Thứ Tư, 10/11/2010 06:30

Môi trường kinh doanh 2011: Tăng 10 bậc chưa đủ !

* Việt Nam: Top 10 nước cải cách kinh doanh mạnh nhất thế giới

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2011 do WB và IFC thực hiện, VN đã tăng 10 bậc so với các quốc gia khác, từ thứ hạng 88/163 lên thứ hạng 78/163, vượt qua Trung Quốc để xếp thứ 11 trong khu vực. Tuy nhiên, ở vị trí 78, VN vẫn phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi rõ hơn về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: “Lợi ích của việc cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách thể chế nói chung rất rõ ràng, cụ thể. Với việc đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính, Đề án 30 mang lại khoản tiết kiệm gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,4 tỷ USD cho người dân và DN để tái đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội”.

- Từ báo cáo môi trường kinh doanh cho thấy kết quả của Đề án cải cách thủ tục hành chính (Đề án 30) đã tạo được ấn tượng tốt đẹp không chỉ với các DN và người dân trong nước. Tuy nhiên, ông có thể lý giải vì sao DN chưa thật sự hài lòng ?

Thông qua Đề án 30, VN đã đạt được nhiều kết quả trong việc cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách thể chế nói chung. Tôi xin nêu một số khu vực có kết quả rất tốt của Đề án 30 mà chúng tôi thực hiện trong thời gian qua.

Trước hết đó là cải cách trong lĩnh vực thuế, các thủ tục về hóa đơn đã được cải cách theo hướng cho phép DN được tự in hóa đơn thay vì đăng ký. DN chỉ phải thông báo với Bộ Tài chính khi phát hành và sử dụng mẫu hóa đơn tự in, giúp tiết kiệm lớn về thời gian và chi phí. Cải cách này giúp tiết kiệm gần 400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để thực thi phương án đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính nói trên, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung 1.017 văn bản của nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy, nhiều nội dung đơn giản hóa chưa thể đi ngay vào cuộc sống, mặc dù đã được thông qua tại các nghị quyết của Chính phủ.

Tôi đề nghị cộng đồng DN tiếp tục cùng chúng tôi giám sát việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính để đảm bảo các nội dung đơn hóa được thực thi triệt để, mang lại lợi ích tối đa cho người dân và DN.

Đến trước 2015 sẽ có 80% người dân và DN sẽ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng; 9% cục hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; 3% đấu thầu mua bán hàng hóa, xây lắp, dịch vụ, tư vấn qua mạng; 100% hộ chiếu được cấp qua mạng.

Chúng tôi thấy rằng, VN có nhiều tiến bộ, nhưng trong lĩnh vực kinh doanh, thủ tục cho DN thực tế vẫn còn nhiều bức xúc. Chính vì vậy, nên ngoài việc cải cách thủ tục rồi, đội ngũ cán bộ chúng tôi có vai trò rất quan trọng đối với DN, làm sao để chống nhũng nhiễu, tiêu cực. Phải công khai, minh bạch, để đạt kết quả tốt.

- Tuy nhiên, yêu cầu phải giảm thiểu hơn 200 thủ tục hành chính, đến 14/10 các bộ phận đã hoàn thiện việc bãi bỏ, thay đổi các văn bản liên quan thực sự là khó khăn không dễ vượt qua. Ông có thể cho biết đến giờ, công việc này đã hoàn tất chưa ?

Theo Nghị quyết 25 của Chính phủ, đến tháng 10, chúng ta phải đơn giản hóa 200 thủ tục, đến nay chúng tôi mới làm được khoảng ¼. Nguyên nhân chính là một số bộ ngành của chúng ta chưa có phối hợp chặt chẽ trong việc thay đổi các văn bản pháp luật, đặc biệt là các nghị định để thực hiện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn, để nghị quyết được thực thi đầy đủ. Chúng tôi đã cố gắng để đến tháng 11/2010 này 200 thủ tục ưu tiên này được thực thi. Còn lại trên 5.000 thủ tục, chúng tôi đã trình 24 nghị quyết Chính phủ, sắp tới sẽ ban hành 24 nghị quyết này, và chúng ta sẽ tổ chức thực thi trong năm 2011. Trên cơ sở này, chúng ta sửa các pháp lệnh, các nghị định, thông tư.

Như vậy, toàn bộ Đề án 30 sẽ sớm thực thi trong năm 2011 với trên 5.000 thủ tục được vận hành.

- Vậy còn kế hoạch thành lập các bộ phận cải cách hành chính sau Đề án 30 khi kết thúc vào ngày 31/12/2010 sẽ có khó khăn gì, thưa ông ?

Sau khi Đề án 30 kết thúc, Chính phủ đã có Nghị định 63, kiểm soát thủ tục hành chính trong thời gian tới như thế nào. Trước hết chúng tôi thành lập hệ thống cải cách thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương và mỗi một thủ tục phát sinh sẽ được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và Nghị định 63 này sẽ có bộ máy để tiếp nhận ý kiến của người dân, DN. Chúng tôi cũng tiếp tục cập nhật trang web của www.thutuchanhchinh.com.vn để mọi người dân, DN có thể theo dõi và đóng góp ý kiến.

Về ứng dụng công nghệ thông tin được ưu tiên trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính ưu tiên 2011-2015, cụ thể, các chỉ tiêu này được đưa ra như sau: Đến trước 2015 có đến 80% người dân và DN sẽ nộp hồ sơ khai thuế qua mạng; 9% cục hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; 3% đấu thầu mua bán hàng hóa, xây lắp, dịch vụ, tư vấn qua mạng; 100% hộ chiếu được cấp qua mạng. Như vậy, yêu cầu ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính là cần thiết.

- Ông đánh giá rất cao vai trò của DN trong việc thực hiện Đề án 30 nhưng đó đây DN vẫn nói rằng việc đóng góp ý kiến, việc lấy ý kiến thì nhanh, nhưng tiếp thu thì chậm ?

Thực ra vấn đề thể chế là vấn đề rất quan trọng, chúng ta phải nhằm hai mục tiêu. Một là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và DN, nhưng mục tiêu thứ hai là không được buông lỏng công tác quản lý nhà nước, tạo sơ hở có khoảng trống mà Nhà nước không quản lý được. Cho nên việc tiếp thu phải được cân nhắc trên hai phương diện đó. Bất cứ một nước nào, một chính quyền nào người ta cũng đặt hai mục tiêu này. Vì thế lắng nghe là cần thiết, nhưng không phải mọi việc đều tiếp thu.

- Xin cảm ơn ông.

Kết quả của Báo cáo của WorldBank và IFC được thực hiện dựa vào những cải cách về mặt thể chế mà các quốc gia đã thực hiện trong năm qua. Các chỉ số của báo cáo môi trường kinh doanh tập trung vào các quy định liên quan đến vòng đời của một DNNVV; Sử dụng tình huống điển hình được chuẩn hóa; Được tính toán cho thành phố đông dân nhất của từng quốc gia và tập trung vào khu vực chính thức.

Theo báo cáo này, VN là một trong 10 nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh trong năm 2009/2010. Tính chung trong 5 năm qua, VN xếp thứ hai, sau Trung Quốc, về cải cách quy định kinh doanh trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.

Một số chỉ tiêu được đánh giá cao như: Cấp phép thành lập DN; Cấp phép xây dựng, đặc biệt là cải cách thủ tục vay vốn tín dụng – VN đang dẫn đầu thế giới. VN tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin tín dụng bằng cách cho phép người đi vay được kiểm tra báo cáo tín dụng và chỉnh sửa những thông tin chưa chính xác. Hiện nay, VN đang xếp thứ 4 ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và thứ 15 trên thế giới về mức độ thuận lợi trong vay vốn tín dụng.

Doãn Hiền ghi

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại tình trạng thiếu điện của Việt Nam (09/11/2010)

>   Tập trung bình ổn giá cả, thị trường 2 tháng cuối năm (09/11/2010)

>   OECD: Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế (09/11/2010)

>   Việt Nam nhận điểm kém về mức độ bảo vệ nhà đầu tư (09/11/2010)

>   1,4 tỷ USD tiết kiệm từ cải cách hành chính: Khó và dễ (09/11/2010)

>   Vì sao Quốc hội “chốt” CPI năm 2011 dưới 7%? (09/11/2010)

>   Chỉ tiêu kinh tế 2011: Khác biệt và đồng thuận (09/11/2010)

>   CPI cuối năm tăng ở mức nào? (09/11/2010)

>   Nhiều doanh nghiệp FDI chuyển sang nhập khẩu (09/11/2010)

>   Đàm phán với ADB về vốn vay dự án tàu điện ngầm (08/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật