Băn khoăn vốn góp dự án PPP
|
Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP sẽ tập trung vào các dự án hạ tầng. |
Phản ứng khá tích cực sau khi Chính phủ chính thức ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhưng một số doanh nghiệp còn băn khoăn về tỷ lệ góp vốn 30-70 trong một dự án PPP.
Theo quy định tại Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, thì tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Phần tham gia này của Nhà nước nhằm đảm bảo dự án đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và căn cứ tính chất của từng dự án cụ thể, vốn Nhà nước có thể được dùng để trang trải một phần chi phí của dự án, xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc các công việc khác trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, với phần đóng góp của nhà đầu tư tư nhân, Quy chế quy định rằng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án phải đảm bảo tối thiểu bằng 30% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia Dự án. Nhà đầu tư có thể huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác (không có bảo lãnh Chính phủ) tới mức tối đa bằng 70% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án.
Điều đáng nói nhất ở quy định này chính là việc sẽ không có chuyện bảo lãnh Chính phủ cho các nhà đầu tư tư nhân vay vốn. Giải thích về điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, ngay từ khi trình Dự thảo Quy chế lên Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, nguyên tắc cơ bản nhất là phần tham gia của khu vực tư nhân trong dự án PPP phải đảm bảo không dẫn đến nợ công.
“Mục tiêu chính của việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP là nhằm huy động tối đa nguồn vốn của chủ đầu tư tư nhân và nguồn vốn vay từ thị trường tài chính thương mại của nhà đầu tư, nhưng phải đảm bảo không dẫn đến nợ công. Chính phủ sẽ không vay hoặc cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đông khẳng định.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có quan điểm thống nhất với cơ quan soạn thảo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi ông Nguyễn Trọng Nguyễn, Trưởng văn phòng đại diện Airis tại Việt Nam (công ty chuyên đầu tư vào các dự án cảng hàng không có trụ sở tại Mỹ) tán đồng với các quy định trong Quy chế, thì một số doanh nghiệp khác lại khá dè dặt.
Theo ông Nguyễn, khả năng bảo lãnh của Chính phủ là có hạn và nên dành cho những việc khác nữa, vì thế mới cần đến hình thức đầu tư PPP. “Không cho bảo lãnh, sẽ loại bỏ được những nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính thực sự mà lại muốn triển khai dự án”, ông Nguyễn nói.
Trong khi đó, ông Bảo Việt Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam lại cho rằng, quy định này có thể gây khó cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, bởi không dễ để các doanh nghiệp này có thể huy động hàng trăm triệu USD một lúc cho một dự án.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, thì một số doanh nghiệp cũng bày tỏ quan điểm rằng, phần góp vốn 30% của Nhà nước trong một dự án PPP có thể chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hình thức PPP, cũng như chưa đủ để đảm bảo chia sẻ sự rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP chỉ vừa mới được ban hành. Các dự án PPP, ngay cả thí điểm, cũng chưa được triển khai. Do vậy, đúng như ông Nguyễn Đức Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nói, chưa thể sớm đánh giá tính khả thi của quy chế này.
Tất cả sẽ còn phải chờ đợi ở việc triển khai trong thực tế mới khẳng định được liệu quy định về tỷ lệ đóng góp 30-70 trong một dự án PPP có khả thi hay không. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ có thể khẳng định một điều rằng, Việt Nam đã có những thành công ban đầu khi chính thức ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.
Ông Nguyễn Đức Thắng
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Hiện mới chỉ có một dự án hạ tầng đường bộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý được lựa chọn áp dụng thí điểm hình thức PPP (là Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết). Do Dự án đang trong quá trình chuẩn bị nên chưa thể đánh giá tính khả thi của quy chế này. Tuy nhiên, đối với các dự án hạ tầng giao thông, nếu Nhà nước chỉ tham gia tối đa 30% tổng mức đầu tư dự án, trong đó đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, ưu đãi đầu tư là chưa đủ tạo sức hấp dẫn, hay nói cách khác là chưa chia sẻ đủ rủi ro cho các nhà đầu tư. Trên thực tế, nếu công trình triển khai tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, thì chi phí giải phóng mặt bằng có thể chiếm tới 40 - 50% tổng mức đầu tư Dự án.
Ông Bảo Việt Trung
Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam
Theo quan điểm của tôi, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tư nhân phải đảm bảo tối thiểu bằng 30% phần vốn của khu vực tham gia dự án là điều cần thiết để đảm bảo năng lực tài chính của nhà đầu tư. Tuy nhiên, quy định nhà đầu tư phải huy động tới 70% phần vốn của dự án theo nguyên tắc không được phát sinh nợ công (tức không được Chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình hoặc bảo lãnh khoản vay) khiến cơ hội tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước vào các dự án đường cao tốc là rất thấp. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không được sự bảo lãnh từ Chính phủ, không một nhà đầu tư tư nhân nào có thể huy động được số vốn lên tới 500 - 700 triệu USD...
Ông Nguyễn Trọng Nguyễn
Trưởng văn phòng đại diện Airis tại Việt Nam
Một dự án PPP phụ thuộc vào phương án kinh doanh là chính. Đã gọi là PPP thì Nhà nước và tư nhân phải chia sẻ rủi ro và cùng góp vốn. Tôi cho rằng, quy định góp vốn tối đa của Nhà nước 30% vốn nhà nước là hợp lý. 70% còn lại, nhà đầu tư phải sử dụng vốn tự có và đi vay. Các nhà tài trợ, ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư có cho vay hay không là còn phụ thuộc vào phương án kinh doanh của các nhà đầu tư đó. Phương án tốt họ mới cho vay. Do đó, nhà đầu tư phải đảm bảo có phương án tốt, chứ không nên mong đợi Chính phủ bảo lãnh để gánh nốt rủi ro đó cho nhà đầu tư. Trên thế giới, chưa thấy nước nào làm PPP mà Chính phủ lại gánh thêm phần bảo lãnh cho nhà đầu tư vay vốn. Nếu thế thì Chính phủ tự đi vay ODA về làm rồi trả nợ dần cũng được. |
Nguyên Đức - Anh Minh
đầu tư
|