Luật Kiểm toán độc lập 'làm khó' doanh nghiệp
Nói về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL), ông Trần Văn Tá - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, dự luật không đáp ứng được yêu cầu minh bạch hóa ngành kiểm toán mà việc xây dựng luật theo hướng của dự thảo sẽ càng gây khó cho việc phát triển ngành nghề này.
Theo đó, điểm yếu nhất của luật là thể hiện nhiều mâu thuẫn và tính đặc thù không rõ và vì vậy có thể dẫn đến tình trạng “giẫm chân” lên các luật khác và các tranh chấp có thể phát sinh trong hoạt động của ngành nghề này lại chưa được giải quyết rõ ràng trong luật.
Bảo lưu chưa thuyết phục
Được biết, Bộ Tài chính đã có giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật KTĐL gửi Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 13149/BTC-CĐKT. Tại văn bản này, Bộ Tài chính đã nêu 8 vấn đề được tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo luật và 5 vấn đề xin được bảo lưu ý kiến như dự thảo trước khi trình UBTVQH. Tuy nhiên, theo Luật sư Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, các vấn đề được bảo lưu chưa có lý do thuyết phục.
Về những nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. UBKTQH đề nghị xem xét, bổ sung quy định về những nội dung bắt buộc và không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến này nhưng lại cho rằng đó là quy định thiếu khả thi vì trong quá trình kiểm toán có thể có những ý kiến khác nhau giữa DN kiểm toán và đơn vị đựơc kiểm toán hoặc khi kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng do đơn vị được kiểm toán mất chứng từ, tài liệu do thiên tai hỏa hoạn. Theo Luật sư Tiền, lý giải nêu trên không đủ sức thuyết phục, bởi lẽ, khi có những ý kiến khác nhau thì quy định của pháp luật về vấn đề có liên quan là cơ sở để kết luận, khi đơn vị đựơc kiểm toán không cung cấp đủ chứng từ thì DN kiểm toán có quyền từ chối kiểm toán.
Không nên làm thay DN
Mặt khác, quy định giám đốc hoặc tổng giám đốc DN kiểm toán của Cty TNHH phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế và thực tế ở nước ta hiện nay bình thường việc DN thuê giám đốc điều hành, không phải là thành viên góp vốn. Luật DN cũng không quy định giám đốc (tổng giám đốc) phải là thành viên góp vốn của Cty TNHH. Luật sư Tiền cho rằng, đó là công việc quản lý DN thuộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các đồng sở hữu, pháp luật không nên can thiệp và làm thay các chủ sở hữu của DN.
Về quan hệ giữa hoạt động kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước. Một số ý kiến đề nghị: với các DN nhà nước, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm toán hàng năm nhưng có tên trong thông báo kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước thì không phải sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập. Với lập luận kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước có các chức năng và phạm vi hoạt động khác nhau, Bộ Tài chính bảo lưu ý kiến bằng việc quy định tại điều 44 Dự thảo luật: “Việc kiểm toán báo cáo tài chính đối với các DN, dự án quy định tại điểm a,b.c khoản 2 điều này không thay thế cho việc kiểm toán của cơ quan Kiểm toán nhà nước”. Tuy nhiên, ý kiến này của Bộ Tài chính không nhận được sự đồng tình của DN và các chuyên gia trong ngành. Bởi lẽ, các DN phải dành ra một thời gian đáng kể để làm việc với các cơ quan kiểm toán, do đó, nếu phải làm việc với cả kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập, DN sẽ mất rất nhiều thời gian và nhân lực.
Tại một hội thảo về Dự thảo luật kiểm toán độc lập tổ chức cuối tuần qua, đại diện Hội Luật gia Hà Nội cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với quy định này “không nên bắt buộc một DN hoặc một dự án đầu tư phải đồng thời sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước. Quy định bổ sung vào dự thảo như trên vẫn chưa triệt để vì chưa nêu rõ sẽ xử lý như thế nào nếu kết quả kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước có sự khác nhau cơ bản”.
Hương Lê
diễn đàn doanh nghiệp
|