Chi tiêu quá tay đặt gánh nặng lên chính sách tiền tệ
Chính sách tài khoá có lẽ cần phải được giám sát chặt chẽ, gắt gao hơn. Các chính sách tiền tệ, với nhiều phát sinh ngoài khả năng kinh nghiệm của Việt Nam, khó mà gánh nổi một chính sách tài khoá chi tiêu gia tăng nhiều, tận thu vẫn không theo kịp tốc độ gia tăng chi phí!
Tại sao Mỹ bơm tiền ra thị trường?
Như vậy là Quỹ Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) với chín phiếu thuận và một phiếu chống đã biểu quyết chấp thuận việc dùng 600 tỷ USD mua vào trái phiếu ngân khố nhà nước (treasuries) đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ có thể in thêm tiền để trả nợ với tốc độ dự kiến khoảng 75 tỷ USD/tháng từ nay đến cuối tháng 6/2011.
Lượng tiền USD đưa vào lưu thông từ việc bán trái phiếu chính phủ, các khoản nợ và tài sản thế chấp có thể lên tới 110 tỷ USD/tháng cho tới tháng 6 năm sau (khoảng 900 tỷ USD) làm dấy lên quan ngại cho các nước về việc đồng USD đã mất giá thêm 7% so với 6 loại tiền tệ chủ chốt trong lưu thông tiền tệ quốc tế. Và USD sẽ tiếp tục bị làm yếu để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu hàng hoá và tạo thêm hơn 151.000 việc làm trong tháng 10, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp đã xấp xỉ 9,6% trong lòng nước Mỹ.
Quyết định của FED được Chủ tịch Ben S. Bernanke giải thích nhằm cứu vãn tình trạng thất nghiệp cao, quan ngại nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, thậm chí giảm phát và đình trệ trong thời gian tới (?).
Đó là do công cụ thứ nhất của FED là lãi suất ngân hàng đã được sử dụng tối đa với lãi suất cho vay qua ngân hàng chỉ còn ở mức rất thấp 0-0,5% nhưng chưa mang lại hiệu quả mong muốn, nên họ phải áp dụng tiếp gói cứu trợ thứ hai trị giá hơn 600 tỷ USD (quantitative easing 2 - QE2) tiếp theo gói thứ nhất hơn 1.700 tỷ USD (quantitative easing 1- QE1) đã dùng cho giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009.
Việc làm tưởng chừng là công việc nội bộ của một quốc gia, nhưng với hơn 80% thanh toán thương mại quốc tế thì đồng USD đang là "vua" thống trị trong thanh toán, dự trữ ngoại hối, vay nợ, kế hoạch kinh doanh đầu tư và giao dịch của mọi quốc gia (GDP của Mỹ hiện đang khoản 14,4 ngàn tỷ USD - gấp gần 3 lần so với Nhật và Trung Quốc - đạt khoảng 5 ngàn tỷ USD)!
Điều này, dĩ nhiên gây ảnh hưởng đến giao dịch xuyên quốc gia tại mọi vùng lãnh thổ. Ngày 6/11, Trung Quốc - quốc gia đang là chủ nợ lớn của Mỹ và có dự trữ ngoại tệ USD lớn nhất - hơn 2.600 tỷ USD, lập tức lên tiếng yêu cầu FED phải giải thích rõ nguyên nhân của việc "bơm" thêm USD vào lưu thông này!
|
Việc FED bơm tiền ra thị trường có tác động xấu đến nền kinh tế thế giới |
Liệu nó có tác động xấu đến nền kinh tế thế giới trong quá trình khôi phục tăng trưởng sau khủng hoảng (thực ra là vẫn đang khủng hoảng)? Điều này liệu có tác động đến niềm tin giữa các quốc gia trong việc cùng nhau khôi phục và tăng trưởng?
Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 12-13/11 tới chắc chắn sẽ có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề định giá đồng Nhân dân tệ thấp của Trung Quốc và nay là việc "bơm" thêm tiền của Mỹ!
Nếu mọi việc không được giải quyết tương đối thoả đáng cho các bên liên quan, có lẽ điều chúng ta không mong đợi sẽ tiếp tục diễn ra, đó là việc leo thang các giải pháp đơn phương mang tính quốc gia cục bộ về chính sách tiền tệ, nói cách khác, "chiến tranh tiền tệ" sẽ có nguy cơ nổ bùng!
Diễn biến liên quan
Tại Việt Nam cũng như trên thị trường thế giới, phản ứng đã và đang diễn ra là giá vàng lập tức thăng thiên, sau khi chạm đỉnh 1388.10/ounce ngày 14/10. Sau đó, giá vàng có lúc đi xuống và dao động, nhưng nay có vẻ đang tạo đà cho một bước lên đỉnh mới !? Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 25%, vượt nhiều dự đoán ban đầu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với sự chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, đã điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên 9% (lãi suất cơ bản được giử ở mức 8% từ cuối năm 2009 đến nay), quyết định không điều chỉnh tỷ giá (giữ nguyên tỷ giá 19.500VND "ăn" 1 USD, dù rằng thị trường tự do đã có lúc lên mức 21.000VND), đồng thời quyết định thả nổi lãi suất cho vay cho thị trường ngân hàng và người vay, yếu tố cung - cầu quyết định.
Điều gì có thể sẽ xảy ra tiếp?
Các giải pháp vừa đưa ra của Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới điều gì và liệu có đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu?
1. Mang lại sự bình ổn tỷ giá VND/USD?
Đồng bạc Việt Nam VND cho đến nay vẫn chưa được chuyển đổi tự do trên trường quốc tế như các ngoại tệ mạnh khác. Điều này cũng phản ánh một nền kinh tế còn quy mô còn nhỏ, chưa giao thương nhiều với thế giới cũng như các chính sách pháp luật còn cần phải hoàn thiện rất nhiều để theo các quy luật và thông lệ chung toàn cầu.
Do vậy, chắc chắn một điều là chúng ta sẽ còn chứng kiến VND phải chấp nhận "chạy sau" USD và các đồng tiền khác trong thương mại quốc tế (Việt Nam là một trong số rất ít các nước có tiền tệ đơn vị ngàn đồng với 3 số 0).
Tỷ giá còn được quyết định bởi thị trường cung cầu trong đó có qui luật tiền - hàng - tiền liên quan đến năng suất lao động, nhu cầu tiêu dùng và hiệu quả kinh doanh của mỗi quốc gia trong tương quan quốc tế. Việc chủ quan ra quyết định "bơm" tiền ra hay "hút" tiền về có hiệu quả hay không còn tuỳ thuộc "nội lực" của cơ quan thực thi.
Tới nay, chưa thấy nói Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ "bơm" ra lượng USD là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu (như FED đã tuyên bố rõ lượng tiền và thời gian)?
Thật dễ hiểu nếu lượng tiền USD mà giao dịch của doanh nghiệp và người dân cần thực tế nhiều hơn lượng tiền USD mà NHNN có "khả năng" bơm ra thì USD sẽ vẫn có cơ tăng giá. Ngược lại, nếu NHNN đủ mạnh, dự trữ ngoại tệ lớn đủ để cung ứng mọi nhu cầu mua USD thì giá USD không có lý do để tăng tiếp.
Thực sự, giá USD đã yếu đi khi FED bơm thêm tiền vào lưu thông, vậy tại sao VND vẫn tiếp tục mất giá so với USD?
Do lạm phát có tính chu kỳ 3 - 5 - 7 năm một lần? Do mặt bằng giá hàng hoá ở Việt Nam còn thấp so với thế giới và đời sống người dân đang cải thiện, thu nhập GDP gia tăng cùng với sức mua hàng hoá tăng? Do lượng tiền VND phát hành tăng thêm nhiều hơn trên thị trường trong những năm qua?
Do chính sách vĩ mô không đúng, vô tình hay hữu ý kích thích người dân và doanh nghiệp tự tích trữ, để dành USD hay vàng trong sổ tiết kiệm và tài khoản, thậm chí để trong két cá nhân để thuận lợi hơn trong giao dịch dân sự như mua bất động sản, thanh toán tiền hàng, đi du lịch, du học, cho tặng quà...v.v...?
Do NHNN muốn giữ tỷ giá cố định hay đuổi bám với USD để hỗ trợ xuất khẩu (thực sự, điều này chưa chắc đúng - xem "Định giá thấp đồng Việt Nam có tạo đòn bẩy xuất khẩu? Hay còn mục tiêu vô hình hay hữu hình nào khác?
Nếu trả lời được những câu hỏi trên, may ra chúng ta mới giải quyết được bài toán tỷ giá hối đoái! Một minh họa là khi bạn cần mua USD từ ngân hàng để thanh toán tiền hàng khi tỷ giá bên trong và ngoài ngân hàng có chênh lệch, bạn sẽ phải trả thêm phí hay phụ thu cho ngân hàng, phần nào tương đương với việc mua USD từ thị trường tự do (có lẽ, không nên gọi là thị trường "đen" vì dịch vụ của họ rất phổ biến, đáp ứng nhu cầu khách hàng thực và nhanh nhạy hơn hệ thống ngân hàng, dịch vụ thậm chí tốt hơn!).
Còn khi bạn gửi tiết kiệm vàng thì ngân hàng sẽ yêu cầu bạn không được rút trước thời hạn! Để giử thế chủ động trong thanh toán, người dân đành phải tích trữ sẳn USD và vàng bên ngoài hệ thống ngân hàng vậy! Đồng tiền VND đã yếu lại càng thêm yếu và chúng ta có khi lại "trông già hoá non"!
Trong tháng 10, có nhiều chỉ dấu cho thấy người dân đã tăng tích trữ USD và vàng khi lượng tiền vay USD tăng 52% so với đầu năm, còn vay VND chỉ tăng 14,6% trong tổng lượng tăng tín dụng được cho rằng khoảng 21,3% (*), và vàng thì có các đợt xếp hàng mua vào trong thời gian gần đây!
Những người quyết định mua vàng khi giá ở mức dưới 33 triệu đồng/lượng nay có thể mỉm cười vì đã quyết định đầu cơ đúng lúc! Và hôm nay họ thậm chí còn kỳ vọng lời nhiều hơn nếu chiến tranh tiền tệ thực sự nổ ra!
2. Có gây ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam?
Lạm phát có thể do chủ quan hay khách quan. Lạm phát năm nay có thể vượt 8% thậm chí nhiều hơn rõ rệt về cuối năm. Người dân có lẽ phải học cách sống chung với lạm phát và tăng giá hàng hoá. Động thái tăng lãi suất cơ bản lên 9%, dù đã đang ở mức cao nhất so với thế giới, là thông điệp kiểm soát lạm phát (inflation), ngược với thông điệp kiểm soát giảm phát (deflation) của FED ở Mỹ.
Có vẻ như, chúng ta đã thoả mãn với tăng trưởng xuất khẩu năm hơn 23% và kiểm soát nhập siêu ở mức 12-13 tỷ USD (**) trong năm nay (?).
Thực tế, con số % của lãi suất cơ bản chắc chắn sẽ tác động làm gia tăng chi phí doanh nghiệp kinh doanh và làm tăng thêm giá hàng hoá gây áp lực lạm phát. Nếu bạn phải vay ngân hàng với lãi suất tăng thêm 1% thì sớm muộn bạn cũng tìm cách tăng giá bán hàng của bạn ra thị trường hoặc chấp nhận hy sinh giảm lợi nhuận!
Việc "bơm" thêm USD ra thị trường cũng cần làm rõ là: (a) NHNN dùng USD dự trữ để mua lại VND hoặc các chứng từ có giá của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp?; hay (b) đơn giản là hỗ trợ cho mượn, hay tăng thêm lưu lượng USD đang có trên thương trường?
Điều này cũng tác động đến lượng USD hay VND trong lưu thông tăng hay giảm nhiều ít. Câu trả lời thuộc về NHNN về mức độ gia tăng hay gia giảm tác động tới lạm phát.
Như vậy, tác động có lợi trước mắt sẽ ngăn chặn được tâm lý tích trữ USD trong dân, củng cố lòng tin vào VND, bảo vệ được đà giảm giá tiền đồng VND, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán!
3. Lãi suất thả nổi có thực sự đáp ứng nhu cầu thị trường?
Thị trường nên là cung - cầu. Nhà nước nên cố gắng đưa ra ít tác động thì tốt hơn. Nhất là những chủ trương chính sách chưa được thực tế kiểm chứng, chưa được các chuyên gia kinh tế tư vấn, biểu quyết cũng như các phản biện xã hội tích cực (FED tương đối độc lập với chính phủ Mỹ và Bộ Tài chính).
Cái khó của chúng ta có lẽ là do xuất phát điểm của Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế thị trường thật sự! Khi nền kinh tế có quá nhiều can thiệp phi thị trường trước đây thì khi chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn khác biệt với thế giới!
Các bài học nên được rút ra từ mỗi trường hợp cụ thể, không thể vội vàng đúc kết, hoặc nhanh chóng đưa ra một giải pháp duy ý chí áp dụng cho mọi cá thể, mọi trường hợp được. Thành công của lãi suất thoả thuận hay thả nổi có thể đến về lâu dài khi các lệch lạc méo mó, hệ quả của một thời tư duy kinh tế chỉ huy biến mất dần có lẽ phải trong 3-5 năm tới.
Cần giám sát chặt chẽ chính sách tài khóa
Làm thế nào để giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển? Nhiều chuyên gia hay nói đến sự đồng bộ của chính sách tiền tệ và tài khoá tác động gây lạm phát cao ở nước ta.
Các thâm hụt trong chi tiêu ngân sách hàng năm, nợ công gia tăng trong khi đầu tư công không hiệu quả, tham nhũng và thất thoát lớn trong các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở làm giảm chất lượng đầu tư, tăng chi phí bảo trì sửa chữa, tăng chi phí khấu hao máy móc thiết bị, gây bất công và bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội..v.v..
Có lẽ, chính sách tài khoá cần phải được giám sát chặt chẽ, gắt gao hơn nữa. Các chính sách tiền tệ với các tác động liên quan đến thị trường hết sức phức tạp, đa biến, đa yếu tố, đa nhân tố, nhiều phát sinh ngoài khả năng kinh nghiệm của Việt Nam, do mới hội nhập và xuất phát điểm là nền kinh tế phi thị trường, vì vậy khó mà gánh nổi một chính sách tài khoá chi tiêu gia tăng nhiều, tận thu vẫn không theo kịp tốc độ gia tăng chi phí!
|
Ngay bản thân chính sách tiền tệ của nước ta trong thời gian qua cũng được xem là chưa kịp thời, chạy sau thị trường mang tính đối phó, các kế hoạch, thông tư phát hành và hiệu chỉnh có tính giật cục (vừa khuyến khích ngân hàng hạ lãi suất, giảm lãi vay cho doanh nghiệp nay đã tăng lãi suất cơ bản), chưa rõ ràng (NHNN nói bơm tiền USD giảm nhiệt tỷ giá USD nhưng chưa nói rõ bơm bao nhiêu, bao lâu, liều lượng thời gian ra sao), chưa đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam (các doanh nghiệp chưa thể nhận biết hay có chỉ dấu nào để nhận biết, dự báo trước các chính sách của NHNN, chưa hài lòng với các chính sách đã ban hành rồi thay đổi ngay)...v.v..
Bản thân trong thông cáo báo chí về việc "Chính phủ chỉ đạo NHNN... can thiệp..." cũng phản ánh sự thiếu chủ động đưa ra các giải pháp tham mưu cho Chính phủ hay đưa ra các giải pháp có tính tiên phong, độc lập và sáng tạo (?).
Nói cách khác, chúng ta cần phải học hỏi và đổi mới liên tục mới có thể đưa ra được các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả và tiến bộ được.
Cảnh Thái
VNR500
|