Đằng sau những quyết sách điều hành
Sốt tỷ giá đô la Mỹ cộng hưởng sốt giá vàng diễn ra những ngày vừa qua tựa như giọt nước tràn ly, khiến Chính phủ bất ngờ thay đổi tư duy chỉ đạo vốn được xem là chính thống từ khá lâu nay.
Đầu tiên là chấp nhận thả nổi lãi suất tiền đồng theo tín hiệu thị trường sau một thời gian cố gắng kìm hãm. Trước đây, mỗi khi có biến động mạnh, tỷ giá chính thức thoát ly xa tỷ giá tự do, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường lựa chọn giải pháp nới rộng biên độ giao dịch hoặc điều chỉnh tỷ giá điều hành. Nay NHNN kiên quyết cố định tỷ giá và tăng nguồn cung ngoại tệ.
Điều quan trọng lúc này là tránh tạo ra nguy cơ kích hoạt thêm lạm phát, ngăn chặn hỗn loạn tâm lý thị trường. Trên thực tế, mọi giải pháp đều phải đánh đổi giữa hai mặt: lợi và hại; trước mắt và lâu dài; duy lý và tâm lý... Quyết sách vừa ban hành cho thấy Chính phủ đã ứng xử khá linh hoạt, mang tính thị trường nhiều hơn. Tác động ban đầu là tích cực: giá vàng và đô la Mỹ bắt đầu có tín hiệu đảo chiều. Tuy nhiên xu hướng ổn định có thực sự quay trở lại và kéo dài được bao lâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Chỉ qua một đêm mọi biến số vĩ mô và vi mô dường như đều phải tính toán lại, hệ quả trước mắt là doanh nghiệp buộc phải chấp nhận gánh thêm chi phí và lãi suất, người tiêu dùng rồi sẽ đối mặt với một làn sóng tăng giá mới? Để bắt mạch nguyên nhân gây bất ổn thị trường quả thực không dễ, nhất là trong điều kiện một bộ phận đáng kể kinh tế Việt nam đang trở nên “quá mở” với những tín hiệu đầu cơ, tin đồn, giao dịch chợ đen... Trong khi đó, rất cần những phát ngôn và hành động chính thức để lập lại trật tự thị trường hoặc trấn an dư luận thì lại gần như “quá đóng”, hoặc thiếu sự nhanh nhạy, chưa kịp thời.
“Cỗ xe song mã” vàng và đô la Mỹ vốn được xem là nguyên nhân cố hữu làm chao đảo thị trường, nhưng giải pháp để cách ly hai nhân tố này trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ vẫn chưa đạt như mong muốn.
Thực trạng khác cũng cần đáng lưu tâm, đó là lực lượng kinh tế chính quy nhiều khi không hoàn thành được “vai diễn” của mình, không chủ động dẫn dắt được thị trường, chưa nói đến tình trạng “té nước theo mưa” đang diễn ra khá phổ biến khiến dư luận bức xúc phải lên tiếng.
Chẳng hạn, hệ thống ngân hàng thương mại với những nguồn lực tương đối hùng hậu nhưng hầu như chưa khi nào làm chủ được tỷ giá, mà phải thường xuyên rượt đuổi theo “tín hiệu chợ trời”.
Pháp luật hiện hành đang bộc lộ mâu thuẫn lớn khi một mặt thừa nhận quyền sở hữu ngoại tệ của người dân nhưng mặt khác quyền sử dụng thì không kiểm soát được, thậm chí thả nổi. Quan trọng hơn, là đã không tạo ra được hành lang có sức hấp dẫn để thu hút ngoại tệ trôi nổi vào mục đích tăng trưởng kinh tế thay cho các hành vi trục lợi đang phổ biến.
Về phía người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tự trang bị cho mình “chính kiến thị trường” rõ ràng, không dễ bị lôi kéo một cách phiêu lưu hoặc hỗn loạn tâm lý trước những diễn biến nhất thời của thị trường chợ đen.
Nghịch lý gần đây nhất là hiện tượng đô la Mỹ hầu như đang mất giá ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những nước lân cận ta. Ví dụ, so với đồng baht Thái, đô la Mỹ giảm giá đến 14%.
Nhưng tại Việt Nam thì ngược lại, tỷ giá tiền đồng liên tục tăng? Nếu nhìn nhận đúng bản chất, vấn đề tỷ giá không phải do ảnh hưởng thẩm thấu của xu thế hội nhập, mà do chính nội lực của từng nền kinh tế quyết định thì nghịch lý này quả thực không có gì khó hiểu.
Thử thách lớn đang đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước lúc này là: lực lượng nào đang dẫn dắt thị trường? Ai sẽ làm chủ tình hình và khả năng làm chủ sẽ đến mức nào? Có hai vấn đề lớn đặt ra.
Thứ nhất, về phía Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược tổng thể, đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát và thị trường có hiệu quả. Chiến lược này đồng nghĩa với chính sách xây dựng lòng tin, ổn định dư luận, củng cố vị thế đồng tiền quốc gia, tiếp tục bồi đắp nền tảng vĩ mô để hỗ trợ vững chắc cho tăng trưởng kinh tế. Những vụ việc nghiêm trọng tương tự như Vinashin phải được xử lý kiên quyết và phải công khai rõ lộ trình chỉnh đốn mô hình tập đoàn để lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý vốn và tài sản nhà nước, siết chặt kỷ cương kỷ luật tài chính quốc gia.
Thứ hai, về phía người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tự trang bị cho mình “chính kiến thị trường” rõ ràng, không dễ bị lôi kéo một cách phiêu lưu hoặc hỗn loạn tâm lý trước những diễn biến nhất thời của thị trường chợ đen, mà phần lớn mang tính tự phát, vô chính phủ, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho chính bản thân mình và cả nền kinh tế đất nước. Không nghi ngờ gì nữa, sự cộng hưởng giữa năng lực quản lý của Nhà nước và tinh thần tự giác chấp pháp của người dân luôn là điều kiện tiên quyết cho sự bền vững của mọi chính thể nói chung và đời sống kinh tế xã hội nói riêng. (Xem thêm bài “Chưa minh bạch”).
Vĩnh Phúc
TBKTSG
|