Việt Nam: Từ con hổ châu Á đến chú mèo ngủ đông
Gia nhập WTO, VN đã tự nhận ra mình được gì và mất gì từ sân chơi ấy. Trước kia, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ là con hổ của thế giới trong 15 - 20 năm tới, tiếp đến họ lại cho Việt Nam sẽ là con hổ Châu Á và bây giờ được xem lại là con mèo ngủ đông!
LTS: Ngày 07/11/2010 tại Hà Nội diễn ra buổi Hội thảo về Hội nhập WTO với chủ đề: "4 năm gia nhập WTO, Sự hội nhập của DN Việt Nam" với sự tham gia của hai diễn giả là Ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam - WTO, Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế cao cấp. Tuần Việt Nam tổng lược nội dung cuộc trao đổi giữa các DN với hai chuyên gia trong hội thảo.
Thua trên sân nhà
Ông Lương Văn Tự: Sau 4 năm chúng ta gia nhập WTO, môi trường kinh doanh đã thay đổi từ đóng, mở ở mức độ thấp sang môi trường mở ở mức độ cao hơn, hội nhập sâu hơn. Môi trường pháp lý tốt hơn, xóa đi được quan niệm cũ "tân quan, tân chính sách", tạo ra được DN giỏi.
Chính hội nhập mà tư duy của các DN có nhiều thay đổi, từ thụ động sang chủ động hơn, lấy hiệu quả kinh tế làm trọng tâm. Nhiều DN chuyển từ đơn ngành sang đa ngành; từ làm ăn gia đình sang đa sở hữu cổ phần, đại chúng; từ chụp giật sang lâu dài và bền vững hơn.
Những điều này thể hiện qua số lượng DN và chất lượng sản phẩm. Từ 100 ngàn DN năm 2006 lên khoảng 500 ngàn DN năm 2009. Nhiều lĩnh vực có sự tham gia của các DN nước ngoài, một phần tạo nên nhiều nhà quản lý trẻ giỏi, năng động.
Bốn năm trước, Việt Nam chính thức là thành viên WTO.
Tuy nhiên, sau 4 năm gia nhập WTO, nhiều DN của chúng ta vẫn thiếu nghiên cứu một cách khoa học về thị trường và phân khúc của nó. Nhiều DN làm ăn theo kiểu phong trào, bầy đàn, chụp giật; văn hóa kinh doanh chưa cao; thiếu doanh nhân, cán bộ quản lý có trình độ cao; công nghiệp phụ trợ chậm phát triển vì thiếu nguồn lực đầu tư... đặc biệt là vai trò của thể chế chậm cải tiến cho phù hợp với luật chơi chung của toàn cầu.
Bà Phạm Chi Lan: Sau khi gia nhập WTO, VN đã tham gia những quy định chung và tự nhận ra mình được gì và mất gì từ sân chơi ấy. Trước kia, nhiều nhà khoa học của các nước cho rằng Việt Nam sẽ là con hổ của thế giới trong 15 - 20 năm tới, tiếp đến họ lại cho Việt Nam sẽ là con hổ Châu Á và bây giờ Việt Nam được xem lại là con mèo ngủ đông!
Khi đã tham gia WTO, nhiều người đã nói rằng hàng hóa đến đâu thì biên giới quốc gia đến đó và rõ ràng Việt Nam đang thua hàng hóa trên sân nhà, trước nguy cơ cạnh tranh thị trường, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Ví dụ, trong một số liệu điều tra tại Trà Vinh, 95% hàng hóa tiêu thụ là hàng Trung Quốc. Nếu chúng ta hội nhập sâu hơn nữa thì không biết hàng hóa Việt Nam sẽ đi đâu về đâu? Đây là một thách thức lớn cho đường lối phát triển hiện nay và sắp tới.
Nếu chúng ta không có những chính sách tốt thì trong thập kỷ tới, nền kinh tế, các ngành và DN Việt Nam khó mà cạnh tranh với các đối thủ "nặng ký" hơn. Đặc biệt, vai trò quản lý rủi ro, nhất là đối với các DNNN cần phải được coi trọng, để "nút thắt" thể chế không kìm hãm tăng trưởng.
Sau khi vào WTO, chúng ta đi theo một mô hình tăng trưởng sai lệch, quá chú trọng đến tăng trưởng theo tốc độ và số lượng, để rồi sung sướng khi mình luôn đứng thứ hai ở châu Á về mức độ tăng trưởng, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế là 1% tăng trưởng của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều với 1% tăng trưởng của các nước.
Chưa theo được luật chơi
Nhiều người kì vọng, WTO cùng với hội nhập nói chung sẽ là động lực để tạo nên những thay đổi về luật chơi và cách chơi, nhất là về thể chế, chính sách trong nước. Sau 4 năm, việc này đã giúp gì trong việc xây dựng cách chơi của VN theo luật chơi thế giới?
Ông Lương Văn Tự: Hiệu quả hội nhập phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bản thân chính sách Nhà nước và năng lực của DN là hai yếu tố quan trọng. Các nước họ trở thành những con hổ, con rồng là do chính sách kinh tế vĩ mô và năng lực sản xuất kinh doanh của các DN. Thiếu cả hai điều này nên Việt Nam chưa theo được luật chơi của thế giới.
Bà Phạm Chi Lan: Những cải cách trước đây từ khi ta gia nhập WTO là vẫn chưa đủ để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Thể chế đang là nút thắt của sự tăng trưởng, nút thắt của sự hội nhập sân chơi toàn cầu. Chính vì vậy, chúng ta cần có chiến lược cải cách mới, triệt để và thực hiện nghiêm túc hơn.
Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta xây dựng hệ thống thể chế hiện đại, năng lực thể chế cao (luật pháp, chính sách, bộ máy, con người) mới tận dụng được lợi ích, vượt qua khó khăn. Không có năng lực thể chế sẽ không có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường quản lý rủi ro, đề cao vai trò của các DN và xã hội. Nhà nước phải biết lợi thế so sánh của nền kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp trong từng giai đoạn, trong đó hai điều kiện tiên quyết phải là hệ thống thị trường cạnh tranh và một nhà nước tạo thuận lợi cho phát triển.
Việt Nam sẽ không dễ thay đổi vị trí trong khu vực nếu cứ tình trạnh chính sách tài chính và chính sách kinh tế có sự cách xa nhau như hiện nay. Cần cải thiện quản trị nhà nước để phát triển các khu kinh tế tự do, cải cách các tập đoàn kinh tế lớn, cải thiện cơ chế đối thoại nhằm tạo đồng thuận.
Thế giới dựa luật, Việt Nam vẫn dựa quan hệ
- Bà Virginia Foote, người gắn bó với quá trình hội nhập kinh tế VN từng chua chát nói: Việt Nam cứ chơi theo luật chơi riêng, thì chỉ có DN Việt Nam tự chơi với nhau thôi. Vậy điều gì cản trở Việt Nam mãi không chơi luật chơi chung của thế giới? Những gì cần điều chỉnh?
Ông Lương Văn Tự: Các DN thế giới sử dụng pháp luật để hợp tác kinh doanh trong khi DN Việt Nam nặng về quan hệ để làm ăn. Điều này có thể dễ trong việc làm ăn, nhưng rõ ràng để chơi được với thế giới là điều không dễ.
Ngoài ra, tính minh bạch và đầu tư cho bộ phận pháp chế để tuân thủ luật lệ thế giới cũng là điều còn rất hạn chế ở những DN Việt. Vì vậy mà các DN Việt Nam tự chơi với nhau cũng là điều dễ hiểu.
Để có thể tiến xa hơn các DN chúng ta nên khắc phục điểm bất lợi này. Đồng thời, chúng ta là nước đang còn nghèo nhưng lại được hưởng những ưu ái của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong khi các nước nghèo phải làm cả thứ bảy và chủ nhật thì ta chiều thứ sáu đã nghỉ rồi thì làm sao mà giàu được.
Chúng ta phải tham gia vào cuộc chơi toàn cầu và bắt buộc phải nâng tầm mình lên, DN càng khỏe, càng mạnh thì hội nhập càng tốt.
Ngoài ra, bản thân DN cũng phải thay đổi tư duy là đừng trông chờ vào Chính phủ.
Bà Phạm Chi Lan: DN Việt Nam vẫn xem nó là cuộc đánh quả, vẫn tư duy theo kiểu chộp giật, lo cái lợi trước mắt, thiếu tầm nhìn. Bản thân chính sách vẫn còn thay đổi xoành xoạch, thiếu tính tiên lượng. Năng lực cạnh tranh của các DN thấp, tinh liên kết nội bộ các DN trong nước khi ra sân chơi toàn cầu rất ít, vì vậy mà không tạo được sức mạnh cạnh tranh DN với thế giới, vẫn theo kiểu mạnh ai người ấy làm.
Cũng như nói ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng các DN Việt như vậy là do vấn đề chính sách, thể chế, sự hạn chế trong năng lực đại diện cho các DN của các hiệp hội trong việc đối thoại, vận động chính sách, hỗ trợ và liên kết DN, xúc tiến thương mại và đầu tư...
Chính vì vậy, bản thân từng DN phải tự rà soát lại mình, điều chỉnh chiến lược, cách tổ chức kinh doanh, thực hiện những việc cần làm ngay. Coi trọng hơn thị trường trong nước, chuyển mạnh sang chiến lược kinh doanh hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, phát triển các cụm liên kết.
Ưu ái cũng là gây hại
- Sau 4 năm gia nhập WTO thế nhưng nhiều nước vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và họ viện dẫn bằng chứng rõ nhất là cách chúng ta phân bổ nguồn lực, với những ưu ái dành cho DNNN. Góc nhìn của ông/ bà như thế nào về điều này?
Ông Lương Văn Tự: Kinh tế thị trường cũng như một thứ game mang màu sắc chính trị. Tiêu chuẩn kinh tế thị trường của Mỹ có một số tiêu chí như đồng tiền chuyển đổi, lao động tự nguyện, lương theo thỏa thuận... những vấn đề nhạy cảm mà Hoa Kỳ quan tâm.
Còn về việc phân bố nguồn lực, tôi nghĩ, nhà nước nên phân bố nguồn lực dựa vào luật đấu thầu, trên các tiêu chí cụ thể.
Bà Phạm Chi Lan: WTO không đưa ra các tiêu chuẩn để nói thế nào là một nước có nền kinh tế thị trường, tuy nhiên cần chú ý các tiêu chí về kinh tế thị trường của các nước hoặc nhóm nước đưa ra và quan trọng nhất là tiêu chí kinh tế thị trường của Mỹ, EU. Nhiều nước nói chúng ta chưa có nền kinh tế thị trường có liên quan đến bảo hộ cho DNNN với việc bán phá giá liên quan đến trợ cấp của Chính phủ.
Thế giới không quan tâm chúng ta có bao nhiêu DNNN, việc này là do chúng ta, tuy nhiên việc đối xử với nó như thế nào trong cuộc chơi toàn cầu lại là chuyện khác.
Nhiều lúc, ở Việt Nam bài toán phân bổ nguồn lực đã không tạo ra được những ưu ái cho số đông DN, thậm chí đã làm méo mó môi trường cạnh tranh. Việc phân bổ nguồn lực không bình đẳng đã làm hại cho cả hai phía.
Đối với bên kinh tế tư nhân bị phân biệt đối xử, thiệt thòi là dễ hiểu rồi, vì đất đai và các nguồn lực ngon lành đều nằm trong tay DNNN. Còn đối với bên DNNN được ưu ái đôi khi lại thành bị hại, như Vinashin là ví dụ sinh động cho vấn đề vay vốn và tiếp cận các nguồn lực một cách dễ dàng và thoải mái.
Đôi khi nhiều nguồn lực quá đối với DNNN lại là tai hại đang rình rập mà họ không hề biết, bởi vì họ đã mất đi khả năng cạnh tranh vốn là sự sống còn của bản thân mỗi DN muốn phát triển.
Đã đến lúc chúng ta phải cắt bỏ điều này đi, hãy để cho nó tự lập mới đủ sức đề kháng trong xu thế hội nhập khốc liệt.
Trần Đông
Tuần Việt Nam
|