IMF, WB "can" Việt Nam đánh đổi ổn định lấy tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010, lựa chọn nào trong chính sách điều hành năm tới đã được đại diện WB, IMF và Viện Kinh tế Việt Nam mổ xẻ, phân tích trong cuộc bàn tròn với chủ đề "Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam" hôm 12/11, do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet thực hiện.
* Giám đốc WB cắt nghĩa “cơn say“ tăng trưởng của VN
* Chuyên gia IMF "mổ xẻ" sự mất giá của tiền đồng
Trong phần 1 đã được đăng tải hôm 15/11, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, đã "mổ xẻ" nguyên nhân dẫn tới sự mất giá của tiền đồng. Theo ông, Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra những chính sách mạnh nhằm hồi phục lại niềm tin của những người tiết kiệm tiền đồng.
Ở phần 2 của bàn tròn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam, đã cắt nghĩa việc Việt Nam quá tập trung vào con số tăng trưởng, không phải do áp lực từ phía WB mà do truyền thống từ lịch sử nền kinh tế tập trung của Việt Nam, một nền kinh tế quá tập trung vào kế hoạch, vào mục tiêu, vào thành tích.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu tiếp tới bạn đọc phần 2 với nội dung chính xoay quanh câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.
|
Bà Victoria Kwakwa, ông Benedict Bingham, ông Trần Đình Thiên |
Nhà báo Việt Lâm: Thưa ông Trần Đình Thiên, là nhà tư vấn kinh tế cho chính phủ, ông nhận thấy tư duy từ bỏ việc chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá đã có hay chưa?
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:
Với câu hỏi này là tôi muốn bổ sung vào cách trả lời của bà Victoria. Thực tế mà nói, nước nào cũng muốn tăng trưởng cao cả, nhưng vấn đề là tăng trưởng tốn bao nhiêu nguồn lực, câu hỏi này bà Victoria đã trả lời.
Thực tiễn cho thấy rằng, Việt Nam chúng ta tăng trưởng khá tốn vốn, vì 8, 9 đồng bỏ ra mới được 1 đồng tăng trưởng. Cái thứ hai là rất tốn tài nguyên, cái thứ ba là rất tốn lao động rẻ tiền.
Như vậy, làm thế nào để thay đổi tăng trưởng. Tại sao lại ưu tiên tốc độ tăng trưởng mà không ưu tiên cái khác, nền kinh tế cần tăng trưởng cao nhưng nhà nước với tư cách điều hành thì ưu tiên cái nào là chính, hay tốc độ cao có phải là ưu tiên của Chính phủ không.
Chúng ta thấy chính phủ VN hay ưu tiên tăng trưởng, khi nào thấy bất ổn thì lại ưu tiên ổn định vĩ mô. Khi tăng trưởng thấp chính phủ lại đổ tiền ra ưu tiên tăng trưởng, lúc ấy chính phủ đã hy sinh, đánh đổi cái ổn định bằng cái tăng trưởng, coi tăng trưởng làm mục tiêu trực tiếp.
Tôi thấy nền kinh tế vẫn cần tăng trưởng cao, nhưng để thực hiện mục tiêu đó nhà nước phải ưu tiên cho ổn định vĩ mô chứ không phải ưu tiên việc đổ tiền ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Khi nhà nước giúp cho ổn định vĩ mô, lòng tin sẽ tốt và doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều, lúc đó nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao.
Nếu nhà nước không lo ổn định mà cứ lo tăng trưởng thì cũng giống như nhiều trường hợp làm đường rất nhiều nhưng mấy ngày sau có cái hố, ô tô đi gặp phải đổ nhào ngay.
Như vậy cách tư duy về mục tiêu của nền kinh tế đến mục tiêu gắn với chức năng của Nhà nước không phải hoàn toàn đồng nhất. Trong nền kinh tế nhiều bộ phận chức năng, mỗi ông làm một việc để cho nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng cao một cách hợp lý, khi đó phân bổ nguồn lực mới hợp lý được, phân bổ vai vế khi đó mới hợp lý được.
Ai đóng vai anh hề là anh hề, ai đóng vai vua là vua, ai đóng vai quan là quan, ai dân là dân chứ nếu không ai cũng thích vai vua cả thì không được.
Tôi cho điều này là không khó thực hiện, vấn đề là nhà nước làm đúng chức năng của mình trong nền kinh tế thị trường.
Nhưng cái khó là ở chỗ Nhà nước có đủ năng lực để làm việc đó tốt không? Thì đúng như vị đại diện IMF nói, khi Việt Nam vào WTO cái là mọi thứ phức tạp hơn, mình phải rèn luyện, ngày nào cũng phải tập thể dục thì mới khỏe được chứ!
Phải nâng cao năng lực thường xuyên chứ cứ nghĩ rằng như thế là ổn rồi thì sẽ rất khó. Nền kinh tế thế giới bây giờ ngày càng phức tạp, nền kinh tế mở của Việt Nam cũng ngày càng phức tạp, vì vậy năng lực quản trị của Nhà nước cũng phải được nâng lên.
Đó là vấn đề hiện nay đang đặt ra và tôi nghĩ rằng khi chúng ta xác định thay đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi vai trò của các khu vực kinh tế thì điều này cũng đã hàm ý rằng sẽ có một sự chuyển dịch cơ bản để đáp ứng câu trả lời chất lượng hay tốc độ.
Chúng ta không được phép bỏ cái nào cả, nếu bỏ tốc độ thì làm sao đuổi kịp thể giới được.
Bà KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:
Tôi muốn bổ sung thêm một điểm nhận định những điều mà ông Trần Đình Thiên vừa nêu, đó là về sự hy sinh như ông nói, đánh đổi ổn định để tăng trưởng có vẻ chỉ được áp dụng trong ngắn hạn thôi, còn về dài hạn, chính sự ổn định của nền kinh tế mới là tạo nền tảng cho tăng trưởng.
Vậy nên nếu chúng ta tập trung vào các yêu cầu và những vấn đề cơ bản để ổn định vĩ mô, cuối cùng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Những bất ổn vĩ mô về mặt lâu dài sẽ tạo ra tác dụng tiêu cực lên tăng trưởng.
Theo cách đó, nếu chúng ta xử lý một số vấn đề mang tính cơ cấu giúp mang lại chất lượng cho tăng trưởng, có thể sẽ rất khó trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, chính điều ấy mới nuôi dưỡng tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian dài hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có những hành động ngay từ bây giờ.
Có thể ngay bây giờ làm không dễ dàng nhưng đó là sự đầu tư dài hạn cho tương lai.
Nhà báo Việt Lâm: Thưa ông Trần Đình Thiên, ông nghĩ sao về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vừa được Quốc hội thông qua, liệu có gì mâu thuẫn giữa việc chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7,5 % và lạm phát dưới 7%, trong khi theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì đối với các nước khác, lạm phát 7% là một vấn đề rất lớn, ông bình luận gì?
Ông Trần Đình Thiên:
Các mục tiêu này dự kiến cho một nhiệm vụ cho nên phải căn cứ vào thực tiễn năm nay để đặt ra cho năm nay.
Tôi thấy Việt Nam muốn tăng trưởng cao không khó, Việt Nam chắc muốn tăng trưởng 10% cũng được, cho nên theo tôi hiện nay đà tăng trưởng của Việt Nam rất tốt.
Chúng ta xuống đáy vào tháng 1/2009, từ đó đến nay hết năm 2010, cứ tháng sau tăng hơn tháng trước, đà tăng rất tốt nên việc đạt được mức tăng 7,5% là không khó cho nên ta mới cần tập trung vào những việc khó. Chứ nếu cứ tập trung vào việc dễ rồi việc khó bỏ đó là nguy hiểm.
Việc khó bây giờ là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Câu chuyện là thế này, Tôi vẫn nói cái quan trọng nhất để tăng trưởng chính là lòng tin, mà lòng tin trực tiếp ngay ở chỉ số CPI.
Cho nên để làm được việc tăng trưởng tốt trong dài hạn chứ không phải chỉ một năm rồi sau đó vất vả tốn bao nhiêu tiền để chống lạm phát, mục tiêu sang năm là cố gắng kéo lạm phát xuống thấp hơn nữa.
Ở đây tôi muốn nói hai vấn đề.
Thứ nhất là Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm đến mỗi chỉ số CPI, tôi cho rằng về mặt ổn định vĩ mô cần quan tâm đến giá của các tài sản như giá chứng khoán, giá đất đai, giá vàng... những cái này là giá vốn, ta rất ít để ý nhưng thực ra nó rất bất ổn, còn đang bất ổn hơn cả CPI nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy để ổn định vĩ mô không chỉ quan tâm đến chỉ số CPI rồi kéo nó xuống mà còn phải ổn định giá của các loại tài sản.
Điểm thứ hai tôi muốn nói là nếu đặt mục tiêu kéo lạm phát xuống 5% có khó không, đương nhiên là khó nhưng phải cố để làm được việc ấy.
Câu hỏi là cơ sở nào để làm được việc ấy?
Tôi nói có hai yếu tố giúp Việt Nam mà nếu quyết tâm làm thì vẫn có thể ổn định được:
Thứ nhất là hãy bớt chi tiêu ngân sách đi! Tức là không thể duy trì mức chi tiêu ngân sách năm nào cũng 42, 43% GDP, chúng ta phải quyết tâm hạ chi tiêu ngân sách xuống.
Ngoài ra còn phải cắt giảm các hạng mục đầu tư công để quản trị hiệu quả. Làm cái này bằng cách để các chi tiêu ấy có thể kiểm soát được. Hiện nay chúng ta chi tiêu quá nhiều dự án, nên không quản trị được, vừa kém hiệu quả vừa tốn kém. Đó chính là dư địa chính sách lớn nhất để chúng ta kéo lạm phát xuống.
Cái thứ hai là chúng ta nên bớt tham vọng tăng trưởng, chúng ta nén nó lại, nén chưa chắc đã thấp nhưng chúng ta không cần cố mục tiêu tăng trưởng cao. Chúng ta phải cố ổn đinh, lúc đó tăng trưởng 5 hoặc 6% vẫn tốt. Nếu ổn định thì sang năm nó sẽ tăng trưởng tốt hơn vì lòng tin tốt.
Tức là chuyển hướng mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, lúc đó chúng ta sẽ có những thay đổi rất mạnh trong tương quan tăng trưởng nhanh và ổn định.
Giống như yêu cô nào nhưng nhìn cô ấy ít thôi, nhìn cô khác nhiều hơn thì lập tức cô ấy dễ tán hơn.
Ông Bernedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam
Tôi cũng đồng ý với nhận định của ông Trần Đình Thiên ở chỗ là nếu như chúng ta có thể chuyển đổi được ưu tiên giữa tăng trưởng và chất lượng, chúng ta tập trung vào việc điều hành thì mục tiêu tăng trưởng của chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Vấn đề không phải ở thiếu vốn, thách thức là tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định cho các nhà đầu tư..
Còn về lạm phát thì tôi đồng ý mục tiêu 7% là vẫn quá cao, Chính phủ Việt Nan cần có mục tiêu tham vọng hơn, phải gửi tới các nhà đầu tư thông điệp rằng chính phủ cam kết quyết liệt hơn trong việc giảm lạm phát xuống bằng mức trung bình với các nước trong khu vực Châu Á là 3 hoặc 4%.
Không những thế tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cần phải quyết liệt hơn nữa đối với việc chi tiêu cho các Doanh nghiệp nhà nước, cần phải gây sức ép cho họ để giảm lạm phát hơn nữa thì mới có thể tạo dựng được lòng tin trong nhà đầu tư và nhân dân.
Về thâm hụt công, một mục tiêu tham vọng hơn cũng là cần thiết. Chính phủ cũng phải gửi thêm một thông điệp nữa cho nhà đầu tư rằng Việt Nam cam kết giảm thâm hụt công, Tôi đồng ý với ông Thiên rằng kỷ luật trong chi tiêu ngân sách sẽ giúp giảm thâm hụt nhà nước một cách đáng kể.
Vơi việc tập trung nhiều hơn vào ổn định vĩ mô, tái điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng bằng con số trên giấy, tôi cho rằng chẳng có lý do gì Việt Nam không đạt được tăng trưởng như 20 năm qua.
Nhà báo Việt Lâm: Trở lại với đầu tư công, đã bao giờ Ngân hàng thế giới nói với Chính Phủ Việt Nam là chúng tôi thấy các ông chi tiêu chưa hiệu quả, có cần phải vay thêm nhiều tiền như thế từ World Bank hay không?
Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:
Chúng tôi vẫn làm việc với Chính Phủ Việt Nam về thương thảo các khoản vay, các chính sách của chúng tôi phụ thuộc vào bản thân các dự án cải cách của chính phủ. Chúng tôi luôn bàn thảo với chính phủ xem chương trình cải cách của họ như thế nào, đưa ra biện pháp nào là hợp lý. Chúng tôi cố gắng gây ảnh hưởng bằng cách đối thoại với chính phủ, tư vấn và phân tích chính sách. Đương nhiên, vấn đề hiệu quả trong đầu tư và chi tiêu công là vấn đề lớn trong các đối thoại của chúng tôi.
Trong những năm gần đây chúng tôi tiến hành nhiều hoạt động như chương trình cải cách đầu tư công, trong đó chúng tôi hỗ trợ chương trình kích thích kinh tế của chính phủ. Hoạt động này tập trung rất mạnh vào việc cải thiện tính hiệu quả của đầu tư công. Chúng tôi đã làm xong phần 1 và chuẩn bị thực hiện phần 2 cuối năm nay.
Các bạn thấy Ngân hàng thế giới đã và đang làm việc với chính phủ Việt Nam về đầu tư công và tính hiệu quả của chi tiêu công. Chúng tôi còn làm việc cả về quản lý tài chính công nữa.
Chúng tôi thảo luận với chính phủ những nguyên tắc đang được sử dụng trên phạm vi toàn cầu để đánh giá chất lượng của quản trị chi tiêu công. Chính phủ tự đánh giá phương diện quản trị tài chính công của mình trên tương quan với các nước khác. Chúng tôi còn phối hợp với chính phủ thực hiện các Đánh giá tài chính tổng quan. Ngân hàng có nhiều công cụ để thảo luận với chính phủ Việt Nam trong hai vấn đề đặc biệt quan trọng là tính hiệu quả của đầu tư và chi tiêu công.
Nhà báo Việt Lâm: Nếu Chính phủ Việt Nam đề nghị World Bank cấp khoản vay cho đường sắt cao tốc thì bà nghĩ sao?
Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:
Chúng tôi sẽ xem liệu dự án lớn này có nhận được sự đồng thuận trong xã hội hay không. Để dự án được thông qua ở cấp lãnh đạo, nó phải nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Bên cạnh sự đồng thuận đó, chúng tôi cũng sẽ tự mình chủ động đưa ra những phân tích về mặt kinh tế: xem việc đầu tư này có hiệu quả hay không, chúng ta có đủ nguồn lực để đầu tư cho dự án hết sức lớn và tốn kém này hay không
Dự án đường sắt cao tốc sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền trong khi chúng ta còn rất nhiều lĩnh vực khác phải quan tâm như giáo dục, y tế. Chúng ta phải cân nhắc xem liệu có nên đánh đổi như thế hay không.
Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là những đánh giá và phân tích kinh tế, liệu dự án này có mang lại lợi nhuận kinh tế hay không.
Hầu hết các dự án chúng tôi đang hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay như các dự án cơ sở hạ tầng, chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn ít nhất phải thu được 12% lợi nhuận. Nếu bắt tay vào dự án này, mức lợi nhuận của nó cũng phải đạt được như trên.
Và vấn đề đặt ra là nếu đem tiền đầu tư cho dự án này thì có lẽ sẽ chẳng còn nhiều tiền để đầu tư cho các dự án khác nữa, nên chúng tôi sẽ phải hết sức cân nhắc cẩn trọng xem có nên đổ hết tiền hết vào một dự án lớn như vậy hay không.
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|