Thứ Sáu, 12/11/2010 12:07

Luật hóa dịch vụ kiểm toán

Thị trường kiểm toán đang tiếp tục được mở rộng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, vừa trình Quốc hội Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.

Ngày mai (13/11), Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến và nếu không có gì thay đổi, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo luật này tại Kỳ họp thứ 9.

Việc cả 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới gồm PwC, Deloitte, Ernst & Young và KPMG đều có mặt tại thị trường Việt Nam đã cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá khá cao tiềm năng của thị trường kiểm toán Việt Nam.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong vòng 20 năm qua, kể từ khi đưa thị trường kiểm toán vào hoạt động, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán đã tăng 80 lần, từ 2 doanh nghiệp kiểm toán 100% vốn nhà nước được thành lập năm 1991 lên con số 162 công ty kiểm toán hiện nay. Thị trường kiểm toán đang tiếp tục được mở rộng, doanh thu của toàn ngành kiểm toán tăng mạnh, từ mức 622 tỷ đồng năm 2005 lên hơn 2.191 tỷ đồng năm 2009.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thông qua các hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, công ty kiểm toán đã thực hiện công khai, minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và điều hành kinh tế - tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, kiểm toán báo cáo tài chính là công cụ không thể thiếu nhằm công khai, minh bạch thông tin tài chính trên thị trường chứng khoán.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có lợi ích liên quan luôn đòi hỏi báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được xác nhận tính trung thực, phù hợp với các chuẩn mực kế toán, qua đó mới có thể đánh giá tính tuân thủ pháp luật, hiệu quả kinh tế trong quản lý và sử dụng vốn. "Vì vậy, cần phải luật hoá hoạt động này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, khắc phục những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu phát triển", ông Hiền nhấn mạnh.

Nhằm phát triển thị trường kiểm toán đúng hướng, hầu hết đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc luật hoá các quy định về thị trường kiểm toán, quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn về điều kiện thành lập và hoạt động của công ty kiểm toán, điều kiện hành nghề kiểm toán; quy định trách nhiệm của công ty kiểm toán, kiểm toán viên để nâng cao chất lượng dịch vụ và tính độc lập của nghề này thông qua việc xây dựng Luật Kiểm toán độc lập.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập vừa được Chính phủ trình Quốc hội, về cơ bản, các đại biểu đồng tình với nhiều nội dung trong Dự thảo, tuy nhiên vẫn còn không ít nội dung đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ trước khi trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp Quốc hội thứ 9.

Theo Dự thảo, doanh nghiệp kiểm toán chỉ được hoạt động theo loại hình công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên (chủ tịch hội đồng thành viên phải là kiểm toán viên); công ty hợp danh (người đại diện theo pháp luật của công ty phải là kiểm toán viên); công ty kiểm toán tư nhân (chủ doanh nghiệp tư nhân phải là kiểm toán viên).

"Tại sao phải quy định thành viên góp vốn, thành viên công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân phải là kiểm toán viên?", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi và cho rằng, quy định này là không phù hợp. "Theo các quy định hiện hành, người có vốn bỏ ra thành lập bệnh viện, công ty luật - ngành nghề kinh doanh có điều kiện giống như kiểm toán độc lập, thì người đó làm chủ tịch hội đồng thành viên và không đòi hỏi họ phải là bác sỹ, luật sư, bởi họ có thể thuê người khác điều hành doanh nghiệp", ông Hiển nói.

Trong khi đó, việc giao Bộ Tài chính thống nhất quản lý nhà nước lĩnh vực kiểm toán độc lập, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, vì Luật này quy định, ngành kế hoạch và đầu tư làm đầu mối cấp phép đăng ký kinh doanh.

"Nếu coi kiểm toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoạt động có tính chất đặc thù cần phải thống nhất quản lý vào 1 đầu mối trong việc cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập doanh nghiệp sẽ không phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, ngành y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh lĩnh vực khám, chữa bệnh; ngành thông tin và truyền thông cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh lĩnh vực in, xuất bản… Khi tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp sẽ đến ngành kế hoạch và đầu tư đề nghị cấp giấy giấy phép thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, Luật Kiểm toán nên quy định, Bộ Tài chính chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp kiểm toán, sau đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại sở kế hoạch và đầu tư đề nghị cấp phép hoạt động", bà Mai nói.

Hàn Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   Chính sách tài khóa chưa minh bạch (11/11/2010)

>   Đằng sau những quyết sách điều hành (11/11/2010)

>   Công ty Mỹ muốn lập trung tâm thông tin tín dụng (10/11/2010)

>   Lập tổ theo dõi bán và thanh toán nhập khẩu (10/11/2010)

>   Tầm nhìn nào cho VND ? (10/11/2010)

>   Doanh nghiệp lúng túng trước biến động tỷ giá (09/11/2010)

>   Tiền đồng Việt Nam liệu có giảm giá thêm? (09/11/2010)

>   Chi tiêu quá tay đặt gánh nặng lên chính sách tiền tệ (08/11/2010)

>   Đang "nước sôi lửa bỏng", thông tin lại nhiễu loạn (08/11/2010)

>   “Giải mã” nghịch lý tỷ giá (08/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật