Thứ Ba, 16/11/2010 08:41

Giám đốc WB cắt nghĩa "cơn say" tăng trưởng của VN

"Việt Nam quá tập trung vào con số tăng trưởng, không phải do áp lực từ phía chúng tôi mà do truyền thống từ lịch sử nền kinh tế tập trung của Việt Nam", Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định trong bàn tròn "Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam" hôm 12/11.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010, lựa chọn nào trong chính sách điều hành năm tới đã được đại diện WB, IMF và Viện Kinh tế Việt Nam mổ xẻ, phân tích trong cuộc bàn tròn với chủ đề "Điểm nghẽn nào cản trở kinh tế Việt Nam" hôm 12/11, do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet thực hiện.

Trong phần 1 đã được đăng tải hôm 15/11, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, đã "mổ xẻ" nguyên nhân dẫn tới sự mất giá của tiền đồng. Theo ông, Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra những chính sách mạnh nhằm hồi phục lại niềm tin của những người tiết kiệm tiền đồng.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu tiếp tới bạn đọc phần 2 với nội dung chính xoay quanh câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.

Nhà báo Việt Lâm: Như ông Trần Đình Thiên nói, khủng hoảng là một cơ hội nhìn rõ những căn bệnh để có thể tìm ra giải pháp để sửa chữa. Nhưng rõ ràng chúng ta thấy, năm 2008 có một cuộc khủng hoảng lớn như vậy trên thế giới và hầu hết các nước đã tận dụng rất tốt khủng hoảng để tái cấu trúc kinh tế và sửa chữa những điểm yếu căn bản của nền kinh tế.

Vậy tại sao chúng ta cũng đề cập đến nhu cầu phải tái cấu trúc nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng 2008 đó nhưng đến bây giờ 2010 chúng ta lại phải nói về câu chuyện này?

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chúng ta  phải nhìn như thế này, có một điều rất lạ là khi chúng ta gia nhập WTO, cơ hội rất nhiều, đầu tư tăng lên, kể cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, thương mại mở ra rất lớn nhưng tăng trưởng kinh tế lại giảm xuống và bất ổn lại tăng lên.

Tình hình đó có ý nghĩa rất lớn, đó là thời cơ nhiều nhưng không chuẩn bị được tốt thì không thế hấp thu được thời cơ ấy. Thậm chí thời cơ ấy có thể biến thành nguy cơ trong phát triển.

Bài học ba năm qua cho thấy rằng, đáng nhẽ phải tập trung chuẩn bị năng lực khắc phục những điểm yếu để có thể cất cánh một cách đàng hoàng thì chúng ta lại chưa làm được việc ấy.

Mấy năm vừa rồi gợi cho chúng ta một điều là phải thay đổi những điều rất cơ bản. Điều này được đại hội Đảng đặt ra rất mạnh, tức là thay đổi hẳn mô hình tăng trưởng, đây là điều chúng ta nên ghi nhận.

Như vậy, chúng ta phải cần nhiều năng lực, cần nhiều thời gian mới giải quyết được vấn đề dài hạn. Nhưng mặt khác, chúng ta thấy nền kinh tế mấy năm nay lại vướng vào câu chuyện ngắn hạn, lúc nào cũng như chuẩn bị rơi vào vòng xoáy.

Tập trung nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn để thoát ra thì năng lực, điều kiện để giải quyết những vấn đề dài hạn sẽ bị hạn chế.

Điều đó, giải thích tại sao chúng ta nhìn thấy căn bệnh rồi nhưng chữa nó lại chưa được. Đến năm nay, câu chuyện đó lại được đặt ra và đặt ra một cách quyết liệt hơn. Tôi nghĩ rằng, với tình hình như năm nay, cùng với sự kiện đại hội Đảng sắp diễn ra có thể có những đổi mới có tính triệt để cao.

Hiện nay, ta đang gặp một tình huống có lẽ là đúng như ông Bingham nói, chúng ta đang rơi vào một cái gọi là vấn đề ngắn hạn rất gay gắt. Cái bất ổn như tỷ giá, lãi suất, lạm phát đang buộc phải nỗ lực giải quyết. Chúng ta phải thoát ra khỏi điều này nhưng đồng thời phải nghĩ đến vấn đề dài hạn, nếu không nền kinh tế sẽ loanh quanh mãi.

Đây là những điểm cốt tử mà tôi cho rằng phải có những thay đổi mạnh, nhằm giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Hai bài học cho Chính phủ Việt Nam

Nhà báo Việt Lâm: Theo ông Bingham, những chính sách mới đây của Ngân hàng nhà nước Việt Nam có đủ mạnh hay không để giải quyết những vấn đề ngắn hạn?

Ông Bernedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam: Tôi nghĩ những phản ứng chính sách vừa rồi của chính phủ Việt Nam là những bước đi tốt theo hướng đúng đắn, nhưng như tôi đã đề cập trước đó, một khi ta đánh mất lòng tin thì việc lấy lại lòng tin còn khó gấp nhiều lần.

Vì thế, trong những tuần tới đây, tôi hy vọng có thể nhìn thấy những nỗ lực lớn hơn về mặt chính sách để bình ổn lại thị trường hối đoái cũng như giảm lạm phát.

Theo tôi, những năm gần đây là một quá trình học hỏi hết sức hữu ích đối với chính phủ.

Việc gia nhập WTO giống như việc được ngồi vào 1 chiếc Ferrari để lái vậy. Sẽ thật tuyệt vời bởi chiếc xe phóng rất nhanh nhưng cho tới khi chúng ta học được cách lái, sẽ có những hoảng sợ nhất định với một chiếc xe nhanh như vậy.

Về khía cạnh kinh tế vĩ mô, tôi nghĩ mấy năm vừa qua đã giúp cho chính phủ Việt Nam có được ít nhất là 2 bài học quan trọng:

Thứ nhất là trong bối cảnh kinh tế mới như hiện nay, chúng ta không thể "nhập nhằng" với vấn đề lạm phát. Những cam kết về vấn đề lạm phát không thể thay đổi liên tục, nay thế nay mai thế khác được.

Khi các nhà đầu tư và nguời dân đã nghi ngờ những cam kết đối với lạm phát của chính phủ, giữ được niềm tin của họ vào đồng nội tệ là rất khó.

Bài học thứ hai đó là sau gia nhập WTO đã mang lại cho Việt Nam cơ hội có được một dòng vốn đổ vào cực kỳ lớn, vì thế cần có một kỷ luật chặt chẽ đối với các dự án đầu tư công.

Một khi người dân đã mất niềm tin vào kỷ luật trong đầu tư nhà nước, khả năng họ sẵn sàng bỏ đồng vốn của họ vào nền kinh tế sẽ suy giảm.

Khi tôi đến đây vào năm 2007, tôi thấy quá là nhiều tiền đổ vào Việt Nam cho đủ mọi loại mục đích khác nhau. Tiền để xây dự án bất động sản, resort, sân golf, chẳng quan trọng là tiền đã được dùng vào việc gì nữa. Sự đầu tư vung tay quá trán này thể hiện rõ nhất ở khu vực nhà nước.

Lơi lỏng kỷ luật ngân sách với đầu tư công dẫn tới một loạt các vấn đề chúng ta đang nhìn thấy hiện nay, thâm hụt thương mại lớn, yếu kém trong hệ thống ngân hàng, và yếu kém của bản thân cả khu vực nhà nước nữa...

Tôi đồng tình với ông Thiên là nếu chúng ta không kiểm soát được các vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô cơ bản, thì không thể tập trung vào bất kỳ vấn đề nào khác. Người dân không quan tâm tới những kế hoạch 5-10 năm tới nếu như trong 2,3 tháng trước mắt, tình hình kinh tế tồi tệ.

Tôi đồng ý với ông Thiên rằng tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế không chỉ là con số tăng trưởng 6 hay 7% như năm nay. Điểm đáng khích lệ là một số vấn đề kinh tế vĩ mô cơ bản đã được bàn luận công khai và sôi nổi ở những diễn đàn như Quốc hội, Chính phủ và các Diễn đàn khác của nhân dân. Qua quá trình tranh luận và khám phá này, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn năm 2007.

Không phải do áp lực từ WB

Nhà báo Việt Lâm: Tôi cho rằng khi nào chúng ta chưa tìm ra được câu trả lời rõ ràng là điều gì quan trọng hơn với nền kinh tế Việt Nam, chỉ tiêu tăng trưởng hay là chất lượng tăng trưởng, rất khó để thoát ra được tình trạng hiện nay.

Vì thế, độc giả Lan Anh có một câu hỏi với Giám đốc World Bank tại Việt Nam: Thưa bà Victoria, phải chăng các nhà tài trợ có thói quen nhìn nhận thành công của nền kinh tế nhận tài trợ dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP, dẫn tới người ta quan tâm đến chỉ số GDP bằng mọi giá, từ đó tạo ra nhiều hệ lũy khác liên quan đến ổn định vĩ mô và chất lượng tăng trưởng?

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam: Cảm ơn bạn đã hỏi, nếu xét trên bình diện thế giới thì rõ ràng tăng trưởng kinh tế cao có tác dụng trong giảm nghèo. Nhiều nước trên thế giới là ví dụ cho thấy việc giảm nghèo thành công đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Nhưng vấn đề đặt ra là không phải kiểu tăng trưởng nào cũng sẽ đem tới điều chúng ta mong muốn, vì vậy, tốc độ tăng trưởng quan trọng thì chất lượng tăng trưởng cũng quan trọng chẳng kém.

Chất lượng tăng trưởng thể hiện ở nhiều mặt, thể hiện ở việc chúng ta phân bố hiệu quả các nguồn lực như vốn, lao động và các nguồn lực khác để đạt được tăng trưởng.

Chất lượng tăng trưởng cũng thể hiện ở mức độ ổn định của tăng trưởng, còn thể hiện ở mức độ lan tỏa rộng của nó, nghĩa là số đông dân số phải được hưởng lợi từ sự tăng trưởng đó.

Khi chúng ta nói về hiệu quả của sự tăng trưởng, nghĩa là hiệu quả của việc sẽ sử dụng các nguồn lực như thế nào để đạt được tăng trưởng, chúng ta quay trở lại với một vấn đề cơ bản đã bàn trước đó.

Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta thấy đầu tư xã hội khá cao, đầu tư chiếm tới 40% GDP. Điều đó có nghĩa là số tiền đầu tư bỏ ra để đạt được một đơn vị tăng trưởng không hề nhỏ. Vấn đề là Việt Nam đã đầu tư một cách chưa hiệu quả, nói cách khác có thể đầu tư vào những khu vực khác để đạt được hiệu quả cao hơn.

Quyết định đầu tư là một quá trình đồng bộ, lựa chọn dự án đầu tư nào, liệu sẽ đầu tư vào đường sắt cao tốc hay vào những chương trình khác, chuẩn bị dự án đầu tư như thế nào, phân tích vấn đề kỹ thuật và kinh tế ra sao, và cả vấn đề thực thi nữa. Tất cả quá trình đồng bộ đó mới quyết định khả năng chúng ta có đầu tư hiệu quả hay không.

Liên quan tới vấn đề này là tính hiệu quả của khu vực nhà nước, vì Việt Nam đã chọn mô hình tăng trưởng lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo và nhà nước hiện tại chiếm rất nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều bằng chứng cho thấy các nguồn lực trên đang không được nhà nước sử dụng một cách hiệu quả nhất, vì thế cải cách khu vực công để tăng hiệu quả tăng trưởng là một phần thách thức trong quá trình tiến tới tăng trưởng bền vững và hiệu quả.

Nếu nguồn lực đầu tư vào khu vực nhà nước không hiệu quả, Việt Nam không cần sử dụng nguồn lực lớn như vậy vào khu vực ấy nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhằm giảm áp lực đối với các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Khía cạnh thứ hai trong tính bền vững của sự phát triển đó là vấn đề môi trường. Nếu chúng ta phát triển theo cách phá hoại môi trường, mang đến những nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lực và sức khoẻ của người dân, tăng trưởng của chúng ta sẽ không nhanh và bền vững trong dài hạn.

Khía cạnh cuối cùng trong tăng trưởng bền vững là, phần lớn người Việt Nam phải được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này một cách thực chất. Đây là điểm rất quan trọng.

Khi nói sự tham gia của nhân dân vào tăng trưởng tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, đây là khu vực tạo ra đa số việc làm cho người Việt. Liệu những doanh nghiệp có kỹ năng này đã có đủ điều kiện để phát triển kinh doanh, tiếp tục tuyển thêm lao động và trả mức lương đủ sống cho đại đa số người Việt.

Một điểm quan trọng khác là những hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi đa số người Việt đang dựa vào để sinh sống. Nếu như nhìn qua có thể thấy Việt Nam đang rất thành công trong phát triển nông nghiệp. Các bạn là nhà xuất khẩu gạo, cà phê, chè, thủy hải sản hàng đầu thế giới...

Điều đó có nghĩa là khu vực nông nghiệp đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế, nhưng thực tế nông dân vẫn đang nghèo khổ, rõ ràng họ chưa hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng mà họ đã đóng phần lớn vào.

Như thế có nghĩa là Việt Nam phải có những chính sách giúp nông nghiệp mang lại lợi nhuận nhiều hơn, giúp nông dân tham gia vào những hoạt động cao hơn trong chuỗi giá trị. Khi họ tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho sản phẩm, khả năng cạnh tranh và hiệu suất cũng sẽ cao hơn.

Quay trở lại với câu hỏi của độc giả đã đặt ra, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng rất quan trọng nhưng chất lượng và độ bền vững của tăng trưởng còn quan trọng hơn.

Theo tôi, Việt Nam quá tập trung vào con số tăng trưởng, không phải do áp lực từ phía chúng tôi mà do truyền thống từ lịch sử nền kinh tế tập trung của Việt Nam, một nền kinh tế quá tập trung vào kế hoạch, vào mục tiêu, vào thành tích. Đó là cách tiếp cận của nền kinh tế tập trung.

Vì thế, chúng tôi muốn trong kế hoạch kinh tế 5, 10 năm tới của Việt Nam, các bạn hãy thay đổi ưu tiên, từ ưu tiên tập trung vào các con số, chỉ tiêu sang ưu tiên vào chất lượng và hiệu quả của sự phát triển.

Tôi thật sự hi vọng rằng sẽ có nhiều thảo luận hơn nữa về vấn đề này trong một vài tháng tới ở các cấp chính trị của Việt Nam

Trong 5 năm tới, tôi mong chất lượng tăng trưởng cần được tập trung hơn, không chỉ trong vấn đề kinh tế mà cả trong y tế, văn hóa, giáo dục.... Trong các lĩnh vực này, con số đã đạt được những thành tựu khả quan nhưng chất lượng rõ ràng là một điều cần phải bàn.

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Giải bài toán thu hút đầu tư (16/11/2010)

>   Thu hút vốn FDI còn xa mục tiêu (15/11/2010)

>   Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Sẽ chống tình trạng chuyển giá trên diện rộng (15/11/2010)

>   Sẽ chọn công nghệ tốt nhất để khai thác đất hiếm (15/11/2010)

>   Lại nói về lạm phát (14/11/2010)

>   Tháng 4/2011 sẽ có sản phẩm Alumin thương phẩm (14/11/2010)

>   Đại biểu chất vấn Thủ tướng về đường sắt cao tốc (14/11/2010)

>   Gỡ rối cho các nhà đầu tư nước ngoài (14/11/2010)

>   Minh bạch - vấn đề cốt lõi của nhà đầu tư (13/11/2010)

>   Quảng Ngãi: GDP bình quân 4500USD/người vào năm 2020 (13/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật