Thứ Hai, 15/11/2010 11:05

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Sẽ chống tình trạng chuyển giá trên diện rộng

Ông Vũ Văn Ninh.

Trước tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) diễn ra khá phổ biến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, đã chỉ đạo ngành thuế và hải quan phải quyết liệt hơn trong “cuộc chiến” chống chuyển giá.

Thưa Bộ trưởng, hiện tượng chuyển giá của DN FDI có thể nói đã diễn ra khá phổ biến, Bộ Tài chính đã làm gì để hạn chế tình trạng này?

Trước hết, cần khẳng định, hiện tượng chuyển giá không phải chỉ có ở Việt Nam, mà trên thế giới, nước nào cũng có chuyện các tập đoàn xuyên quốc gia tìm cách chuyển giá để tối đa hoá lợi nhuận. Việc phát hiện ra DN có chuyển giá hay không rất khó khăn, vì vậy, có những nước đã phải sử dụng cả tình báo kinh tế để điều tra xem DN có thực sự chuyển giá hay không.

Đối với Việt Nam, từ năm 2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 117/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết làm căn cứ kê khai, xác định nghĩa vụ thuế thu nhập DN. Sau một thời gian thực hiện, thấy tình trạng chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quy định không còn phù hợp, nên mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 để thay thế.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan thuế địa phương phát hiện trên 60% số DN FDI khai báo thua lỗ, song vẫn mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này cho thấy, việc chống chuyển giá chưa thực sự có hiệu quả?

Chính vì thế, tôi vừa phải chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Bộ Tài chính xây dựng Đề án chống chuyển giá. Có thể nói, đây là đề án được xây dựng công phu, cẩn trọng vì nó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của DN cũng như quyền và lợi ích của Nhà nước. Khi triển khai đề án này, cơ quan thuế và hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau và thực hiện đồng loạt việc xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết. Trong đó, cơ quan thuế giữ vai trò chủ đạo, còn cơ quan hải quan chịu trách nhiệm theo dõi giá hàng hoá, dịch vụ trên thị trường thế giới.

Trong quá trình thực hiện, nếu liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan nào thuộc Bộ Tài chính, thì cơ quan đó sẽ ngay lập tức vào cuộc. Nếu liên quan đến bộ, ngành khác, Bộ Tài chính sẽ đề nghị phối hợp thực hiện.

Với Đề án này, Bộ Tài chính rất quyết tâm trong “cuộc chiến” chống chuyển giá, thưa Bộ trưởng?

Không chỉ Bộ Tài chính, mà nhiều DN làm ăn chân chính cũng rất bức xúc về tình trạng chuyển giá, bởi nó tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Như tôi đã nói, ngay từ năm 2005, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp chống chuyển giá, nhưng chưa thực hiện đồng bộ, chưa quyết liệt, nên đã bị một số DN FDI lợi dụng các chế độ, chính sách để chuyển giá. Chính vì vậy, lần này Bộ Tài chính đặt quyết tâm hạn chế tối đa tình trạng này.

Lường trước những khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính chắc sẽ có nhiều giải pháp mới?

Ô tô là mặt hàng được bán phổ biến trên khắp thế giới, giá bán ô tô cả cũ lẫn mới rất công khai, thế nhưng trước đây, chống chuyển giá đối với mặt hàng này đâu có đơn giản. DN nhập khẩu khai giá mua ô tô thấp hơn giá bán trên thị trường, thậm chí thấp đến mức vô lý để giảm các loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí đăng ký). Việc cơ quan hải quan phải chứng minh mức giá mà DN khai báo là không đúng cũng hết sức phức tạp.

Từ kinh nghiệm trên, nên trong “cuộc chiến” chống chuyển giá lần này, cơ quan thuế, hải quan phải xây dựng bộ dữ liệu về giá trên thị trường thế giới, thị trường trong nước, thông tin về hoạt động của DN… và phải phối hợp với cơ quan hải quan nước ngoài cùng với tham khảo nhiều nguồn thông tin chính thống khác để xác định chính xác giá thị trường của sản phẩm trong giao dịch liên kết.

Việc xác định giá thị trường sẽ được thực hiện theo phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; giá bán lại; giá vốn cộng lãi; so sánh lợi nhuận; hoặc phương pháp tách lợi nhuận.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, làm công tác chống chuyển giá của nước ta hiện nay?

Nói chung, trình độ kế toán của các DN FDI hơn hẳn chúng ta một bậc. Nhưng nếu cơ quan thuế có chứng cứ thuyết phục, chứng minh được tình trạng “lỗ giả, lãi thật”, thì nhiều DN phải chấp nhận.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta kiên quyết, triển khai đồng bộ các biện pháp trên diện rộng thì có thể đẩy lùi được tình trạng “lỗ giả, lãi thật”.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Sẽ chọn công nghệ tốt nhất để khai thác đất hiếm (15/11/2010)

>   Lại nói về lạm phát (14/11/2010)

>   Tháng 4/2011 sẽ có sản phẩm Alumin thương phẩm (14/11/2010)

>   Đại biểu chất vấn Thủ tướng về đường sắt cao tốc (14/11/2010)

>   Gỡ rối cho các nhà đầu tư nước ngoài (14/11/2010)

>   Minh bạch - vấn đề cốt lõi của nhà đầu tư (13/11/2010)

>   Quảng Ngãi: GDP bình quân 4500USD/người vào năm 2020 (13/11/2010)

>   Cần tránh cú “sốc” CPI (13/11/2010)

>   Việt Nam đóng góp tích cực cho G20 (13/11/2010)

>   Nhật Bản đề xuất hợp tác lập dự án đường sắt cao tốc (12/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật