Ổn định vĩ mô: Cần thông minh gỡ bỏ "vòng kim cô"
Đối với quốc gia có một Chính phủ mạnh, giỏi điều hành kinh tế cả trong chiến lược dài hạn và tình thế ngắn hạn, thì "vòng kim cô" sẽ được gỡ bỏ một cách thông minh, làm cho các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô luôn đạt được thế cân bằng động.
LTS: Năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, lo ngại về ổn định vĩ mô.
Vậy, thế nào là ổn định kinh tế vĩ mô?Các yếu tố nào tác động khiến kinh tế vĩ mô bất ổn? Làm thế nào hạn chế "tác dụng phụ" đằng sau sự tăng trưởng nhanh đó để kinh tế phát triển bền vững?
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) trân trọng giới thiệu Phần 1 bài viết của tác giả Kim Ngọc Cương, với phân tích khá thấu đáo về vấn đề này. Mời bạn đọc tham khảo và cùng tranh luận.
Thế nào là ổn định vĩ mô?
Nói đến kinh tế vĩ mô nghĩa là nói đến nền kinh tế - xã hội của cả một quốc gia. Các chỉ tiêu chủ yếu thể hiện kinh tế vĩ mô là những chỉ tiêu sau:
1. Tăng trưởng của cả nền kinh tế (thường sử dụng chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước GDP, thực tế hơn là chỉ tiêu Tổng thu nhập quốc gia GNI).
2. Mức độ lạm phát qua từng thời kỳ (thường sử dụng chỉ tiêu chỉ tiêu Chỉ số giá hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng CPI (không tính vàng và ngoại tệ).
3. Về việc làm của người lao động (thường quan sát chỉ tiêu số người tham gia lao động thường xuyên và Tỷ lệ người lao động thất nghiệp).
4. Thu nhập và khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư (sử dụng chỉ tiêu Thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người qua Điều tra thống kê mức sống dân cư)
5. Mức độ hưởng thụ các phúc lợi và an sinh xã hội (như các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, văn hóa... của người dân trong quốc gia).
|
Lạm phát đe dọa đến chi tiêu và chất lượng cuộc sống của người dân |
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nói trên liên quan chặt chẽ với nhau. Muốn một quốc gia phát triển, Chính phủ và người dân trong một quốc gia đều phải quan tâm đến các chỉ tiêu trên và phấn đấu để tất cả các chỉ tiêu đó đạt được mục tiêu mong muốn qua từng thời kỳ nhằm mục đích nâng cao sức mạnh kinh tế (về cả vật chất và tinh thần) của cả dân tộc và thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của từng người dân trong quốc gia.
Như vậy, có thể hiểu ổn định kinh tế vĩ mô là: Trong một thời kỳ dài hạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phải tăng trưởng (hoặc được kiềm chế) hài hòa, cân đối (trong trạng thái động với nhau) và phải đồng bộ đạt được mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (thông thường 5-10 năm một lần).
Tuy nhiên, mỗi chỉ tiêu chính kinh tế vĩ mô nói trên đạt được mức độ như thế nào, chất lượng của chỉ tiêu đó ra sao trong dài hạn hoặc ngắn hạn lại phụ thuộc vào các chỉ tiêu kinh tế khác.
Ví dụ: chỉ tiêu GDP phụ thuộc vào chỉ tiêu vốn đầu tư và sử dụng vốn đầu tư ra sao (hiệu quả hay không hiệu quả); mức độ lạm phát trong nền kinh tế phụ thuộc vào cung - cầu hàng hóa, dịch vụ (nói khác đi là giữa sản xuất và tiêu dùng), phụ thuộc vào xuất khẩu - nhập khẩu, đồng thời còn phụ thuộc vào các chỉ tiêu thu chi ngân sách Nhà nước, giữa phát hành thêm tiền đưa vào lưu thông, tỷ lệ lãi suất, tỷ giá hối đoái... ;
Tỷ lệ thất nghiệp phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực của sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, phụ thuộc vào cơ cấu ngành nghề, công nghệ và trình độ của nguồn nhân lực;
Chỉ số về thu nhập và khỏang cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư phụ thuộc vào chính sách lương bổng của Nhà nước, sức cạnh tranh giữa các ngành nghề, các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp, giữa những người lao động với nhau, vị trí từng người trong xã hội, và một yếu tố nữa là mức độ sở hữu vốn, tài sản...
Phải gỡ "vòng kim cô" một cách thông minh
Nhìn chung, trong nền kinh tế thị trường ở từng giai đoạn ngắn hạn (một năm trở xuống), 5 chỉ tiêu chủ yếu của kinh tế vĩ mô nói trên không phải lúc nào cũng đi theo cùng một hướng (tích cực hoặc tiêu cực) mà thường mâu thuẫn, thậm chí có lúc đối kháng với nhau.
Nghĩa là, có lúc được cái này mất cái khác vì một lẽ giản dị: 5 chỉ tiêu đó liên quan đến lợi ích của mọi nhóm người trong xã hội mà với một mục đích (chỉ tiêu kinh tế vĩ mô) cụ thể thì khi có lợi cho nhóm người này lại bất lợi cho nhóm người khác, và vì nhóm người khác bị bất lợi họ sẽ tìm cách lấy lại sự mất mát nên sẽ tác động đến mục tiêu (chỉ tiêu kinh tế vĩ mô) khác.
Ví dụ: khi tăng trưởng nóng (đầu tư phải tăng mạnh) để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao (có lợi cho doanh nghiệp) nhưng sẽ làm cho lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp tăng (người tiêu dùng sẽ thiệt).
Khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng của lạm phát cao, họ sẽ phản ứng bằng cách chi tiêu tiết kiệm và mua vàng, ngoại tệ để dành (vốn trong dân cư nằm im không lưu thông) sẽ làm tăng tồn kho hàng hóa, DN vừa không tiêu thụ được nhanh sản phẩm, vừa trở về tình trạng khát vốn, thiếu vốn tái sản xuất, hậu quả sản xuất đình đốn, tăng trưởng lại đi xuống. Ví dụ này cho thấy cái "vòng kim cô" khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, đối với một quốc gia có được một Chính phủ mạnh, giỏi điều hành kinh tế cả trong hiến lược dài hạn và trong tình thế ngắn hạn thì cái "vòng kim cô" đó sẽ được gỡ bỏ một cách thông minh, làm cho các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô luôn đạt được thế cân bằng động.
Chính phủ đó phải biết: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"; biết lấy cái bất biến là sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong lâu dài của toàn dân, vì cuộc sống của số đông người dân để ứng phó với tình thế ngắn hạn.
Để giải quyết các mâu thuẫn trong kinh tế vĩ mô ngắn hạn, Chính phủ phải biết dung hòa các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn, biết điều hành tập trung cho chỉ tiêu kinh tế - xã hội (mục tiêu) nào là chủ yếu, hy sinh tạm thời mục tiêu nào, ở mức độ nào để có lợi nhất cho số đông người dân, cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội.
Như vậy, khi đó Chính phủ mới có thể tuyên bố với tòan thể quốc dân là: đã duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển.
Kim Ngọc Cương
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|