Thứ Năm, 14/10/2010 17:30

Dự báo thị trường tài chính Việt Nam

Từ cuối năm 2009, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi sau cuộc suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể bị tổn hại vì cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Ở Việt Nam, nền kinh tế đã phục hồi với những con số phát triển ấn tượng ở mức 5,32% trong năm 2009 và tăng trưởng kỳ vọng là 6,5% trong năm 2010.

Bên cạnh đó, nền kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: chất lượng tăng trưởng chưa cao và vững chắc; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; thâm hụt cán cân thanh toán chậm được cải thiện; thâm hụt ngân sách khá cao; thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối có nhiều biến động; luân chuyển vốn  trong nền kinh tế và trên thị trường tài chính còn hạn chế.

Nhìn về dài hạn đến năm 2020, thị trường tài chính Việt Nam sẽ phát triển mạnh, ổn định và hội nhập sâu vào thị trường tài chính quốc tế.

Năm 2009, năm cuối cùng của thập kỷ đầu tiên - một thập kỷ đầy biến động trong thế kỷ 21 đã khép lại với nhiều biến cố đáng nhớ. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây ra ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, dẫn đến những hậu quả khó lường về chính trị, an ninh và ổn định xã hội. Môi trường cũng đang đặt thế giới trước những nguy cơ khủng hoảng lớn. Chưa bao giờ biến đổi khí hậu lại trở thành vấn đề nóng bỏng như hiện nay. Dịch cúm A/H1N1 bùng phát hồi tháng 4 tại Mexico, lây lan sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục đã làm hơn 11.000 người tử vong và hơn nửa triệu người bị nhiễm bệnh.

Từ những tháng cuối cùng của năm 2009, bức tranh kinh tế thế giới đã bắt đầu xuất hiện những mảng sáng, và dự kiến sẽ còn tiến triển tốt hơn trong năm 2010, nhưng tốc độ phục hồi dự đoán sẽ vẫn rất chậm và không chắc chắn. Sau khi giảm khoảng 2,2% năm 2009, sản lượng toàn cầu dự báo tăng 2,7% năm 2010 và 3,2% năm 2011. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bởi đà phục hồi hiện nay chủ yếu nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ các nước. Một nguy cơ nữa ám ảnh sự phục hồi kinh tế đó là tình trạng nợ công. Tính đến ngày 10/12/2009, nợ công toàn cầu lên đến 36.000 tỉ USD. Tại Anh, mức nợ công đã lên tới con số kỷ lục 1.320 tỉ USD, chiếm 55,6% GDP. Mỹ cũng thông báo mức nợ công đã vượt 12.000 tỉ USD. Con số này tại Nhật Bản là gần 580 tỉ USD - mức kỷ lục kể từ năm 1946. Ngày 13/11/2009, bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng, nguy cơ lớn nhất vẫn là những bong bóng cổ phiếu, nhà ở và các bất động sản khác không thể kiểm soát nổi, có thể xuất hiện và nổ tung bất cứ lúc nào trong quá trình phục hồi kinh tế nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm.

Tình hình và xu hướng phát triển kinh tế trong nước

Việt Nam bước vào thời kỳ chiến lược mới (2011-2020) trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường. Ở trong nước, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 đã làm cho sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, một số yếu kém của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục, nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết.

Khủng hoảng tài chính trong năm 2008, 2009 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, đồng thời làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của nước ta. Cùng với đó là bão lũ xảy ra liên tiếp, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 5,32%, vượt mục tiêu đề ra và là một trong số rất ít nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới. Sản xuất công nghiệp   thoát khỏi tình trạng trì trệ những tháng đầu năm và cả năm đã tăng 7,6%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa với sản lượng lúa cả năm đạt 38,9 triệu tấn, tăng 165,7 nghìn tấn so với năm 2008. Cân đối kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Mặc dù nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài giảm 70%, nhưng đầu tư trong nước đã được khơi thông nên tính chung vốn đầu tư phát triển cả năm đạt 704,2 nghìn tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008. Thu ngân sách đạt dự toán cả năm và bội chi ngân sách bảo đảm được mức Quốc hội đề ra là không vượt quá 7% GDP. Lạm phát được kiềm chế, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 12/2009 so với  tháng 12/2008 tăng 6,52%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng dưới 10% Quốc hội đề ra; chỉ số tăng giá bình quân năm 2009 là 6,88%, thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Những kết quả đạt được của năm 2009 cho thấy, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 vẫn còn những hạn chế, bất cập nếu không tích cực tìm các giải pháp khắc phục có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và các năm tiếp theo. Những hạn chế, yếu kém này bao gồm: Thứ nhất, nền kinh tế tuy đã tăng trưởng khá và vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả nên chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa thật vững chắc. Thứ hai, cơ cấu kinh tế tuy bước đầu đã chuyển dịch theo hướng tiến bộ và tích cực, nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỉ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất nói chung và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nói riêng. Thứ ba, cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, mức thâm hụt ngân sách tuy đã được khống chế, nhưng đã lên tới 7% GDP; nhập siêu hàng hoá năm 2009 tuy giảm 32,1% so với năm 2008, nhưng vẫn bằng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, lạm phát trong năm được khống chế ở mức hợp lý, nhưng nhìn chung giá cả vẫn tiếp tục tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao. Thứ tư, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục như đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn còn cao.

Trong thời gian tới, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi là điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến cầu tiêu dùng thế giới còn thấp và các công ty lớn đang trong thời kỳ hồi phục, cho nên xuất khẩu khó có mức tăng cao và việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng vẫn còn hạn chế.

Thời gian qua, nhờ chương trình kích cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi tương đối tốt với những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư đã khởi sắc và tiêu dùng cá nhân của Việt Nam đã thoát khỏi mức đáy trong thời kỳ khủng hoảng. Do vậy, năm 2010 sẽ là một năm quan trọng đối với chúng ta khi mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với thách thức trong việc giảm áp lực lạm phát mà không tác động bất lợi tới tăng trưởng trong bối cảnh thế giới như hiện nay.

Năm 2010, với diễn biến kinh tế thế giới thuận lợi hơn, cùng với sự năng động và dẻo dai của nền kinh tế, nếu các điều kiện vĩ mô được giữ ổn định thì tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo có khả năng  đạt 6,5%. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là liệu có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% hay không mà là nên đạt được bằng cách nào. Nếu không chú trọng tới việc cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, nhưng lại vẫn cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bằng mọi giá, thì hệ quả tất yếu là tăng trưởng sẽ phải nhờ vào việc mở rộng tài khóa và tiền tệ quá mức. Kết quả cuối cùng là lạm phát, bất ổn vĩ mô, tăng trưởng kém bền vững, thậm chí suy giảm trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, đồng thời từng bước khắc phục những nút thắt cổ chai vốn có của nền kinh tế về cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực thì với nội lực sẵn có, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng 6 - 7% một cách ổn định và bền vững.

 

Sự phục hồi của thị trường tài chính quốc tế

Thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế đang ổn định và hồi phục dần. Tính thanh khoản của thị trường liên ngân hàng được đo qua mức lãi suất mà các ngân hàng sử dụng với nhau và với ngân hàng trung ương trên thị trường đồng đô la đã giảm từ mức đỉnh chưa từng có 366 điểm cơ bản (1 điểm cơ bản - basic point = 0,01%) xuống còn dưới 15 điểm - gần với mức bình thường trước khủng hoảng. Các mức lãi suất chính sách vẫn ở mức thấp, mặc dù một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu chính sách thắt chặt hoặc có tín hiệu sớm thực hiện thắt chặt. Lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở quanh mức 12 điểm cơ bản trong khi vào giữa năm 2007 là 550 điểm cơ bản, lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 100 điểm cơ bản trong khi năm 2008, con số này là 400. Lãi suất thị trường ngắn hạn cũng ở mức thấp cho thấy chi phí cơ hội của việc đi vay đang giảm    xuống và niềm tin giữa các bên trong hệ thống ngân hàng toàn cầu đang tăng lên.

Cho tới cuối năm 2009, tổng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng do những bất ổn đã dịu đi và những ám ảnh lo sợ rủi ro đã giảm xuống. 5 tháng cuối năm 2009 (tính đến  tháng 11) tổng vốn vào đạt 435 tỉ đô la, tăng lên so với mức 218 tỉ đô la của 6 tháng đầu năm. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại các nước đang phát triển đạt 109 tỉ USD năm 2009, tăng 45 tỉ USD so với năm 2008. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu được cải thiện cho thấy sự ổn định trở lại của thị trường tài chính và phần nào cũng cho thấy sự quay trở lại của các hoạt động đầu cơ tiền. Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại của các dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng làm gia tăng lo ngại về sự quay trở lại của các bong bóng tài sản trên thị trường chứng   khoán, tiền tệ, và bất động sản tại các nước đang phát triển.

Đối lập với sự phục hồi của thị trường trái phiếu và cổ phiếu, các khoản vay ngân hàng giữa các quốc gia vẫn còn yếu do các ngân hàng toàn cầu đang nỗ lực tái cấu trúc lại bảng cân đối tài sản của mình. Trong năm 2009, các khoản cho vay hợp vốn (syndicated loan) đạt 129 tỉ USD, trong khi năm 2008 là 259 tỉ USD. Tổng thể, các  khoản cho vay nước ngoài của các ngân hàng theo báo cáo lên BIS (Ngân hàng thanh toán quốc tế) chỉ tăng lên thêm 10 tỉ USD trong quý 2/2009, sau khi giảm xuống 126 tỉ USD vào quý đầu năm và 279 tỉ USD quý 4/2008. Triển vọng về sự tăng trưởng trở lại của các khoản cho vay ngân hàng trong tương lai gần chắc chắn là không thể, đặc biệt là các khu vực như châu Âu và Trung A, nơi mà các khoản nợ xấu gia tăng và những thay đổi lớn bên trong chắc chắn sẽ kìm hãm cả cung và cầu cho vay.

Ngược lại với các dòng vốn mang tính chất nợ, dòng vốn đầu tư trực tiếp vẫn chưa cho thấy sự gia tăng mạnh trở lại. FDI là dòng vốn quốc tế ổn định nhất nhưng cũng đã giảm xuống 40% kể từ quý đầu năm 2008 và đạt 69 tỉ USD vào quý 3/2009. Mặc dù được phục hồi vào quý cuối năm nhưng tổng dòng vốn FDI xét cả năm ước đạt 385 tỉ USD, chỉ bằng 30% giá trị năm 2008. Trong đó dòng vốn FDI vào lĩnh vực ngân hàng (tăng mạnh trong những năm gần đây) vẫn còn rất giới hạn.

Ngược lại với những dấu hiệu hồi phục của thị trường tài chính thế giới, sự kiện Dubai và những ảnh hưởng của sự xuống cấp tín dụng của Hy Lạp và   Mexico một lần nữa dấy lên những quan ngại về tính bền vững của các khoản nợ quốc gia, gây ảnh hưởng tới việc đánh giá rủi ro, sự luân chuyển các dòng vốn và thị trường tài chính năm 2010. Thách thức lớn của năm 2010 chính là chính sách thời hậu khủng    hoảng với những nguy cơ tiềm ẩn như hình thành những loại bong bóng mới, thiếu khả năng thanh toán nợ đúng hạn và nợ ngân sách tăng quá cao. Hiện nay, giá tài sản, nguyên liệu đang có xu hướng tăng lên do tình trạng bơm tiền mặt vào thị trường với một phần hỗ trợ cho các hoạt động vay tín dụng và phần còn lại được đầu tư vào thị trường tài sản khiến giá bất động sản tăng. Gần đây, một số ngân hàng lớn trên thế giới lại cảnh báo nợ khó đòi sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với các tổ chức tín dụng ở nhiều nước. Nhiều ngân hàng có thể phải chịu những thiệt hại trong kinh doanh do các khách hàng không thể thanh toán nợ đúng hạn. Ngoài ra, nợ công của các quốc gia trên thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do kế   hoạch phục hồi kinh tế của các chính phủ. Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Đức đã thoát khỏi tình   trạng suy thoái trong những tháng gần đây, nhưng vẫn có nguy cơ tái suy    thoái, một phần do nợ nhà nước chồng chất. Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới vẫn tăng trưởng âm trong năm 2009, nhiều Chính phủ tiếp tục phải vay nợ để đối phó với những tác động do suy thoái kinh tế gây ra.

Thị trường tài chính tiền tệ trong nước

Với vị thế thành viên chính thức WTO cùng các nỗ lực hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã là một phần của kinh tế khu vực và thế giới. Rất nhiều cơ hội và tất nhiên, từng biến động của môi trường kinh tế và kinh doanh quốc tế sẽ tạo ra ảnh hưởng tới Việt Nam. Chính vì vậy, nền kinh tế và cả hệ thống tài chính Việt Nam không thể tránh khỏi những “chấn động” trong cơn bão khủng hoảng tài chính và sự suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua, cụ thể là:

- Sự  biến động về lãi suất và tỉ giá: Tỉ giá đã có những biến động rất phức tạp. Nếu quý 1/2008, trên thị trường liên ngân hàng, tỉ giá USD/VND giảm từ mức 1USD = 16.112VND xuống còn 15.960 VND, thì trên thị trường tự do, tỉ giá USD/VND chỉ còn 15.700 - 15.800. Nhưng đến quý 2, tỉ giá USD/VND đã có lúc lên tới 19.500 (ngày 18/6/2008, cao hơn 2.600 đồng so với mức giá trần); còn trên thị trường tự do, tỉ giá này cao hơn khoảng 100 - 150 đồng. Trong năm 2008, xu hướng mức lãi suất cơ bản phụ thuộc nhiều vào chỉ số giá cả vì mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Mức lãi suất cao nhất phổ biến năm 2008 của các NHTMCP thường từ 17,4% - 18,9%/năm, cá biệt có thời điểm 19% và hơn 19%/năm. Lãi suất liên ngân hàng ở mức từ 20% -21%/năm.

- Đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp giảm: Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ làm cho nguồn vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp và đã ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Các tập đoàn kinh tế toàn cầu (TNCs) đã và đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đối phó với cuộc khủng hoảng. Sự điều chỉnh chiến lược của các TNCs sẽ tác động cả đến những dự án đã được cấp phép cũng như các dự án tiềm năng đang đàm phán. Nhiều tập đoàn tạm thời phải thu hẹp phạm vi và đình hoãn một số dự án đầu tư không có khả năng thu xếp các khoản tín dụng. Do vậy, nhiều dự án FDI đã được cấp phép có khả năng giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện, làm cho tỉ lệ vốn FDI thực hiện so với vốn FDI đăng ký giảm so với những năm trước.

- Thị trường chứng khoán có nhiều biến động: Kết thúc năm 2008, chỉ số VN-Index và HASTC-Index cùng giảm gần 70% so với đầu năm, một mức sụt giảm chưa từng có trong lịch sử hơn 8 năm hoạt động, thuộc nhóm chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới. Hàng chục nghìn tỉ đồng vốn hóa thị trường “bốc hơi” trong năm suy giảm nghiêm trọng này. Sang năm 2009, thị trường đã có những bước phục hồi nhưng vẫn chậm và còn cách xa so với mức giao dịch trước khủng hoảng.

- Tiến độ cổ phần hoá của các doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng: Mục tiêu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lại thêm một năm thất bại. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm 2008 chỉ cổ phần hóa được 73/262 doanh nghiệp, chỉ đạt 28% kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

- Luân chuyển vốn trong nền kinh tế và trên thị trường tài chính bị hạn chế: Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều thay đổi hành vi đầu tư trên thị trường Việt Nam. Họ có thể định hướng lại chiến lược đầu tư và cơ cấu danh mục đầu tư, kể cả việc rút vốn khỏi Việt Nam. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư an toàn để tránh rủi ro trong bối cảnh biến động như hiện nay.

- Việc huy động vốn trong và ngoài nước của cả Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó có các  doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn.

Dưới sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo định hướng của Chính phủ, thị trường tài chính Việt Nam vẫn đứng vững trước những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng. Những tháng đầu năm 2010, thị trường đã dần đi vào ổn định. Tỉ giá USD/VND đã được bình ổn với chênh lệch giữa thị trường tự do và tỉ giá trên thị trường liên ngân hàng đã được rút ngắn và trong những tháng gần đây, gần như đã không có sự chênh lệch, duy trì ổn định tỉ giá. Mức lãi suất trên thị trường cũng đã dần giảm xuống, bao gồm cả lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay nền kinh tế, đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường.

Một số dự báo đối với thị trường tài chính - tiền tệ trong nước

Trên cơ sở dự báo thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, chúng ta nhận thấy rằng các thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối đã có dấu hiệu phục hồi, song còn chứa đựng nhiều rủi ro và chưa ổn định. Ngoài ra, thị trường vàng còn biến động sẽ tác động không nhỏ tới ổn định tiền tệ và các cân đối vĩ mô của Việt Nam.

Khó khăn trước mắt là thâm hụt cán cân thanh toán được cải thiện chậm, gây khó khăn không nhỏ cho NHNN trong việc ổn định tỉ giá và tăng dự trữ ngoại hối.

Trong trung hạn, thâm hụt ngân sách cũng là một vấn đề đáng để Chính phủ Việt Nam phải quan tâm. Vấn đề không chỉ nằm ở tình trạng thâm hụt ngân sách mà còn ở nguyên nhân và cách tài trợ thâm hụt. Nếu thâm hụt ngân sách bắt nguồn từ việc đầu tư cho những dự án hiệu quả, và vì vậy, mang lại ích lợi cho nền kinh tế trong tương lai thì không đáng ngại. Trái lại, nếu thâm hụt là do giải cứu những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, hay đầu tư vào những dự án kém hiệu quả thì rất nguy hiểm. Nếu thâm hụt được tài trợ nhờ tăng nguồn thu thuế do doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển thì sẽ bền vững, nhưng nếu nhờ tận thu thuế sẽ chèn lấn khu vực doanh nghiệp và gây ảnh hưởng tới hoạt động cũng như hạn chế các động lực mở rộng của khu vực này.

Khi kết thúc khủng hoảng thì thị trường tài chính sẽ bước sang một giai đoạn mới, với những bước phát triển mới, cấu trúc thị trường và vai trò giám sát thị trường của các cơ quan quản lý có sự thay đổi. Điều này cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường tài chính Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường tài chính Việt Nam vẫn là một thị trường non trẻ, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc trong và ngoài nước tác động. Tuy nhiên, sự non trẻ cũng là một cơ hội tốt cho thị trường tài chính Việt Nam có sự bứt phá mới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Dự báo đến năm 2020 thị trường tài chính Việt Nam sẽ phát triển mạnh, ổn định và hội nhập sâu vào thị trường tài chính quốc tế. Hệ thống ngân hàng sẽ có những cải cách mạnh mẽ sau khủng hoảng, có thể sẽ đưa đến việc thành lập các tập đoàn tài chính mới hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế, có qui mô vốn lớn, hoạt động đa năng.

Trong dài hạn, với điều kiện kinh tế tăng trưởng bền vững, khu vực tài chính Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện tốt để tăng trưởng, mở rộng hoạt động, tăng cường sức cạnh tranh và mở rộng ra thị trường quốc tế. Sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế khu vực và quốc tế, và việc tiến hành tự do hóa tài chính từng bước cũng đòi hỏi tự thân hệ thống tài chính trong nước phải có sự điều chỉnh trong cơ cấu hoạt động, năng lực quản trị rủi ro, tăng cường khả năng chống đỡ đối với các cú sốc từ bên trong và bên ngoài, để có thể phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh và Nguyễn Thùy Linh

SBV

Các tin tức khác

>   Vốn hỗ trợ phát triển: Ứng xử thế nào trước nguy cơ hạn chế? (11/10/2010)

>   Chính sách tỉ giá: Không đơn giản chỉ là phá giá đồng tiền (11/10/2010)

>   Nợ công gia tăng và nỗi lo vay nợ của DN Nhà nước (09/10/2010)

>   Đồng nội tệ và câu chuyện niềm tin (09/10/2010)

>   Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Những mục tiêu chính sách chưa rõ (08/10/2010)

>   “Năm 2011 nợ công có thể ở mức 60% GDP” (03/10/2010)

>   Nợ công đã ở mức 52,6% GDP (02/10/2010)

>   Vì sao xếp hạng tín nhiệm? (28/09/2010)

>   4 xu hướng ứng dụng công nghệ cho ngành tài chính (27/09/2010)

>   Bổ sung cán bộ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (26/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật