên nhân của nó và chủ trương sắp tới, trước mắt cũng như lâu dài.
Với tinh thần là Chính phủ làm hết sức bằng mọi giải pháp để đảm bảo đủ điện cho sự phát triển của đất nước. Không đủ điện thì đừng nói tăng trưởng bao nhiêu GDP, đừng nói cái gì nữa..
Chúng tôi hiểu tinh thần đó và hết sức cố gắng. Với những giải pháp mà chúng tôi trình bày hôm nay chúng tôi cho rằng những giải pháp có ý nghĩa tổng hợp, rất mong các vị ĐBQH, QH ủng hộ để chúng tôi có thể triển khai thực hiện các giải pháp mà chúng tôi vừa trình bày.
Còn làm thế nào để đạt 50 ngàn MWm, làm thế nào được bình quân 6 tỷ USD/năm, Chính phủ rất trăn trở và tính toán cách làm, khi cần đồng chí Thoại có thể tìm hiểu với Bộ trưởng Công thương sẽ trình bày với đồng chí. Đồng chí Hoàng Trung Hải sẽ trình bày với đồng chí.
Đồng chí có nói đặt hàng khoa học, đối với những sản phẩm có tính chất công nghiệp có hàm lượng khoa học cao. Thưa với ĐB, QH, Chính phủ đã có chương trình này. Chương trình phát triển khoa học công nghệ, chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia, lựa chọn một số sản phẩm trọng điểm quốc gia, rồi đặt hàng, đấu thầu, lựa chọn để chúng ta tập trung phát triển để làm sao góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Và đây, lĩnh vực này không chỉ là Nhà nước phải làm. Nhà nước tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp, để mọi thành phần kinh tế, để người dân quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.
Chưa thu xếp được việc thảo luận về Quy hoạch Hà Nội
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội): Tiếp theo câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến tôi xin hỏi thêm về quy hoạch. Xin hỏi đến giờ phút này Thủ tướng có kế hoạch phê duyệt quy hoạch chung cả nước, các vùng chưa, như thế nào? Riêng với Hà Nội, quy hoạch HN đã được lấy ý kiến ĐBQH, vậy bao giờ Thủ tướng mới phê duyệt?
Tại kỳ họp thứ năm, khi tiếp xúc cử tri ở thị xã Sơn Tây, ĐB Nguyễn Văn Chi khi đó đã nêu ý kiến bức xúc về việc công nhận liệt sĩ cho một liệt sĩ ở thị xã Sơn Tây.
Ngày 18/5, đoàn ĐBQH Hà Nội đã gửi báo cáo trân trọng đề nghị giải quyết rốt ráo tình hình trên. Xin Thủ tướng cho ý kiến?
Thứ hai, gần 80% khiếu nại liên quan Luật đất đai, mà việc sửa Luật Đất đai vẫn cứ bị lùi? Thủ tướng có ý kiến gì?
Thứ ba, trách nhiệm phân công trong tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật để văn bản đi vào cuộc sống thế nào? Bởi như qua tờ trình của Chính phủ về sửa Luật lưu trữ, chúng tôi thấy pháp lệnh đã ban hành 9 năm vậy mà vẫn đang tồn tại hai cơ quan lưu trữ ở Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi đã trình bày ngắn về quy hoạch. Một trong các chức năng quản lý nhà nước là xây dựng quy hoạch, quản lý, và thực hiện quy hoạch.
Việc này được Chính phủ quan tâm, đã đang và tiếp tục chỉ đạo để làm sao có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành sát hơn với yêu cầu cuộc sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện. Vì có quy hoạch tốt mới có đầu tư, phát triển tốt.
Hôm nay, tất cả các ngành, địa phương đều có quy hoạch. Nhưng, để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 mà Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ trình và Trung ương đã thông qua. Khi ĐH XI thông qua sẽ chỉ đạo thực hiện.
Thủ tướng đã đôn đốc các ngành, địa phương tiến hành đánh giá tình hình ngành, địa phương để hoàn thiện quy hoạch. Việc này đang được làm khẩn trương.
Thứ hai, quy hoạch Hà Nội được xây dựng để phù hợp điều kiện thủ đô mở rộng, hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, có thêm Mê Linh - Vĩnh Phúc.
Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo để cùng Hà Nội xây dựng quy hoạch, tạo mọi điều kiện tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân để có một quy hoạch HN xứng tầm thủ đô một nước VN công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Là thủ đô và trung tâm chính trị tương xứng mục tiêu phát triển và mong muốn, yêu cầu của chúng ta.
Hiện, tôi được báo cáo là Hà Nội, Bộ xây dựng đã tiếp thu ý kiến, đã trình ra Chính phủ. Tôi chưa thu xếp được, nên sắp tới sẽ phải đưa ra Chính phủ thảo luận.
Chúng tôi đã đăng ký Bộ Chính trị rồi, nhưng xin ĐBQH thông cảm là tôi chưa thu xếp được để đưa ra báo cáo với Chính phủ, chúng tôi sẽ thu xếp.
Về 1 liệt sĩ ở Sơn Tây, tôi biết vì qua hai nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng. Đây là vấn đề dai dẳng từ thời ông Đỗ Mười làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đây cũng là vấn đề bàn cãi lâu nay, đã yêu cầu các bộ ngành, Sơn Tây nghiên cứu tìm hiểu giải quyết.
Cuộc chiến lùi quá xa, nhiều người đã không còn, chúng tôi đang chỉ đạo để xem xét có lý, có tình.
Về việc đang có hai cơ quan lưu trữ Trung ương, chúng tôi cũng chỉ đạo để xem xét.
Sửa Luật đất đai cho phù hợp là vấn đề lớn, chúng tôi đang xem xét. Bộ TN&MT cũng đang thảo luận và tổ chức nhiều hội thảo.
Vấn đề nào khúc mắc phải giải quyết, vấn đề nào bất cập. Nếu vấn đề nào có liên quan đến Hiến pháp thì phải xem xét Hiến pháp. Việc sửa đổi là để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Cúng là nội dung mà Chính phủ đã đăng ký với Bộ Chính trị để xem xét giải quyết.
Không kỷ luật cũng không được!
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh): Tôi rất hoan nghênh và chia sẻ với phần nhận trách nhiệm về hạn chế, yếu kém của CP, thành viên CP trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo tập đoàn Vinashin vừa qua.
Trong kỳ họp thứ 6 QH khóa 12, trong phần trả lời chất vấn tại hội trường, khi trả lời ĐBQH về trách nhiệm Thủ tướng trong kỷ luật hành chính, Thủ tướng đã phát biểu, "trong hơn 3 năm qua tôi làm Thủ tướng nhưng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào". Thủ tướng mong muốn bộ máy chính quyền các cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để không bị kỷ luật, không bị xử lý pháp luật.
Bài học từ sự buông lỏng quản lý nhà nước với tập đoàn Vinashin, trong đó có việc không chấp hành nghiêm túc kỷ luật hành chính. Chẳng hạn Thủ tướng không cho mua tàu cũ, nhưng lãnh đạo tiếp tục mua tàu cũ là sai phạm nghiêm trọng trong kỷ luật hành chính.
Là người đứng đầu CP, trong thời gian tới Thủ tướng đã rút kinh nghiệm gì về việc Vinashin để siết chặt kỷ cương quản lý hành chính nhà nước với bộ máy.
Hai là, UB giám sát tài chính quốc gia do Thủ tướng thành lập, về nguyên tắc UB này không làm thay nhiệm vụ nhà nước, mà chỉ phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Trong báo cáo giải trình sáng nay về kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả, Thủ tướng có nói phải tăng cường công tác thông tin, xử lý nghiêm việc đưa thông tin không chính xác, tạo bất ổn trên thị trường.
Ngày 4/11 ở HN, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, cơ quan có chức năng giám sát, tư vấn lại được giao nhiệm vụ công bố các quy định tỷ giá, lãi suất. Việc này lẽ ra phải là trách nhiệm phát ngôn của Thống đốc ngân hàng nhà nước.
Ý kiến tuyên bố chủ trương để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường, nói cách khác là thả nổi lãi suất. Tuyên bố trên đã khiến giá vàng, đô la không hạ nhiệt, có biểu hiện bất thường, mặc dù ngân hàng nhà nước đã bơm ngoại tệ và cho nhập vàng để bình ổn thị trường.
Với vai trò của Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng có ý kiến về tình hình trên, đối với những phát ngôn, thông tin cần được công khai, có trách nhiệm về những chính sách vĩ mô, không mang lại hiệu ứng tiêu cực trong mục tiêu ổn định thị trường.
Ba là, tiếp theo ý kiến của ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định), trong phiên trả lời chất vấn các bộ trưởng hầu hết không thấy trách nhiệm trong việc Vinashin, có bộ trưởng khẳng định đã làm hết chức năng trách nhiệm được giao, có người cho rằng đây làsự khiếm khuyết phaspt luật của QH.
Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình về việc này, đặc biệt nguyên nhân Vinashin có phải lỗ hổng của pháp luật, hay là tắc trách trong quản lý nhà nước?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai. Không kỷ luật cũng không được. Vì theo quy định của pháp luật thì Thủ tướng phải hành động theo quy định của pháp luật.
Tôi trình bày chất vấn tại kỳ họp sáu là như vậy nhưng có lẽ diễn đạt chưa đầy đủ. Khi phát hiện sai phạm thì lãnh đạo phải có kiểm tra. Không có kiểm tra không có quản lý.
Mà khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Nhưng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân được mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc.
Thủ tướng đã nhận thức và làm như vậy, cũng yêu cầu các cấp chính quyền, hệ thống hành chính nhà nước thực hiện.
Còn đối với Vinashin, có những lãnh đạo không chấp hành quy định của Đảng và đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, của Đảng. Tôi nghĩ rằng như vậy là nghiêm minh.
Xin trình bày là không thể, với một vụ việc mà mới nghe một thông tin mà Thủ tướng đã ra quyết định kỷ luật được. Luật không cho phép làm như thế.
Thủ tướng đã làm đúng theo quy định của pháp luật, đúng nghị quyết của Đảng trong đề bạt hay bổ nhiệm hay khen thưởng, xử lý cán bộ theo đúng thẩm quyền của mình.
Về lỗ hổng cơ chế, chưa đủ chặt chẽ, rồi lúng túng vì mô hình tập đoàn chưa có trong thực tế của nước ta. Học kinh nghiệm của các nước thì mỗi nước có một mô hình khác nhau. Cuộc sống đặt ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Qua vụ việc này, vừa có kẽ hở của cơ chế, vừa có trách nhiệm đến đâu thì tôi đã trình bày. Mức độ tới đâu, xử lý thế nào thì sẽ công khai.
Không phải Tập đoàn hoạt động không có khung pháp luật
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Tôi có hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất gồm hai ý liên quan đến tôi tạm gọi là những vấn đề liên quan đến hậu Vinashin. Câu hỏi thứ hai liên quan đến vấn đề kinh tế vĩ mô nhiều hơn.
|
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) |
Về câu hỏi thứ nhất, tạm gọi là hậu Vinashin: Trước hết tôi bày tỏ đồng tình ủng hộ việc tái cấu trúc Vinashin. Không có con đường nào khác. Nó không chỉ giải quyết cho tập đoàn Vinashin mà mục tiêu lớn hơn là vực dậy ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ bài học Vinashin Thủ tướng đã trình bày rồi.
Tại buổi thảo luận kinh tế xã hội, tôi có đề nghị giải pháp trước mắt có thể làm ngay được đó là Thủ tướng có quyền hạn của mình, có thể bắt buộc các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn phải công bố thông tin như là những doanh nghiệp của khu vực tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán, phải công bố, để tạo công cụ cho người dân giám sát.
Thưa Thủ tướng, hiện nay vì không công bố như vậy, một số Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay như sáng nay trình bày là những thông tin xì xào về vấn đề đầu tư. Giá như chúng ta công bố công khai như thị trường chứng khoán thì sẽ không có xì xào, minh bạch.
Hồi nãy Thủ tướng có nêu vấn đề sẽ công bố nhưng tôi muốn nói quan điểm khẳng định phải công bố những điều kiện như là những doanh nghiệp, bởi vì đây là nhiệm vụ niêm yết thị trường chứng khoán vì đây là doanh nghiệp thuộc khu vực công. Khu vực công thì mang tính công cộng. Đề nghị Thủ tướng khẳng định vấn đề này?
Hai là về cơ chế, trách nhiệm hay lỗ hổng pháp luật, chiều qua, tại hội trường này cũng chưa rõ. Các cơ quan, các bộ có liên quan trách nhiệm hay không còn tranh luận. Sáng nay tôi rất hoan nghênh. Thủ tướng xác nhận với ý chí trách nhiệm cao nhất của Thủ tướng và các bộ liên quan về trách nhiệm. Nhưng hình như cảm thấy đây có một cái gì đó chưa ổn giữa quyền của các bộ đối với những doanh nghiệp Nhà nước, kể cả doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ, Thủ tướng và trách nhiệm nếu xảy ra vụ việc.
Và Thủ tướng khẳng định là sớm có luật quản lý vốn kinh doanh Nhà nước. Tuy nhiên, trong lúc chờ luật đó mà Quốc hội và bản thân tôi đề nghị từ đầu nhiệm kỳ nhưng vì nhiều lý do nhiệm kỳ này chưa làm được, tôi đề nghị, bây giờ, 1/7 năm nay Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực rồi, còn luật Doanh nghiệp chung thì không điều chỉnh, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với người quản lý, tức Hội đồng quản trị, tức là giữa Nhà nước với Hội đồng quản trị. Bây giờ Thủ tướng xem chúng ta bàn những văn bản quy định gì mà bên trên không có luật hay bên dưới cái gì một giải pháp để chúng ta bàn.
Vừa rồi, Thủ tướng có đề nghị vấn đề liên quan, ý kiến liên quan lập Bộ hay ngang bộ để quản lý với tư cách chủ quản. Quan điểm của tôi là cần thiết để tất cả không còn một bộ nào liên quan chuyện vừa hai chân, tức vừa quản lý Nhà nước, vừa đại diện chủ sở hữu. Tôi đề nghị Thủ tướng làm rõ vấn đề này hơn.
Riêng tái cấu trúc Vinashin là cần thiết, đáng lý cái này hỏi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì tốt hơn. Hiện nay lo lắng ở chỗ này, vấn đề chuyển một số dự án, số nợ, một số dự án cho 2 đơn vị cho Petro Vietnam và Vinalines là cần thiết.
Việc mua lại doanh nghiệp, mua lại nợ để tái cấu trúc làm lại thì đó là vấn đề bình thường của nền kinh tế thị trường. Một dự án có thể doanh nghiệp này làm không lời, doanh nghiệp khác có thể có lời.
Riêng Vinashin với Vinalines có ý kiến đề nghị Thủ tướng nói rõ hơn, có dự án nào nợ quá xấu mà chuyển qua bên kia thì lại làm xấu hơn không, để cho người ta yên tâm rằng việc chuyển đó là cần thiết và không mang xấu hơn cho doanh nghiệp.
Vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề vĩ mô. Hôm đầu tiên tôi có chất vấn Bộ trưởng Công thương liên quan công nghiệp phụ trợ và đã nghe ý kiến Bộ trưởng. Nhưng vấn đề tôi quan tâm là, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công thương soạn thảo Nghị định liên quan đến vấn đề công nghiệp phụ trợ, cái gốc vấn đề để phát triển nhưng tới nay không biết lý do gì chưa ban hành được.
Để phát triển công nghiệp phụ trợ, tôi nghĩ một Nghị định chưa đủ vì nó liên quan chính sách thuế, chính sách đầu tư công... Phải chăng nó lên cái tầm lớn hơn. Không biết hiện nay Chính phủ chuẩn bị vấn đề thế nào? Đây là vấn đề rất căn cơ để chuyển sản xuất, từ gia công sản xuất và giải quyết vấn đề rất cơ bản đó là chống từ gốc vấn đề nhập siêu.
Việc chuẩn bị thế nào? Và Chính phủ có dự kiến kể cả trình Quốc hội những liên quan đến luật thuế, đầu tư công như thế nào để phát triển công nghiệp phụ trợ? Xin cảm ơn Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không phải Tập đoàn kinh tế, và các Tổng công ty Nhà nước hoạt động không có hệ thống khuôn khổ pháp luật. Đó là những Nghị định trong khi mô hình mới chúng ta vừa làm, đây là thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cũng đã có Nghị định. Nghị định tổ chức quyền chủ sở hữu.
Đã sửa hai ba lần rồi. Đã sửa đổi bổ sung hai ba lần rồi. Mới đây chúng tôi ban hành Nghị định quản lý thí điểm các tập đoàn kinh tế và chúng tôi cũng nghĩ rằng quá trình từ thực tiễn như thế, hoàn thiện dần, và chúng tôi sẽ cố gắng là nâng cao hiệu lực khuôn khổ pháp lý bằng luật, để rồi làm sao chúng ta quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn nhưng vừa đảm bảo cho, tạo điều kiện cho các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước này năng động, sáng tạo, làm ăn hiệu quả trong cơ chế thị trường, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng chí có nêu trong chuyển tài sản sang Vinalines có cái nào xấu không? Thưa các đồng chí, như tôi vừa trình bày, trong số tổng giá trị tài sản mà nhưng từng món tài sản cũng có thể món này cao hơn, món này bằng giá trị trên sổ sách, món khác thấp hơn. Thực tế nó sẽ có như thế nhưng nó là ở đâu, cao thấp thế nào thì đang làm việc đánh giá lại.
Trong trình bày tôi cũng đã nêu điều đó, thí dụ như hai mươi mấy con tàu giao cho Vinalines cũng có thể bây giờ có tàu giá trị so trên sổ sách thấp hơn nhưng có thể có tàu giá trị cao hơn. Tôi cũng mới nghe Bộ trưởng nói trong số tàu chuyển sang thì đang tất cả hai mươi mấy con tàu đó, còn 3 cái nữa thôi, 23 có đang hoạt động và có cái người ta đặt mua giá cao hơn lời mấy triệu đô, đã đồng ý bán, bán lời mấy triệu đô. Cái này thị trường như thế.
Ban chỉ đạo từ Hội đồng quản trị các đồng chí sẽ tiếp tục chỉ đạo với tinh thần khai thác tối đa hiệu quả những tài sản, cơ sở vật chất đã có để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Và thu hồi được vốn, trả được nợ. Tôi xin trình bày thêm chỗ đồng chí nói cụ thể, thì tôi cũng không nắm cụ thể được sâu sát như các đồng chí Bộ trưởng phụ trách.
Còn Nghị định công nghiệp phụ trợ. Thưa các đồng chí, phát triển công nghiệp phụ trợ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế là chủ trương rất quyết tâm của đất nước ta, cuả Chính phủ. Chúng tôi thấy việc phát triển này là hết sức cần thiết.
Ngay sau khi tôi nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi đã đến Bộ Công nghiệp, dự hội nghị với các đồng chí và tôi đã nêu cái này. Bây giờ các đồng chí cứ nói là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phụ trợ nhưng mà thể chế, cơ chế để cho nó phát triển là gì? Phải ủng hộ nó như thế nào? Phải ưu đãi nó như thế nào thì tôi giao cho Bộ Công nghiệp các đồng chí chủ trì soạn thảo cái này.
Bây giờ nên trước hết làm Nghị định đi, khi Nghị định chưa xử lý được thì lúc đó chúng ta sẽ kiến nghị là sửa luật hay là gì đó. Nhưng các đồng chí cũng tích cực soạn thảo, đi tham khảo ở Hàn Quốc, đi thảm khảo ở Nhật Bản nhưng đến nay thưa các đồng chí ý kiến vẫn còn khác nhau, chưa ban hành được. Tôi cũng đang thúc giục việc này. Tôi cũng sốt ruột như anh Du Lịch thôi. Rất sốt ruột. Phải có hành lang pháp lý này để sau tạo thuận lợi cho thúc đẩy cho công nghiệp phụ trợ phát triển.
Lúc 11h, Thủ tướng kết thúc phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường. 30 phút cuối phiên chất vấn là phần tổng kết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về hai ngày rưỡi chất vấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tổng kết: Tôi được giao nhiệm vụ làm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã làm hết sức mình theo Hiến pháp, pháp luật, vì đất nước, vì nhân dân.
Bên cạnh thành công, kết quả, làm được, chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận còn nhiều việc, nhiều lần, nhiều yếu kém chưa làm được, làm chưa tốt.
Lúc nào chúng tôi cũng nhìn nhận yếu kém của mình để thực hiện chức trách của mình tốt hơn. Chúng tôi hoan ngênh và trân trọng lắng nghe những góp ý chân tình, trách nhiệm của đồng bào, đồng chí.
Rất mong được ĐBQH và nhân dân tiếp tục chia sẻ để gánh chịu trách nhiệm. |
* Nhóm PV
Vietnamnet
|