Thứ Hai, 22/11/2010 13:55

Cú hích của “đại gia”

Sự xuất hiện của các “đại gia” là cơ hội giúp phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước

Sự xuất hiện của các tập đoàn xuyên quốc gia được kỳ vọng tạo cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ. Nhưng các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng được bao nhiêu cơ hội từ đây thì lại chưa rõ.

4 năm trước, khi Tập đoàn Intel (Mỹ) quyết định đầu tư vào Việt Nam, giới bình luận đã cho rằng, sự có mặt của Intel như một cú hích, kéo theo hàng loạt tập đoàn lớn khác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, cũng tìm đến Việt Nam. Sự có mặt của Foxconn, Compal cũng được nhiều kỳ vọng không kém.

Không chỉ là sự kéo theo của các “vệ tinh” của những tập đoàn này ở nước ngoài tới Việt Nam mà cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ cũng được đặt nhiều hy vọng.

Chưa đưa ra bất cứ một con số nào về khả năng đầu tư của các nhà sản xuất vệ tinh, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi Intel chính thức đưa nhà máy sản xuất chip đi vào hoạt động mới đây, ông Steven C. Megli, Phó chủ tịch Tập đoàn Intel, phụ trách nhóm công nghệ và sản xuất, đã khẳng định rằng, có rất nhiều lời hỏi thăm, khảo sát, đặt vấn đề với Intel từ chính các doanh nghiệp cung cấp phụ kiện quy mô lớn của Intel. “Các doanh nghiệp này luôn quan tâm tới hai vấn đề: môi trường đầu tư của Việt Nam có hấp dẫn không? Dự án đầu tư của Intel có đạt hiệu quả cao không? Điều đáng mừng là, các câu trả lời đều rất tích cực”, ông Megli nói.

Đến sau, nhưng Compal (Đài Loan) đã kéo được 8 nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam. Không chỉ đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay, dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2011. Compal cũng đồng thời “chi” 75 triệu USD để phát triển KCN Bá Thiện (Vĩnh Phúc), tạo điều kiện cho các “vệ tinh” của mình triển khai nhanh dự án. Tiếc là, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngoại trừ Compal vẫn đang tích cực đẩy nhanh dự án, 8 nhà đầu tư vệ tinh đang phải tính toán lại tiến độ đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù vậy, ông Bùi Văn Quý, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng, khi Compal đi vào hoạt động, các dự án này sẽ sớm khởi động trở lại.

Samsung (Hàn Quốc) cũng được xem là một điển hình trong thu hút các nhà đầu tư vệ tinh tới Việt Nam. Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, ông Shim Won Hwan, Chủ tịch của Samsung Complex Việt Nam cho biết, nhà máy sản xuất điện thoại (SEV) của Samsung tại Bắc Ninh hiện đã có 42 nhà đầu tư vệ tinh, trong đó có 23 đang hoạt động ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, số còn lại đang trong quá trình xây dựng.

Theo kế hoạch được ông Shim Won Hwan tiết lộ, Samsung không chỉ dừng ở một nhà máy sản xuất điện thoại di động mà còn mở rộng lên thành khu sản xuất phức hợp (Samsung Complex), với tổng vốn đầu tư tới năm 2015 dự kiến là 1,5 tỷ USD. Rất nhiều sản phẩm công nghệ cao sẽ được sản xuất tại đây, như máy hút bụi, máy in, máy ảnh… Cùng với kế hoạch mở rộng đầu tư này, tới thời điểm năm 2015, Samsung Complex sẽ thu hút được 192 nhà cung cấp vệ tinh, trong đó có 50% là nhà cung cấp nội địa.

Kỳ vọng là vậy nhưng ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc SamsungVina cũng cho rằng, để thu hút đầu tư, Việt Nam phải có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất vệ tinh. “Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đến các dự án lớn, đến nhà đầu tư cốt lõi, mà quên mất rằng, các nhà đầu tư này còn kéo theo rất nhiều nhà sản xuất vệ tinh khác, mà đây mới chính là những đơn vị có tác động dài hạn hơn đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc có ưu đãi hay không hiện nay đang được xem xét dựa trên vốn và công nghệ, nhưng nhà đầu tư vệ tinh thì vốn nhỏ, công nghệ không cao. Nếu xét riêng từng dự án, thì đúng là nó nhỏ, nhưng nếu nhìn tổng thể cả một cụm sản xuất thì lại khác, vì thế, cũng cần phải có chính sách khuyến khích thỏa đáng”, ông Đạo nói.

Sự xuất hiện của các “đại gia” không chỉ hỗ trợ rất lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam mà còn góp phần giúp phát triển công nghiệp phụ trợ, vốn xưa nay thiếu và yếu. Tuy nhiên, chỗ đứng cho các doanh nghiệp nội địa trong cuộc chơi toàn cầu của các đại gia vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Đại diện Intel cũng đã thẳng thắn thừa nhận rằng, không “có cửa” cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam bởi toàn thế giới chỉ có 4-5 công ty của Nhật Bản và Đài Loan có thể cung cấp đế chip… Thậm chí, trong vòng 5-10 năm tới, cũng khó có một công ty nào của Việt Nam đủ khả năng trong lĩnh vực này. Tương tự như vậy, với dự án của Samsung, khi mà đến một cái ốc vít trong điện thoại di động, hiện vẫn do nhà đầu tư vệ tinh nước ngoài cung cấp, thì xem ra, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Nguyên Đức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Đầu tàu kinh tế: Đừng quá ỉ vào đường ray định sẵn (22/11/2010)

>   Một số doanh nghiệp ôtô có vốn nước ngoài đang lỗ (22/11/2010)

>   TP.HCM kiến nghị hạn chế tối đa thuỷ điện trên sông Đồng Nai (22/11/2010)

>   Công bố CPI Hà Nội, Tp.HCM tháng 11: Đã “lấp ló” con số cả nước (20/11/2010)

>   Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu tập đoàn có sai phạm (21/11/2010)

>   Ổn định vĩ mô: Cần thông minh gỡ bỏ "vòng kim cô" (21/11/2010)

>   Ba bước để cải thiện đầu tư công  (20/11/2010)

>   Nguồn vốn cho dự án thuỷ điện nhỏ : Nỗi khổ của nhà đầu tư (20/11/2010)

>   Hướng dẫn mới cho việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (19/11/2010)

>   CPI tháng 11 TPHCM tăng 1,73%, Hà Nội trên 2%, mức cao nhất từ đầu năm (19/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật