Thứ Sáu, 19/11/2010 06:45

'Sống chung' với lạm phát

10 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng 7,58%, áp sát chỉ tiêu đề ra cho cả năm nay. Giới DN tại Đồng Nai đang loay hoay tìm cách đối phó với lạm phát.

Một DN trong ngành thực phẩm than thở: phải chấp nhận lạm phát cũng như người miền Tây sống chung với lũ!

Không mong muốn tăng giá

Nằm trong nhóm các sản phẩm cần bình ổn giá theo chủ trương của Chính phủ, song kể từ giữa năm, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi đã tăng theo cấp số cộng do giá nguyên liệu trong nước và ngoài nước tăng đột biến mạnh. "Giá nguyên liệu biến động nhanh và mạnh buộc chúng tôi phải liên tục điều chỉnh giá bán. Điều này không chỉ bất lợi với người mua mà còn bất lợi với bản thân DN sản xuất, khách hàng liên tục đòi đặt tiền trước để chốt giá cũ. Tổng cộng, chúng tôi đã phải tăng giá bán đến 8 lần kể từ tháng 5/2010 đến nay" - ông Bùi Quốc Cường, TGĐ Cty TNHH Đồng Nai - Long Châu, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi có trụ sở tại TP Biên Hòa nói. Cũng theo ông Cường, tăng giá bán sản phẩm là điều không DN nào mong muốn trong thời điểm cạnh tranh khi giá nguyên liệu leo thang, khiến số tiền bán sản phẩm cho khách hàng nhanh chóng trở nên hạn hẹp khi phải nhập đợt nguyên liệu mới. Bất đắc dĩ phải tăng giá, Cty này chọn cách chia sẻ với khách hàng, hỗ trợ thêm cho các đại lý bằng cách giảm lãi, chấp nhận cho khách hàng lấy một phần hàng theo giá cũ trước mỗi đợt tăng giá mới.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Tập đoàn thép Tiến Lên cho biết, tăng giá sản phẩm là điều mà trong bối cảnh hiện nay không DN nào mong muốn. Do đó, khi buộc phải tăng giá bán, DN phải tính toán rất kỹ. Hiện tại, với nhiều sản phẩm từ thép, Tiến Lên đang phải chịu lỗ, chưa dám tăng giá cho dù giá phôi thép, than cốc... nhập khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi giảm đôi chút vào tháng 7/2010.

Tăng dịch vụ cộng thêm

Khi tăng giá là điều bắt buộc, một số DN tìm cách giữ khách bằng cách tăng các dịch vụ cộng thêm cho khách hàng hoặc tạo ra nhiều ưu đãi khác. Đối với nhà bán lẻ, áp lực lớn nhất chính là giá ngoài thị trường tăng, khi ấy các cuộc thương lượng về giá giữa siêu thị với nhà cung ứng càng trở nên khó khăn. Vì ngoài thị trường giá cao thì nhà cung ứng sẽ không mặn mà trước yêu cầu giữ giá hoặc mức tăng thấp của các siêu thị. Bà Nguyễn Thị Hồng Khanh - Giám đốc siêu thị Co.op Mart Biên Hòa cho biết, khi hàng hóa tăng giá, phản ứng của người tiêu dùng là giảm chi tiêu, do đó nhà bán lẻ phải nghĩ ra nhiều cách để thu hút khách hàng. "Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để đối phó với tăng giá, như: thương thảo và đặt hàng trước với nhà cung ứng để cố gắng giữ giá, tăng cường các hình thức khuyến mãi như tặng kèm, bốc thăm trúng thưởng... Mặt khác, các dịch vụ cộng thêm như: giao hàng miễn phí; gói quà miễn phí; thưởng doanh số cho khách hàng thân thiết và chăm sóc thái độ phục vụ... cũng được thúc đẩy hơn" - bà Khanh nói.

Hiện tại, việc phát triển dòng hàng nhãn riêng của các siêu thị Co.op Mart, BigC, Metro... cũng được đánh giá là một trong những hình thức hiệu quả để đối phó với lạm phát và thu hút khách hàng. Tại các siêu thị này, hàng trăm mặt hàng thực phẩm, hóa phẩm, tiêu dùng... do siêu thị liên kết sản xuất dưới hình thức nhãn riêng được người tiêu dùng đón nhận khá nồng nhiệt, bởi giá luôn thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5 - 30%.

Tiết kiệm tối đa

Khi lạm phát tăng cao, tiết kiệm triệt để được xem là cách ứng phó hiệu quả nhất để giảm chi phí, tránh tạo thêm gánh nặng trong sản xuất. Chủ tịch HĐQT thép Tiến Lên Nguyễn Mạnh Hà nói: "Phải tiết kiệm hết mức trong khâu đầu vào, như: tranh thủ sản xuất vào lúc thấp điểm để giảm ứng tiền điện; cơ cấu lại lao động và giảm mọi chi phí không cần thiết là biện pháp đối phó tức thời với lạm phát mà chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cũng tính đến chuyện chấp nhận giảm tăng trưởng, cơ cấu lại sản phẩm và bán nhanh hàng để giảm nợ tại các ngân hàng".

Tiết kiệm triệt để được xem là cách ứng phó hiệu quả nhất để giảm chi phí, tránh tạo thêm gánh nặng trong sản xuất.

Đầu tư có trọng điểm trong thời buổi bão giá, tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả cũng là một trong những cách ứng phó với lạm phát mà nhiều DN chia sẻ. Theo đó, danh mục đầu tư của DN cần phải được thu gọn và chỉ tập trung vào các dự án có tiềm năng, loại bỏ các dự án kém khả thi do khả năng thanh toán không rõ ràng, lợi nhuận thấp hơn mức lạm phát... Với các dự án đầu tư có thời gian thu hồi vốn lâu như bất động sản cũng được các DN tính toán và cân nhắc kỹ càng.

"Có nhiều cách để DN "sống chung" với lạm phát mà chúng tôi và nhiều DN khác đang thực hiện, như: tiết kiệm triệt để; cơ cấu lại nhân sự sao cho hiệu quả; xem xét lại chiến lược kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn, tìm kiếm nguồn vốn rẻ... Mỗi DN cần có sách lược riêng và nên xem việc đối phó với lạm phát là lâu dài vì nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, lại phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu" - Phó tổng giám đốc một Cty CP chuyên sản xuất bánh kẹo, thực phẩm tại TP Biên Hòa phân tích.

X. Phú - K. Ngân

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài (18/11/2010)

>   Hà Nội: Xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng (18/11/2010)

>   Khó xác định địa bàn ưu đãi đầu tư (18/11/2010)

>   Lạm phát: Kiềm chế cách nào? (18/11/2010)

>   Tiếp tục “khất” câu trả lời về chi phí cho lễ hội (18/11/2010)

>   Việt Nam - thành công và tỉnh táo (17/11/2010)

>   Hợp tác xã có được thành lập công ty? (17/11/2010)

>   Quốc hội thông qua hai dự thảo luật và một nghị quyết (17/11/2010)

>   Bí quyết hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt nhất (17/11/2010)

>   “Tập đoàn”, “quan bạc” và “tên trộm thông minh” (17/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật