Thứ Sáu, 12/11/2010 18:59

Chuyển giá và những hệ lụy

Những nghi vấn liên quan đến tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được công bố với nhiều con số giật mình: 1.100 doanh nghiệp FDI tại TP.HCM báo lỗ năm 2009. Số doanh nghiệp lỗ luỹ kế vượt vốn chủ sở hữu tăng từ 141 (năm 2007) lên 232 trong năm 2009.

Trước đó, Lâm Đồng cũng đã và đang phải “nuôi” 104 trong tổng số 111 doanh nghiệp FDI lỗ liên tục, nhưng… vẫn mở rộng sản xuất, vẫn sử dụng diện tích đất lớn và hàng năm, vẫn nhận các khoản hoàn thuế giá trị gia tăng không hề nhỏ do hoạt động xuất khẩu…

Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu chè ở Lâm Đồng được nhắc tên, còn đa phần danh tính của các doanh nghiệp bị cho là “có dấu hiệu chuyển giá” vẫn được giữ kín. Khó khăn đối với các cơ quan chức năng dường như là không đủ cơ sở để khẳng định những nghi vấn của mình.

Ngay cả với trường hợp được nhắc tên thì lãnh đạo ngành thuế cũng cho biết là chưa thể xử lý được nếu như không có sự hợp tác, hỗ trợ của cơ quan thuế tại quốc gia hay vùng lãnh thổ mà công ty mẹ của tập đoàn này đóng trụ sở chính để chứng minh doanh nghiệp đã vi phạm các quy định hiện hành trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.

Tính nghiêm trọng của tình trạng này không chỉ giới hạn ở phần việc quản lý nhà nước, tình trạng thất thu cho ngân sách, mà quan trọng hơn, đó là dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật và những doanh nghiệp lợi dụng khe hở của pháp luật để trục lợi. Môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi những chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp bị những doanh nghiệp này làm sai lệch. Hơn thế, nếu để tình trạng này kéo dài, thì giới đầu tư sẽ coi thường hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Điều đáng nói là đa phần trong số các doanh nghiệp này lại là những doanh nghiệp thuộc các tập đoàn quốc tế lớn, có hệ thống quản trị hiện đại và chuyên nghiệp nhất thế giới. Họ có đủ năng lực và kinh nghiệm để nắm bắt, vận dụng được những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi trong quy định thuế để hưởng lợi có vẻ như hoàn toàn hợp pháp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì hành vi chuyển giá giữa các chủ thể có mối liên kết nhằm tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư, giảm tối đa nghĩa vụ thuế sẽ trở nên phức tạp, đa dạng và ngày càng tinh vi hơn.

Mới đây nhất, trong buổi làm việc giữa đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Bộ Tài chính, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận, rất dễ nảy sinh tiêu cực trong việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng không đồng tình với hành vi tiêu cực này.

Tuy vậy, trên thực tế, phần lớn hành vi chuyển giá thường chỉ được kiểm soát tốt ở các quốc gia, nền kinh tế phát triển, có hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, hệ thống quản lý thuế tiên tiến, có hệ thống dữ liệu giá cả thị trường tốt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thuế, hải quan của các quốc gia…

Rõ ràng, không thể kiểm soát hành vi chuyển giá chỉ thông qua sự kêu gọi các nhà đầu tư tẩy chay hoạt động này. Vấn đề chính là phải có quy định pháp lý chặt chẽ, ràng buộc các doanh nghiệp tuân thủ thông lệ quốc tế; hệ thống cơ sở dữ liệu phải chính xác, đầy đủ, có sự liên thông giữa các cơ quan thuế, hải quan Việt Nam và thế giới.

Quan trọng hơn hết, có lẽ là năng lực chuyên môn và tâm huyết của các chuyên gia ngành thuế trong “cuộc đấu trí” với các chuyên gia tài chính tại các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp quy mô lớn. Tất yếu, đi kèm với đó có lẽ là cơ chế đãi ngộ phù hợp để không có cơ hội cho những sự dung túng cá nhân. Ở đây, những biện pháp xử phạt đủ sức răn đe với cả hai phía cũng sẽ là một trong những điều kiện cần để có thể kiểm soát được hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là của khu vực doanh nghiệp FDI.

Bảo Duy

đầu tư

Các tin tức khác

>   Từ chất lượng bữa ăn đến hiệu quả điều hành Chính phủ (12/11/2010)

>   Băn khoăn vốn góp dự án PPP (12/11/2010)

>   SBV: Nguyên nhân cơ bản của lạm phát Việt Nam (12/11/2010)

>   Phương án giúp doanh nghiệp Nhật đầu tư hiệu quả (11/11/2010)

>   Doanh nghiệp tư nhân xứng đáng được quan tâm hơn (11/11/2010)

>   9 lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (11/11/2010)

>   Ổn định lạm phát và tỷ giá: Cái nhìn ngắn hạn và dài hạn (11/11/2010)

>   Ẩn số lạm phát (11/11/2010)

>   “Dự báo lạm phát của chúng ta còn nặng về cảm tính” (10/11/2010)

>   Nhật Bản sẽ tăng ODA cho Việt Nam (10/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật