Khó xác định địa bàn ưu đãi đầu tư
Do thiếu tiêu chí cụ thể nên việc xây dựng danh mục địa bàn được ưu đãi đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Lộc Hà là một huyện ven biển của tỉnh Hà Tĩnh, vốn được tách ra từ huyện Can Lộc. Đây là huyện được địa phương kiến nghị lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa vào Danh mục Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư, dự kiến được ban hành kèm theo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Có vẻ như, đề nghị này sẽ được chấp thuận.
Tuy nhiên, đại diện của Ủy ban Dân tộc lại cho rằng, Lộc Hà còn “khá hơn nhiều địa phương khác”. Vậy thì có nên coi Lộc Hà là địa bàn “đặc biệt khó khăn” để được hưởng ưu đãi đầu tư hay không?
Băn khoăn này là dễ hiểu, bởi theo ông Trần Hào Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT), cho đến nay, chưa có một tiêu chí cụ thể nào xác định huyện hay xã này thuộc diện khó khăn hay đặc biệt khó khăn hay không. Và vì thế, trong quá trình sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư lần này, dự kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, kèm theo danh mục các địa bàn được ưu đãi đầu tư sẽ phải trình Chính phủ trong tháng 11/2010, sự lúng túng đã bắt đầu xuất hiện.
Thực tế cho thấy, đưa địa phương nào vào, bỏ địa phương nào ra trong Danh mục là cả một vấn đề, bởi lẽ, kéo theo đó sẽ là các cơ chế, chính sách ưu đãi kèm theo mà nhà đầu tư được hưởng. Chẳng hạn, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế sử dụng đất, tiền thuê đất... Nhiều khi, vì những ưu đãi này, mà một nhà đầu tư sẽ quyết định có hay không đầu tư ở một địa phương nào đó. Cũng vì vậy, mà thậm chí đã có chuyện có huyện, có xã “xin” được là huyện nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định về các đối tượng được hưởng ưu đãi, như 62 huyện nghèo, các đơn vị hành chính mới thành lập do Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 53/2010/NĐ-CP... Tuy nhiên, có vẻ như, mỗi danh mục lại để phục vụ cho riêng một mục đích ưu đãi khác nhau, chứ chưa có một danh mục dùng chung.
“Một mình Bộ KH&ĐT sẽ không làm nổi”, ông Hùng nói và bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan, nhất là Ủy ban Dân tộc và Miền núi, vốn là cơ quan nắm khá rõ các xã, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tuy nhiên, ngay cả Ủy ban Dân tộc và Miền núi cũng chỉ đoan chắc với các đối tượng đã có những tiêu chí cụ thể, như những huyện, xã có trong danh mục được hưởng Chương trình 135, hay 62 huyện nghèo... Còn với những địa bàn khác, không có tiêu chí cụ thể, sẽ rất khó xác định nên hay không nên đưa vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư.
Trong trường hợp này, đề xuất về việc nên quan tâm tới các căn cứ như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ đất canh tác nông nghiệp trên một đầu người, tỷ lệ người dân tộc trên tổng số dân... đã nhận được sự đồng tình khá lớn của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, thời gian còn lại rất gấp, khó có thể ngay lập tức xây dựng bộ tiêu chí và rà soát xem huyện, xã nào phù hợp với các tiêu chí đó. Bởi vậy, về mặt nguyên tắc, trước hết, các địa bàn đang được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, như 62 huyện nghèo, các địa bàn vừa mới chia tách địa giới hành chính, các huyện đảo, huyện sát biên giới... sẽ tiếp tục có tên trong Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư. Danh mục này, có thể sẽ sớm được hoàn thiện trong tuần tới để trình Chính phủ thông qua.
“Nhưng về mặt lâu dài, chúng tôi cho rằng, cần xây dựng một bộ tiêu chí riêng, xác định xã, huyện nào là thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn, để đưa vào danh mục ưu đãi đầu tư. Cũng cần kiến nghị Chính phủ xây dựng một nghị định riêng để ban hành một danh mục chung, áp dụng cho các trường hợp cần ưu đãi về thuế, hay tín dụng, đất đai...”, ông Hùng nói.
Đề xuất này của ông Hùng đã nhận được sự đồng tình của các thành viên tham gia soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2010/NĐ-CP, cũng như các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc và rà soát cụ thể hơn nữa danh mục này, bởi lẽ, tình hình kinh tế - xã hội của các địa bàn này đã khác. “Cũng cần phải đánh giá lại một cách tổng thể xem, sau nhiều năm được hưởng ưu đãi, các địa bàn này đã thu hút đầu tư ra sao. Phải biết được hiệu quả thực sự của chính sách này, thì mới biết chắc danh mục đó có thực sự phù hợp hay chưa”, một vị đại diện nói và cho rằng, cũng đã đến lúc nên cân nhắc xem có nên tiếp tục thực hiện ưu đãi đầu tư một cách rộng rãi như vậy hay không. Bởi thực tế là, những ưu đãi này hầu hết là nhà đầu tư được hưởng, chứ không phải là địa phương. Nếu dự án mà nhà đầu tư đó thực hiện không thực sự mang lại hiệu quả cho địa phương, thì có thể cũng cần xem xét lại.
Nguyên Đức
đầu tư
|