Cần tránh cú “sốc” CPI
Chỉ số CPI trong 10 tháng đầu năm 2010 có động thái đầy kịch tính, nóng và lạnh đột ngột, vừa nằm trong dự liệu đã được cảnh báo, vừa gây sửng sốt cho khá nhiều người... Thông điệp nào ẩn giấu đằng sau đó là gì và có những gì là bình thường và không bình thường ở đây !?
|
Cần tránh những biến động giá đột ngột ảnh hưởng tới tâm lý của người dân và DN |
Điều bình thường dễ nhận thấy là : Xu hướng tăng, giảm CPI về cơ bản tương đồng với những năm trước theo đồ thị hình sin. Cụ thể, CPI tăng vào những tháng sau Tết Nguyên đán, rồi giảm dần từ đầu quý II và lại tiếp tục tăng trở lại vào cuối quý III, đầu quý IV... Thứ hai, tốc độ tăng giảm mạnh CPI thường diễn ra không đều giữa các địa phương và thường đạt đỉnh cao ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Thứ ba, các nguyên nhân gây tăng giảm CPI về cơ bản vẫn tập trung vào những nhân tố quen thuộc.
Những điểm bất thường
Điểm bất thường nổi bật của động thái CPI những tháng qua là sự trồi sụt mạnh và đột ngột của chỉ số CPI tại mỗi bước ngoặt bản lề giảm hoặc tăng giữa các “pha trong chu kỳ” CPI. Khi CPI đột ngột giảm trong đầu quý II/2010 gây khó hiểu cho người tiêu dùng, thì việc CPI đột ngột tăng trong tháng cuối quý III/2010 cũng khiến mọi người ngơ ngác không kém vì không dễ giải thích. Trên thực tế, sau 5 tháng liên tiếp chỉ dao động với biên độ tăng dưới 0,3%, CPI tháng 9 tăng tới 1,31% so với tháng 8; So với tháng 12/2009, CPI tháng 9 tăng 6,46%, chỉ để lại một khoảng hẹp cho 3 tháng còn lại để phấn đấu đưa chỉ số giá về mục tiêu dưới 8% của năm nay. Mức tăng đột biến tới 1,31% của chỉ số CPI tháng 9/2010 là ví dụ điển hình về “sốc” tăng CPI, tương tự như việc chỉ số CPI đột ngột sụt mạnh so với tháng trước và kéo dài tới 5 tháng liền. Cụ thể, so với tháng trước, CPI tháng 4/2010 bỗng nhiên chỉ tăng 0,14% (tức đột ngột giảm gần 5 lần so với mức tăng 0,75% của tháng 3/2010, và càng giảm mạnh hơn so với mức 1,96% của tháng 2/2010 và mức 1,36% của tháng 1/2010), tháng 5/2010 chỉ tăng 0,27%, tháng 6/2010 tăng 0,22%, và tháng 7/2010 tăng nhẹ ở mức 0,06%. Nếu theo lôgic đó, có thể những tháng tới sẽ là chuỗi tháng gia tăng liên tục với tốc độ cao CPI chăng ?
Hơn nữa, cần kể đến một số xu hướng “lội ngược dòng” với giá thế giới của giá cả một số mặt hàng có tính đặc thù cao trên thị trường, như giá sữa, giá xăng, dầu, giá ngoại hối... Đặc biệt, giá cả các mặt hàng nhà nước quản lý lại thường lên không đều và đồ thị lên, xuống theo hình bậc thang, giật từng nấc, nhất là xăng dầu, điện. Việc tăng giá sữa ở nhiều chủng loại mặt hàng thời gian gần đây, trong khi tồn kho của nhóm sản phẩm này tại thời điểm 1/8 so với cùng kỳ năm trước ở mức khá cao và giá sữa thế giới giảm trong tháng 8, cho thấy có hiện tượng tăng giá tâm lý và “tát nước theo mưa”.
Ngoài ra, những số liệu Tổng cục Thống kê công bố gần đây còn cho thấy một điều bất thường khác là chỉ số giá bán của người sản xuất tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, với mức chênh lệch giữa hai chỉ số này hơn 4%.
Cả về lý thuyết và thực tế đều cho thấy, giá sản xuất tăng thì kéo theo tăng giá tiêu dùng. Với chỉ số giá người sản xuất tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng thì có thể là chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng vào chu kỳ sau. Nói cách khác, khi giá tăng chủ yếu do tăng giá từ người bán (trên thực tế, có tới 300 mặt hàng trong siêu thị đồng loạt tăng giá trong tháng 8-9/2010 - tức bằng khoảng ½ con số mặt hàng chọn mẫu tính CPI của ngành thống kê nếu không xét về chủng loại), chứ chưa hẳn từ việc tăng cầu và tăng khả năng thanh toán của người tiêu dùng, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc sức ép tăng giá còn tiềm tàng nếu có sự gia tăng tổng cầu và mất cân đối cung-cầu vào những tháng tới.
Những việc cần làm
Hi vọng các yếu tố tăng giá mang tính đột biến cục bộ gây ra việc tăng CPI trong tháng 9 và tháng 10/2010 như nói trên sẽ được loại trừ trong các tháng tới. Tuy nhiên, vẫn có những hi vọng bình ổn và giảm giá trong thời gian tới gắn với thời điểm thu hoạch lúa gạo ở miền Bắc và khả năng giá xăng dầu từ nay đến cuối năm không tăng... Điều gần như chắc chắn là không có nguy cơ lạm phát cao trên 2 con số.
Chính phủ hiện đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp lớn để khôi phục phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao. Theo đó, các bộ và địa phương hữu quan phải chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trọng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép. Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin về các chủ trương, biện pháp điều hành giá cả của Chính phủ trong năm 2010. Ngân hàng nhà nước chủ động điều hành tốt các công cụ của chính sách tiền tệ bảo đảm kiềm chế không để lạm phát cao và đáp ứng yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng.
Thực tế cho thấy, một mặt, VN cần chú ý hơn đến đảm bảo yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường đầy đủ có sự kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Hơn nữa, chúng ta cần cân nhắc hợp lý hơn thời điểm và mức tăng giá các mặt hàng điện, than...; tăng cường hoạt động kiểm toán, giảm sát, kiểm soát và xử lý độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các DN và các bên có liên quan, cần quan tâm hơn đến sự đủ đầy của các kho dự trữ quốc gia phòng khi “trái nắng, trở giời”. Đặc biệt, cần chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý nhà nước, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính - tiền tệ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn, nhất là nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ. Trong bất luận trường hợp nào cũng không dùng biện pháp phát hành - lạm phát để bù đắp thiếu hụt NSNN...
Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước. Tăng cường công tác thông tin, dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là mặt trái của những chính sách đang và sẽ triển khai. Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Còn việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và chính xác hơn. Phối hợp các hoạt động và cơ quan dự báo với giám sát, tổng thể toàn thị trường để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ...
TS Nguyễn Minh Phong
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|