Thứ Ba, 23/11/2010 10:39

3 nguyên lý nền tảng để Việt Nam tăng trưởng

Lời giải có tính căn bản cho nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng cần dựa trên ba nguyên lý nền tảng: thành tâm tuân thủ các nguyên tắc thị trường; coi trọng nâng cấp chất lượng của hệ thống quản lý nhà nước; và dốc sức đầu tư và khai thác sử dụng nguồn vốn con người.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2010, Việt Nam được dự báo sẽ đạt tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,7%.

Con số này vừa là kết quả đáng trân trọng có được từ những nỗ lực điều hành cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và cố gắng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thế nhưng, cũng chính con số tăng trưởng này (chưa nói đến vấn đề chất lượng vì 1% tăng trưởng ở Việt Nam thường tốn nhiều đầu tư hơn so với các nước khác) cho thấy rằng chúng ta bắt đầu có những sụt giảm đáng suy nghĩ trong tốc độ  tăng trưởng khi đem so sánh với các nền kinh tế tương đồng: Trung Quốc (9,6%), Ấn Độ (8,5%), Thái Lan (7,0%), Malaysia (6,8%) (Hình 1).

Mọi người sẽ dễ thấy ngay nguyên nhân trực tiếp của tốc độ tăng trưởng của Việt Nam suy giảm có liên quan đến các yếu tố làm bất ổn vĩ mô.

Trung bình cho cả hai năm khủng hoảng (2008-2009) và dự báo cho năm 2010, Việt Nam đều thua kém rõ rệt với hầu hết các nước tương đồng trong khu vực trên các chỉ số vĩ mô chủ yếu: lạm phát (Hình 2a), thâm hụt ngân sách (Hình 2b), thâm hụt thương mại (Hình 2c), bất ổn về tỷ giá (Hình 2d). 

Việt Nam cũng là nước duy nhất trong nhóm bị đánh tụt hạng về tín nhiệm tài chính quốc gia bởi cả ba công ty đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hầu hết các nước khác trong nhóm so sánh đều cải thiện đánh giá tín nhiệm quốc gia của họ sau nỗ lực vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Các lý do vĩ mô nêu trên thường dẫn đến những nỗ lực thôi thúc có tính ngắn hạn để ổn định vĩ mô và coi đó như một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Thế nhưng cách tiếp cận này thiếu tính nền tảng chiến lược và thường chỉ đạt kết quả nhất thời. Nó sẽ không đủ sức đem lại một sức phát triển mới cho nền kinh tế dựa trên một cấu trúc cao hơn về hiệu năng và sức kiến tạo giá trị.

Lời giải có tính căn bản cho nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng cần dựa trên ba nguyên lý nền tảng: thành tâm tuân thủ các nguyên tắc thị trường; coi trọng việc nâng cấp chất lượng của hệ thống quản lý nhà nước; và dốc sức đầu tư và khai thác sử dụng nguồn vốn con người.

Thành tâm tuân thủ các nguyên tắc thị trường đòi hỏi xem xét lại những nguyên lý quản trị và vận hành trong khu vực doanh nghiệp quốc doanh.

Sự suy sụp của Vinashin mới chỉ là tảng băng nổi phản ánh kết quả hoạt động của một khu vực kinh tế không tuân thủ các nguyên tắc thị trường và thiếu vắng nỗ lực chiến lược trong xây dựng hệ thống quản trị hiện đại.

Bên cạnh nỗ lực đặc biệt đẩy nhanh cổ phần hóa và buộc các doanh nghiệp lớn phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, chúng ta cần nhanh chóng đánh giá lại toàn diện tất cả các doanh nghiệp quốc doanh và xếp hạng chất lượng quản lý và hoạt động hàng năm của họ (loại 1=xuất sắc; loại 2=khá; loại 3=trung bình; loại 4=yếu; loại 5=rất yếu kém).

Việc công khai các thông tin này có ảnh hưởng rất mạnh mẽ buộc lãnh đạo các doanh nghiệp quốc doanh nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý của mình.

Coi trọng việc nâng cấp chất lượng của hệ thống quản lý nhà nước không bắt đầu từ tăng lương mà bằng nỗ lực nâng cao chất lượng sử dụng, đánh giá, đề bạt, và tuyển dụng cán bộ.

Các thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, bình bầu A, B, C hiện đã trở nên cổ lỗ hình thức cần được thay thế bằng phương pháp quản lý theo kết quả như nhiều nước (đặc biệt là Malaysia trong nỗ lực 10 năm, 2010-2020, trở thành một nước phát triển).

Dốc sức đầu tư và khai thác sử dụng nguồn vốn con người cần bắt đầu bằng nỗ lực trên qui mô toàn xã hội, trước hết là trong các cơ quan chính quyền, trong đánh giá và chọn lọc minh bạch và sâu sắc nguồn nhân lực.

Nỗ lực này sẽ tạo niềm tin và ý thức trong người dân là có chuyên môn và phẩm chất lao động tốt, chứ không phải là quan hệ và chạy chọt, quyết định khả năng tìm kiếm việc làm và mức thu nhập của họ.

Nếu không có nỗ lực này thì việc đầu tư hàng tỷ USD vào một số đại học hay viện nghiên cứu sẽ không mang lại những đổi thay có sức cải biến lớn cho nền kinh tế.

Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore)

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Cần kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát (22/11/2010)

>   Thiếu điện: “Tôi xin nhận trách nhiệm!” (22/11/2010)

>   Vốn đầu tư ra nước ngoài chưa đạt kỳ vọng (22/11/2010)

>   Vì sao KCN, KCX đang trở nên kém hấp dẫn? (22/11/2010)

>   Giảm lãi suất để kềm giá (22/11/2010)

>   Cử tri bức xúc ngành điện tính giá kiểu 'tréo ngoe' (22/11/2010)

>   “Tôi rất ngạc nhiên với cách trả lời của Bộ trưởng” (22/11/2010)

>   Dự án Hoàng Đồng Lạng Sơn có gặp rắc rối vì từ “casino”? (22/11/2010)

>   Biện pháp giảm nhập siêu vẫn chưa hiệu quả (22/11/2010)

>   Cú hích của “đại gia” (22/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật