Thứ Tư, 10/11/2010 19:03

“Dự báo lạm phát của chúng ta còn nặng về cảm tính”

Mục tiêu giữ lạm phát ở một con số được nhìn nhận là khó thực hiện. Câu chuyện lạm phát năm nay tạo nhiều dư luận về công tác dự báo và kiểm soát lạm phát.

"Dự báo lạm phát của chúng ta còn nặng về cảm tính. Tính chính xác của dự báo, kể cả dự báo ngắn hạn bị hạn chế nhiều, vì chưa được xây dựng dựa trên những căn cứ chắc chắn và khoa học", TS. Vũ Đình Ánh, một chuyên gia kinh tế, nói.

Chỉ số tăng giá (CPI) năm nay khó giữ ở mức một con số, khi hai tháng cuối năm là thời điểm tăng giá hàng hóa dịch vụ, ông có bình luận gì?

Đến hết tháng 10/2010, CPI đã tăng 7,6% so với cuối năm 2009, tăng 9,7% so cùng kỳ và bình quân 10 tháng cũng đã tăng 8,75%. Rõ ràng, việc kiềm chế CPI cả năm 2010 ở mức một con số đang trở thành gánh nặng quá lớn cho hai tháng còn lại của năm.

Nếu chúng ta có những biện pháp mạnh đối phó với lạm phát thì CPI cả năm vẫn có thể giữ ở một con số, theo đó CPI hai tháng cuối năm tăng khoảng 2%. Ngược lại, CPI hai tháng cuối năm có thể tăng tới 4% và cả năm sẽ tới khoảng 11-12%.

Câu chuyện CPI năm nay lại cho thấy khả năng dự báo và kiểm soát lạm phát của chúng ta kém?

Dự báo lạm phát của chúng ta còn nặng về cảm tính. Tính chính xác của dự báo, kể cả dự báo ngắn hạn bị hạn chế nhiều, vì chưa được xây dựng dựa trên những căn cứ chắc chắn và khoa học.

Hơn nữa, con số dự báo lại mang tính chất con số kế hoạch hay mục tiêu song lại thiếu những công cụ đi kèm để thực hiện kế hoạch hay mục tiêu đó. Chúng ta vẫn chưa có hệ thống các công cụ kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thị trường có độ mở lớn như Việt Nam hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nâng các loại lãi suất chủ chốt, đây được kỳ vọng là một giải pháp tích cực để giảm nhiệt lạm phát, ý kiến của ông là gì?

Chính sách tiền tệ là một công cụ thường được sử dụng để kiểm soát lạm phát. Việc nâng lãi suất là để hạn chế tín dụng thông qua đó để hạn chế lạm phát. Biện pháp này cũng đã được sử dụng để kiềm chế lạm phát trong năm 2008 khi lạm phát ở mức cao. Tuy nhiên, cách thức sử dụng công cụ này còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát trong từng giai đoạn khác nhau và cần áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác mới có tác dụng.

Chỉ số giá tăng cao có một phần nguyên nhân từ yếu tố tâm lý và niềm tin vào tiền đồng?

Yếu tố tâm lý luôn luôn là vấn đề của kinh tế tài chính - tiền tệ Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý chỉ phát huy tác động mạnh trong môi trường thông tin thiếu công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, hiệu ứng thực tế của các quyết sách của Chính phủ là cơ sở để hạn chế tác động tâm lý trong nền kinh tế thị trường.

Niềm tin vận động theo cơ chế tích lũy lâu dài, nhưng mất niềm tin lại theo cơ chế sụt giảm ngay lập tức.

Biện pháp được nhắc nhiều đến kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm là bình ổn giá, đây có phải là giải pháp hiệu quả?

Bản chất của bình ổn giá là chính sách vi mô chứ không phải vĩ mô, mặc dù công cụ bình ổn giá có thể là cả vi mô và vĩ mô, hơn nữa, bình ổn giá có tác động tốt đến kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào bình ổn giá để kiềm chế lạm phát, chắc chắn không có hiệu quả, vì sự can thiệp mang tính hành chính vào thị trường trong khi nguồn lực can thiệp hạn chế sẽ không cho ra những kết quả mong đợi, thậm chí vừa làm méo mó thị trường, vừa làm lãng phí nguồn lực.

Hơn nữa, hiệu quả của các công cụ bình ổn giá còn bị hạn chế bởi chúng ta đang tiếp cận nó như một phạm trù kinh tế vĩ mô, trong khi hiệu quả bình ổn giá lại được quyết định bằng các công cụ vi mô.

Đã nhiều biện pháp và công cụ đựơc áp dụng, nhưng CPI vẫn “gan lì” ở mức cao. Một chiến lược dài hạn đáng ra cần được thực thi từ những năm trước là gì, theo ông?

Về dài hạn, kiểm soát lạm phát gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, theo đó cần điều chỉnh tất cả các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ.

Giả định các chính sách kinh tế vĩ mô khác không thay đổi thì để góp phần kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa cần được hoạch định theo hướng giảm tỷ lệ thu - chi ngân sách Nhà nước, giảm thâm hụt và tiến tới cân bằng, thậm chí ngân sách Nhà nước sẽ thặng dư nếu thu ngân sách đạt kết quả tốt hơn dự toán.

Lạm phát là vấn đề của kinh tế vĩ mô, nên vai trò quan trọng hàng đầu trong kiểm soát lạm phát là các chính sách tài khóa và tiền tệ, có thể là cả chính sách đầu tư và thương mại nữa, trong điều kiện riêng có của Việt Nam.

Lê Hường

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Nhật Bản sẽ tăng ODA cho Việt Nam (10/11/2010)

>   Ông Vũ Viết Ngoạn: 'Chấp nhận tăng trưởng vừa phải để ổn định vĩ mô' (10/11/2010)

>   Việt Nam: Từ con hổ châu Á đến chú mèo ngủ đông (10/11/2010)

>   Sắp có tiêu chuẩn để chọn lãnh đạo tập đoàn Nhà nước (10/11/2010)

>   Môi trường kinh doanh 2011: Tăng 10 bậc chưa đủ ! (10/11/2010)

>   Doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại tình trạng thiếu điện của Việt Nam (09/11/2010)

>   Tập trung bình ổn giá cả, thị trường 2 tháng cuối năm (09/11/2010)

>   OECD: Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế (09/11/2010)

>   Việt Nam nhận điểm kém về mức độ bảo vệ nhà đầu tư (09/11/2010)

>   1,4 tỷ USD tiết kiệm từ cải cách hành chính: Khó và dễ (09/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật