Thứ Hai, 22/11/2010 22:46

Cần kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát

Ông Võ Trí Thành

Lạm phát của TPHCM trong tháng 11 đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm là 1,73%, trong khi tại Hà Nội là 1,93%. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% của Chính phủ khó có thể thành sự thật. Trước tình hình này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Chính phủ phải tiếp tục kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

* PSG.TS Trần Hoàng Ngân: Giảm lãi suất để kềm giá

Ý kiến của ông như thế nào về chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát?

- Ông Võ Trí Thành: Ở Việt Nam, cái khó hiện nay là tình hình đang bất ổn, lạm phát của Việt Nam so với các nước đang quá cao. Chính phủ phải làm thế nào để ổn định kinh tế nhưng không gây ra cú sốc quá lớn. Tuy nhiên, ý tưởng cơ bản xuyên suốt phải là ổn định kinh tế vĩ mô.

Rất tiếc là các chính sách từ đầu năm đến giờ, trước những áp lực khác nhau, lại không nhất quán, làm cho lòng tin thị trường không tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam đã không biết nhẫn nại trong mục tiêu của mình và trong việc tạo dựng niềm tin nơi người dân.

Giai đoạn tháng 3, 4, 5 tình hình vĩ mô đã khá lên rất nhiều, nhưng chúng ta đã quay lại hơi hồ hởi và hướng mục tiêu sang vấn đề tăng trưởng. Tôi buộc phải nhắc lại rằng Chính phủ phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát và đây phải là nhiệm vụ thường xuyên. Các nước khác kể cả những nước đang phát triển như Trung Quốc rất coi trọng việc kiềm chế lạm phát, vì chỉ cần để “lọt” tay là việc điều chỉnh chính sách sẽ vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh Việt Nam, việc điều chỉnh chích sách gặp 3 cái khó: thị trường tài chính đa dạng hơn nên người dân có nhiều lựa chọn hơn trong khi công cụ chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ còn đang yếu; đất nước mở của hội nhập nên tương tác bên trong bên ngoài phức tạp hơn; và cuối cùng là Việt Nam là nước "đô la hóa và vàng hóa" cao.

Bản thân ổn định kinh tế vĩ mô là khó, nhưng giữ được nó để không tuột khỏi tầm tay càng khó hơn; và khi nó đã trở nên bất ổn thì khiến cho kinh tế quay trở lại ổn định lại càng khó hơn. Tuy nhiên, việc khó nhưng vẫn phải làm.

Nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất cho vay lên quá cao gây khó khăn cho doanh nghiệp sau khi Chính phủ đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát từ đầu tháng 11. Theo ông, nếu khiến cho lãi suất ngân hàng giảm trở lại thì có đi ngược mục tiêu kiềm chế lạm phát?

- Có 2 vấn đề ở đây. Thứ nhất thông điệp cần rõ ràng đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai trong bối cảnh chính sách đang bị thắt chặt thì chắc chắn có xảy ra những khó khăn. Vấn đề là phải có biện pháp kỹ thuật gì để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đừng lẫn lộn về mặt thông điệp để rồi quay trở lại nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm lãi suất.

Các biện pháp kỹ thuật có thể được xem xét như là các chính sách về vốn, việc bơm và hút tiền về trong những giai đoạn nhất định để đảm bảo cân đối dòng tiền của ngân hàng, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng, hoặc có giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng, tuy nhiên nó vẫn phải nằm trong bối cảnh là thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Thực tế đã chứng minh muốn giảm lạm phát cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ cộng với thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa. Khi thắt chặt thì chắc chắn sẽ có khó khăn cho doanh nghiệp, và để ổn định kinh tế vĩ mô thì ta phải chấp nhận những khó khăn đó.

Tháng 4, Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất cho vay xuống 12%/năm, sau đó tháng 10 lại cho phép lãi suất tăng trở lại. Hiện giờ nhiều doanh nghiệp lại đang cho rằng lãi suất quá tầm tay của họ. Ông có ý kiến gì?

- Theo tôi, thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô đáng lẽ ra phải rõ ràng và nhất quán ngay từ cuối năm 2009.

Còn câu chuyện về thị trường tiền tệ, tỷ lệ an toàn của ngân hàng, đánh giá rủi ro cho các loại tài sản của ngân hàng, đó là các biện pháp kỹ thuật, chứ không phải vì như vậy mà chúng ta cần phải nới lỏng chính sách trở lại. Khi thực hiện chính sách thắt chặt thì chắc chắn sẽ có nhiều áp lực xã hội vì quyền lợi họ bị ảnh hưởng.

Người làm vĩ mô bên cạnh việc xem xét những khó khăn trước mắt, cần có cái nhìn dài hơi hơn. Nếu chỉ chạy theo những áp lực thì làm sao có một chính sách có thể thỏa mãn tất cả những yêu cầu của các nhóm xã hội, đặc biệt trong tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay.

Vì thế, tôi cho rằng cần phải nhất quán và kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Xin cám ơn ông!

Thủy Triều

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Thiếu điện: “Tôi xin nhận trách nhiệm!” (22/11/2010)

>   Vốn đầu tư ra nước ngoài chưa đạt kỳ vọng (22/11/2010)

>   Vì sao KCN, KCX đang trở nên kém hấp dẫn? (22/11/2010)

>   Giảm lãi suất để kềm giá (22/11/2010)

>   Cử tri bức xúc ngành điện tính giá kiểu 'tréo ngoe' (22/11/2010)

>   “Tôi rất ngạc nhiên với cách trả lời của Bộ trưởng” (22/11/2010)

>   Dự án Hoàng Đồng Lạng Sơn có gặp rắc rối vì từ “casino”? (22/11/2010)

>   Biện pháp giảm nhập siêu vẫn chưa hiệu quả (22/11/2010)

>   Cú hích của “đại gia” (22/11/2010)

>   Đầu tàu kinh tế: Đừng quá ỉ vào đường ray định sẵn (22/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật