Thứ Tư, 24/11/2010 11:39

Đường sắt cao tốc: Có không việc chia nhỏ dự án để dễ thông qua?

Chiều 23/11, Quốc hội tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Tại phiên chất vấn, vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc tiếp tục làm nóng hội trường.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn: “Bộ trưởng đã cho biết về căn cứ pháp lý để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam là từ nghị quyết của Quốc hội, tôi xin hỏi là trích từ nghị quyết nào?”. Tiếp tục với câu hỏi về đường sắt cao tốc, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về việc Bộ GTVT đặt ra vấn đề đường sắt cao tốc trong khi nước ta còn nghèo thay vì ưu tiên cải tạo đường sắt Bắc-Nam. Chính phủ có coi đây là ưu tiên hàng đầu hay không?

Về căn cứ tái khởi động đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: Vì Quốc hội chưa thông qua nên Chính phủ không chỉ đạo và Bộ GTVT cũng không tiến hành tiếp dự án đường sắt cao tốc. “Bộ chúng tôi đang nghiên cứu rất nhiều dự án, trong đó có đường sắt cao tốc dưới dạng báo cáo khả thi. Khuôn khổ báo cáo tiền khả thi trước đó chưa phục vụ công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch tuyến đường sắt Bắc Nam như Quốc hội yêu cầu. Tất cả mới chỉ là bước nghiên cứu, lập đầu tư, nếu Quốc hội thấy có tính khả thi thì Chính phủ mới đầu tư” - ông Dũng giải trình.

Theo bộ trưởng, nghiên cứu khả thi cũng không phải là toàn tuyến, mà chỉ là một số dự án. Ví dụ: Dự án đường sắt trên cao Hà Nội-Nội Bài; Hà Nội-Nha Trang; Nha Trang-TP.HCM, TP.HCM-Cần Thơ...

Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ giao xây dựng quy hoạch mạng lưới đường sắt cả nước, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc Nam, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu dự án này. Với đường sắt khổ 1 mét đã có 130 năm nay, việc nâng cấp là bất khả kháng bởi hành lang đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng, việc hiện đại hóa sẽ không khả thi. Ngoài ra, phải ngưng tuyến vài ba năm để làm dự án là không khả thi. Quan điểm của Bộ là cần phải đi ngay vào hiện đại. “Thế giới đã phổ biến đường sắt 300 – 400 km/h rồi, ta không nên đắn đo mãi. Trên tuyến đó sẽ ưu tiên cái nào trước, cái nào sau thì phải nghiên cứu cụ thể. Hệ thống đường sắt Bắc-Nam cũng phải nối vào đường sắt đô thị” – ông Dũng khẳng định.

Bộ trưởng cho biết thêm, 5 dự án ở TP HCM đã khởi công, 6 dự án ở Hà Nội cũng đã khởi động, như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Ngọc Hồi - Yên Viên đến nay đã xong thiết kế kỹ thuật. Các dự án này sẽ kết nối với đường sắt Bắc Nam trong tương lai.

Ngay sau câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phản hồi: Khi trình dự án, Chính phủ không trình văn bản. Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện Chính phủ trình ra dự án cực lớn không được thông qua nhưng vẫn chia nhỏ ra tiếp tục nghiên cứu.

Còn đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định: "Tôi chưa thể thỏa mãn câu trả lời của Bộ trưởng. Chúng ta nói nhiều về thiếu vốn, nói thiếu đường thì vì sao lại đặt ra vấn đề đường sắt cao tốc? Tôi cho rằng ở đây tư duy hơi bập bềnh, vì đường sắt cao tốc chỉ dành cho người có tiền. Đường sắt phổ thông kia mới dành cho nhân dân. Đáng lẽ đường sắt thuận tiện nhất cho người dân, cho nền kinh tế phải có trước. Đây là cách đi không phù hợp, chúng ta sẽ phải hứng chịu không ít khó khăn vì điều kiện đi lại của người dân chưa thể cải thiện được".

Cuối cùng, đại biểu này cho biết rằng không phản đối việc phát triển đường sắt cao tốc, nhưng cần phải nghiên cứu vàcos một lộ trình thích hợp.

Xung quanh vấn đề đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng có ý kiến giải thích: một ngày cần 200 chuyến xe nên lưu lượng của đường 20 là đảm bảo. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đầu tư đoạn đèo Bảo Lộc đến ngã tư Dầu Giây và đến cảng Cái Mép. Về lâu dài sẽ sử dụng đường sắt. Việc nâng cấp đường sắt hiện tại là không được, nhưng Chính phủ không bỏ con đường này mà sẽ nâng cấp để đáp ứng trước mắt. Nhưng trong lâu dài phải có đường sắt mới.

Cũng liên quan tới một số dự án giao thông, đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.HCM) đã chất vấn về vấn đề 42 hố tử thần vừa xuất hiện trong thời gian vừa qua làm nhân dân lo lắng. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ đã triển khai cán bộ vào xem xét cụ thể. Sở dĩ có tình trạng vừa qua là do: nhiều công trình tái lập mặt đường chưa đúng quy định; sự xuống cấp, hư hỏng của các công trình ngầm, trong khi áp lực nước càng ngày càng tăng; do yếu tố địa chất, thủy văn, triều cường.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, vấn đề xây dựng trong nội đô, Bộ GTVT không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào, quản lý vấn đề này lại là trách nhiệm của ngành khác. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông" - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

Châu Huệ

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật