Thị trường cần những thông điệp chính sách rõ ràng
|
Ông Võ Trí Thành. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị rằng, có thể phải chịu đánh đổi trong ngắn hạn để kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãi suất ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ đang ở mức cao và lạm phát chưa được kiềm chế hữu hiệu đang khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giải pháp trong trường hợp này nên theo hướng nào, thưa ông?
Một nguyên tắc rõ ràng là để doanh nghiệp thuận lợi hơn, phải hạ lãi suất để tăng cung tiền, có nghĩa là, chính sách tiền tệ sẽ phải theo hướng nới lỏng. Hiệu ứng của chính sách này là lạm phát tăng. Đó là chưa kể tới tình hình tỷ giá ngoại tệ của Việt Nam rất phức tạp vì ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu lẫn sự dịch chuyển của dòng vốn. Chúng ta không thể đòi hỏi vừa kiềm chế lạm phát, vừa thoải mái đưa tiền ra được.
Trong ngắn hạn, khi thắt chặt chính sách tiền tệ, việc tiếp cận vốn có thể khó hơn nữa, tăng trưởng sẽ bị chậm lại. Nhưng về dài hạn, việc kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế chính là nền tảng căn bản cho tăng trưởng bền vững.
Quốc hội cũng đã phát đi tín hiệu rõ ràng khi quyết định hạ chỉ tiêu thâm hụt ngân sách so với mức thâm hụt của Chính phủ đề nghị, giảm số lượng phát hành trái phiếu. Có nghĩa là, chính sách tài khoá phải vào cuộc quyết liệt. Phải có động thái mạnh mẽ hơn trong chi tiêu công.
Tất nhiên, trong điều hành, sẽ có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật. Khi tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ sẽ có thêm dư địa để đảm bảo mục tiêu dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn mà không bành trướng chính sách tài khoá hay tiền tệ.
Có thể hiểu là vào thời điểm này, kiềm chế lạm phát phải được coi trọng đặc biệt. Tuy nhiên, những động thái giá cả thị trường cho thấy không dễ để thực hiện mục tiêu này?
Khi lạm phát được kiểm soát, rủi ro tài chính được giảm xuống, lòng tin vào thị trường tài chính và giá trị đồng tiền nội tệ sẽ cao lên. Nếu lạm phát cao, doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận vốn với mức lãi suất thấp được.
Theo quan điểm của tôi, việc bình ổn giá từng mặt hàng trên thị trường không mang ý nghĩa quyết định trong kiềm chế lạm phát. Công việc cần phải làm là sử dụng các chính sách vĩ mô liên quan đến tiền tệ, tỷ giá, liên quan đến chính sách tài khóa, chi tiêu ngân sách…
Hiện tại, áp lực lên điều hành đang rất lớn. Lạm phát của Việt Nam so với các đối tác thương mại khác cao hơn, có nghĩa là áp lực mất giá cao hơn so với các đồng tiền khác. Trong khi đó, thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai lớn khi luồng vốn vào trong năm nay không tốt như kỳ vọng. Ngoài ra, khả năng can thiệp của Nhà nước có những hạn chế nhất định do dự trữ ngoại tệ không lớn, thâm hụt ngân sách vẫn cao.
Chỉ riêng câu chuyện này có thể thấy, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là vấn đề ngắn hạn, mà còn phải triển khai liên tục trong dài hạn khi Việt Nam muốn tăng năng suất, tăng trưởng hiệu quả nền kinh tế, chứ không phải tăng trưởng dựa trên đầu tư vốn.
Tóm lại, thị trường đang cần những thông điệp gì vào lúc này, thưa ông?
Đây là giai đoạn nhạy cảm. Thị trường cần những thông điệp chính sách rõ ràng, chứ không thể lẫn lộn. Chính sách tài khoá phải vào cuộc với mức thắt chặt và đồng hành với chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ là các chính sách đều có độ trễ và mọi việc cần được xử lý một cách bình tĩnh.
Khánh An
đầu tư
|