Thứ Hai, 22/11/2010 08:01

TP.HCM kiến nghị hạn chế tối đa thuỷ điện trên sông Đồng Nai

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ Công thương kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây dựng các dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai.

Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng nhiều công trình thuỷ điện trên đầu nguồn sông Đồng Nai đã và đang tác động lớn đến môi trường sinh thái lưu vực sông Đồng Nai như nguồn nước bị ô nhiễm, làm suy giảm diện tích rừng do việc phá rừng đầu nguồn để lấy mặt bằng xây dựng thi công công trình thuỷ điện, cũng như quá trình tích nước, xả nước trong quá trình vận hành nhà máy là nguyên nhân gây ra lũ lớn trong mùa mưa bão. Do đó có thể gây tác động không tốt hoặc cạn kiệt nước trong vùng khô hạn cho vùng hạ lưu, khiến nước sinh hoạt, sản xuất thiếu trầm trọng.

Động thái này của TP.HCM được các nhà khoa học đánh giá rất cao cũng như sự hưởng ứng của dư luận trong việc bảo vệ môi trường cho con sông nội sinh dài nhất Việt Nam.

Nên có nhiều kiến nghị

TS Vũ Ngọc Long, giám đốc trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển (CBD) nhận định: “Đây là một kiến nghị đúng đắn. Thuỷ điện miền Trung cũng không có kế hoạch vận hành liên hồ để giảm hạn mùa khô, bớt lũ mùa mưa nên gây ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống sinh hoạt và thậm chí là nguy hiểm tính mạng cho người dân hạ nguồn”. Ông Long cho rằng xét đến cùng, vì kinh tế nên doanh nghiệp kinh doanh thuỷ điện sẽ không nghĩ rằng bảo vệ đất nông nghiệp, mùa màng quan trọng hơn hiệu quả kinh doanh của đơn vị mình.

Cùng ý kiến với tiến sĩ Long, ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai nói: “Tôi rất tán thành kiến nghị dừng thuỷ điện trên sông Đồng Nai. Hiện nay những người làm công tác môi trường ở Đồng Nai lo lắng nhất ba vấn đề. Thứ nhất là việc xây thuỷ điện có gây ngập úng cho rừng quốc gia Cát Tiên không? Thứ hai là việc vận hành liên hồ và chia sẻ tài nguyên nước ra sao, thực tế cho thấy năm nay thuỷ điện Trị An dưới cuối nguồn xuống mực nước chết dù đang cao điểm mùa mưa. Thứ ba là nên để các nhà khoa học đánh giá lại toàn diện và chính xác các tác động đến môi trường của thuỷ điện và nguy cơ của thuỷ điện được xây kiểu bậc thang trên sông Đồng Nai”. Ông Hưng còn cho hay, bằng các kết quả kiểm định môi trường trên sông Đồng Nai, nếu bộ Công thương hay tỉnh Đồng Nai cần tham vấn thêm thì sở Tài nguyên và môi trường sẵn sàng hợp tác, thực hiện.

Về việc dừng thuỷ điện Đồng Nai, TS Đào Trọng Tứ, nguyên tổng thư ký uỷ hội sông Mekong nói: “Có thể dừng một hoặc nhiều công trình thuỷ điện để đánh giá lại cái hay, cái lợi cho hôm nay và cho cả mai sau là điều đáng làm. Thuỷ điện là một bài toán, để có điện dùng ta phải đánh đổi với nhiều mất mát (trong khi dân số ngày càng đông, đất đai ngày càng hiếm). Chưa kể tài nguyên nước, tài nguyên sông là của toàn dân, nếu chỉ xây dựng vì một mục đích phát điện, sẽ là một sự phát triển bất công với các ngành khác”. Theo ông Tứ, hiện nay việc quy hoạch và phê duyệt, rồi thiết kế và xây dựng chưa đủ độ thận trọng, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, luật pháp, các công trình còn có thể gây nên tác động khôn lường cho hạ lưu khi lũ lụt (vì không có dung tích phòng lũ). Nước chỉ được điều tiết cho sản xuất điện, nếu không vì mục đích của nông nghiệp, dân sinh, thì hạ lưu sẽ gánh chịu hậu quả.

Người thực hiện dự thảo kiến nghị cho UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lai, giám đốc sở Công thương TP.HCM, cho biết thuỷ điện có thể tăng thêm nguy cơ cho TP.HCM nếu xảy ra sự cố các hồ chứa nước của các thuỷ điện trên đầu nguồn và nhiều tác động xấu đến môi trường. “Chúng ta có thể thay thế năng lượng từ thuỷ điện bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay các dạng năng lượng khác. Đó là lý do có kiến nghị trên”, ông Lai nói.

Sông Đồng Nai đang quá tải

Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng hiện nay) sông Đồng Nai có lưu vực qua 12 tỉnh thành chủ yếu là Đông Nam bộ. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy sông Đồng Nai đã quy hoạch (một số đã xây dựng) đến chín đập thuỷ điện. Các nhánh phụ khác của sông Đồng Nai như sông Bé có sáu đập thuỷ điện, nhánh sông La Ngà có năm đập.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng trong cuộc hội thảo khoa học Tập huấn các khuyến nghị của Uỷ ban thế giới về đập (WCD) với phát triển thuỷ điện trên sông Đồng Nai đưa ra số liệu đáng chú ý: để làm thuỷ điện, Lâm Đồng phải đánh đổi bằng 15.000 hecta rừng tự nhiên. Không tính thuỷ điện Đồng Nai 8 bị ngưng lại vì lý do tác động môi trường quá lớn, 20 thuỷ điện còn lại cũng đủ khiến sông Đồng Nai, rừng quốc gia Nam Cát Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu khoa học, chất lượng trữ lượng nước của lưu vực sông Đồng Nai đang xuống cấp rất nhanh. Các nhà khoa học đã cảnh báo mạnh mẽ việc nước mặn đang xâm thực hạ lưu sông Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng, những sinh vật có nguồn gốc nước mặn đã xuất hiện. Chất lượng nước sông Đồng Nai có độ đục, độ pH, chỉ tiêu như vi sinh, chất hữu cơ,... đều tăng nhanh.

Mai Quốc Ân

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Công bố CPI Hà Nội, Tp.HCM tháng 11: Đã “lấp ló” con số cả nước (20/11/2010)

>   Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu tập đoàn có sai phạm (21/11/2010)

>   Ổn định vĩ mô: Cần thông minh gỡ bỏ "vòng kim cô" (21/11/2010)

>   Ba bước để cải thiện đầu tư công  (20/11/2010)

>   Nguồn vốn cho dự án thuỷ điện nhỏ : Nỗi khổ của nhà đầu tư (20/11/2010)

>   Hướng dẫn mới cho việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (19/11/2010)

>   CPI tháng 11 TPHCM tăng 1,73%, Hà Nội trên 2%, mức cao nhất từ đầu năm (19/11/2010)

>   Kinh doanh casino tại Việt Nam: Nhìn từ những chuyển động mới (19/11/2010)

>   Thị trường cần những thông điệp chính sách rõ ràng (19/11/2010)

>   'Sống chung' với lạm phát (19/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật