Lại nói về lạm phát
Mặc dù năm 2010 chưa kết thúc, nhưng thời điểm này đã có thể đưa ra những đánh giá chung về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam như sau:
(1) Giữ vững đà tăng trưởng theo chiều hướng đi lên; (2) Còn nặng về xu thế phát triển theo chiều rộng hơn là chiều sâu, phát triển theo mô hình bị động rượt đuổi hơn là đón đầu chớp lấy thời cơ; (3) Còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trong cân đối vĩ mô chủ yếu: Thâm hụt ngân sách/ Nhập siêu/ Khan hiếm vốn/ Lãi suất và tỷ giá thiếu ổn định kéo dài; (4) Nguy cơ lớn nhất: Nền kinh tế kém sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế; (5) Nguy cơ thường trực: Kiềm chế lạm phát không hiệu quả.
Khẩu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô thường xuyên được lặp đi lặp lại trong nhiều báo cáo và phát ngôn chính thức của Chính phủ cũng như của các bộ ngành, tuy nhiên kết quả đạt được hầu như rất khiêm tốn. Rõ nét nhất là chỉ tiêu kiềm chế lạm phát có khả năng vượt tầm kiểm soát (dự báo có thể lên đến 9% vào cuối năm so với tỷ lệ lạm phát đã điều chỉnh là 8% ). Trong tình huống này, có thể khẳng định đây là hạn chế không nhỏ trong điều hành.
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải về chỉ số lạm phát của năm 2010. Nhiều ý kiến cho rằng lạm phát cao là khó tránh khỏi do những nhược điểm cơ cấu cố hữu của một nền kinh tế đang trên đà chuyển đổi mạnh. Ý kiến khác lại cho rằng chủ yếu là do lỗi điều hành, lỗi của tư duy hệ thống còn nhiều bất cập, nổi lên là sự tương tác và phối hợp giữa chính sách tài khóa - tiền tệ còn quá nhiều khập khiễng.
Dù biện minh bằng cách nào thì cũng không thể phủ nhận thực tế lạm phát cao không chỉ là nhân tố tiềm ẩn gây bất ổn vĩ mô lớn nhất mà còn ảnh hưởng xấu đến lòng tin của đại đa số người tiêu dùng nói chung, hệ thống kinh tế - tài chính nói riêng. Tuy nhiên mọi sự phân tích, đánh giá, kể cả phê phán cho ngày hôm nay sẽ là vô nghĩa nếu không vạch ra được những giải pháp khả thi nhằm hướng đến một cục diện kinh tế vĩ mô ổn định, tốt hơn cho ngày mai và những năm tiếp theo. Để làm được điều này thiết nghĩ cần nghiên cứu triển khai một số công việc ở tầm vĩ mô, và cả ở tầm cụ thể tại từng địa phương, tỉnh, thành phố, như sau:
1. Tư duy lại về vấn đề thể chế điều hành và kiểm soát lạm phát
Theo nguyên tắc quản lý kinh tế, kiểm soát lạm phát là chức năng trụ cột của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên đó là nguyên tắc vận hành theo mô hình thể chế mà trong đó vai trò của Ngân hàng Trung ương có tính độc lập rất cao, bất chấp trực thuộc cơ quan nào (Quốc hội/ Chính phủ/ Bộ tài chính). Trong hoàn cảnh Việt Nam đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả để một mặt vừa phát huy chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt khác huy động sự vào cuộc toàn bộ hệ thống chính trị để làm tốt nhiệm vụ này. Hay nói khác đi, cần có sự mổ xẻ phân tích hệ thống tổ chức điều hành để có sự phân công phân nhiệm cụ thể, bảo đảm mọi quyết định ban hành từ cấp vĩ mô phải được chấp hành nghiêm túc, đồng bộ từ trên xuống dưới.
2. Khẩn trương xây dựng chiến lược kiểm soát lạm phát mang tầm quốc gia
Hành động này không chỉ thể hiện quyết tâm cao mà còn là bước chuẩn bị quan trọng để Chính phủ có thể chủ
động thực thi chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách tích cực, với lộ trình và giải pháp cụ thể. Qua đó, góp phần định hướng đúng đắn dư luận xã hội, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận cao với chủ trương nhất quán của Chính phủ, đồng thời công khai minh bạch đường lối điều hành để các doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng có thái độ ứng xử hợp lý.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1914/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đề án mặc dù chỉ mang tính chất khởi thảo một số nội dung chủ yếu, giao nhiệm vụ phối hợp cho các bộ ngành và địa phương, nhưng thể hiện sự đổi mới quan trọng trong cung cách điều hành, nhấn mạnh và đặt trọng tâm vào những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng quyết định đến chiến lược phát triển kinh tế. Thiết nghĩ chiến lược kiểm soát lạm phát cũng cần có những bước đi tương tự.
3. Quốc tế hóa chiến lược kiểm soát lạm phát
Thiết nghĩ chiến lược kiểm soát lạm phát cũng cần có những bước đi tương tự như đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” vừa mới được phê duyệt. |
Việt Nam đang nỗ lực hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Hầu như trên tất cả lĩnh vực đều có dấu ấn của sự mở cửa, giao lưu và hợp tác quốc tế. Tiến trình giao thoa này là cơ hội lớn để nền kinh tế lột xác, nhận diện lại, tiệm cận dần với các chuẩn mực phát triển. Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức, bộc lộ những “điểm yếu chết người”, không thể mất chủ quan cảnh giác.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy Chính phủ “đặt hàng” một công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về đề tài kiểm soát lạm phát trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa? Dường như mới chỉ có những nỗ lực nghiên cứu đơn phương, riêng lẻ, thiếu tính hệ thống của một số viện, trường, hoặc của một số cá nhân chuyên gia có tâm huyết.
Điều quan trọng hơn, trên cơ sở những nghiên cứu này, Chính phủ sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm thực tế từ các nước hoặc nhóm nước điển hình để có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại vai trò của các “tổ chức hàn lâm” trong việc tham gia tư vấn, phản biện, hoạch định chính sách vĩ mô nói chung và chiến lược kiểm soát lạm phát nói riêng.
Tâm Dân
TBKTSG
|