Vì sao xếp hạng tín nhiệm?
|
Ông Nguyễn Hữu Đương. | Xếp hạng tín nhiệm, như gần đây là Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm hai ngân hàng lớn của Việt Nam, đang được nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp rất quan tâm. Để nói thêm về hoạt động xếp hạng tín nhiệm, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước.
TBKTSG Online: Hoạt động đánh giá tín nhiệm còn mới mẻ ở Việt Nam, ông có thể miêu tả công việc của tổ chức này như thế nào?
- Ông Nguyễn Hữu Đương: Thời gian gần đây, thông tin xếp hạng tín nhiệm được nhiều người trong nước quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Hoạt động xếp hạng này phổ biến trên thế giới và khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy đến hoặc nền kinh tế chung có vấn đề thì lúc đó người ta càng thấy xếp hạng là quan trọng.
Khởi nguồn của cuộc suy thoái này bắt đầu từ vụ sụp đổ Enron, khi mà xếp hạng Enron có vấn đề thì đã kéo theo một loạt vấn đề cho tới tận bây giờ. Ở Mỹ khi xảy ra cuộc tràn dầu mỏ thì ngay lập tức xếp hạng của công ty đó cũng bị đánh tụt. Ở Hy Lạp, kết quả xếp hạng quốc gia của Hy Lạp giảm xuống kéo theo hàng loạt vấn đề xảy ra với nền kinh tế. Như vậy, xếp hạng tín nhiệm trở thành vấn đề được quan tâm lớn trên thế giới.
Đối với Việt Nam, vấn đề này còn mới mẻ, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành được 8 năm. Hoạt động xếp hạng tín nhiệm cũng đang được áp dụng cho thị trường tài chính nhưng chưa phổ biến nên một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính còn chưa thấy được vai trò của hoạt động này.
Cụ thể, công việc xếp hạng sẽ căn cứ vào các chỉ tiêu tài chính của các báo cáo tài chính của doanh nghiệp và chỉ tiêu phi tài chính như quản trị điều hành, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp... để đánh giá, xếp hạng.
Các chỉ tiêu đó được phân tích theo một cơ cấu nào đó để được chuẩn hóa và đưa ra thành điểm. Sẽ có hai nhóm chỉ tiêu để làm cơ sở căn cứ, đó là chỉ tiêu tài chính và chỉ tiêu phi tài chính. Từ tổng số điểm của các chỉ tiêu, cộng lại thành khung điểm và chia thành 9 loại doanh nghiệp, được xếp hạng từ AAA đến C.
TBKTSG Online: Ở Việt Nam mới có CIC xếp hạng tín nhiệm, hoạt động của CIC khác và giống so với các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm ra sao?
- Ở các nước phát triển, hoạt động xếp hạng phổ biến và đa dạng, có thể xếp hạng quốc gia, thành phố, môi trường kinh doanh, uy tín của chính phủ, xếp hạng doanh nghiệp.
Còn CIC thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì xếp hạng các doanh nghiệp Việt Nam. Điểm giống nhau giữa CIC và các tổ chức xếp hạng chuyên nghiệp quốc tế là đều tiến hành xếp hạng, nhưng khác là CIC chỉ xếp hạng doanh nghiệp. Và CIC chỉ xếp hạng các doanh nghiệp loại trừ các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính, và những công ty thuê mua tài chính. Có thể nói CIC chỉ xếp hạng thuần túy các khách hàng của ngân hàng thôi. Còn công ty xếp hạng quốc tế thì họ xếp hạng đa dạng như nói trên.
TBKTSG Online: CIC thuộc Ngân hàng Nhà nước và hoạt động có thu phí, điều này theo nhiều người là có ảnh hưởng đến tính độc lập của một tổ chức xếp hạng tín dụng. Ông nghĩ thế nào?
- Câu hỏi này được xét theo hai ý. CIC trực thuộc Ngân hàng Nhà nước có đảm bảo độc lập hay không? Theo tôi, điều đó vẫn đảm bảo theo thông lệ quốc tế, trên thế giới có nhiều nước có cơ quan đăng ký tín dụng công thực chất là cơ quan thông tin tín dụng giống như CIC nằm trong ngân hàng trung ương. Độc lập theo ý nghĩa không trực thuộc của nhà nước thì thế giới có hai hình thức là tổ chức sở hữu công và sở hữu tư. Sở hữu công thì hầu hết thuộc nhà nước, còn sở hữu tư do các công ty tư nhân đứng ra thành lập.
Hiện tại thì doanh nghiệp của Việt Nam khi muốn quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu của mình và muốn được phát hành trái phiếu ở nước ngoài thì phải được xếp hạng ở một công ty nào đó trên thể giới và tốn rất nhiều tiền để được xếp hạng. Chính vì thế, việc CIC thu phí xếp hạng không ảnh hưởng gì đến việc độc lập hay không độc lập.
TBKTSG Online: Kết quả đánh giá tín nhiệm nói chung có tác động thế nào lên các tổ chức bị đánh giá và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường?
- Hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường tài chính cần có sự đánh giá để ngân hàng, hoặc những cơ quan cung ứng vốn biết được bản chất về năng lực kinh doanh, trạng thái, của doanh nghiệp đó là đang ở mức nào, thông qua đánh giá, xếp hạng. Những doanh nghiệp được đánh giá ở mức cao (làm ăn có lãi trong nhiều năm, cơ cấu tổ chức tốt...) thì các ngân hàng sẽ chú trọng cho vay. Với kết quả đánh giá cao, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện để tiếp cận vốn, lãi cho vay sẽ thấp hơn khi lãi suất thỏa thuận, đó là ưu thế của xếp hạng.
Đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán khi được xếp hạng cao thì các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn. Thị trường chứng khoán có nhiều đặc thù, biến động hàng ngày nên sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng dù sao việc xếp hạng tín nhiệm cũng là cái nền chung để đánh giá doanh nghiệp.
TBKTSG Online: Nếu bị đánh giá theo hướng tiêu cực, các tổ chức bị đánh giá thường phản ứng thế nào, liệu họ có tiếp thu và cải thiện hoạt động của mình hay không?
- Đối với các nước, khi muốn phát triển thì tận dụng tối đa các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là nguồn lực vốn. Nhưng nguồn lực vốn này phải sử dụng có hiệu quả, nếu sử dụng sai thì khả năng thu hồi vốn thấp. Chính vì vậy nguồn lực phải trao đến tay người xứng đáng được sử dụng vốn. Trên thế giới, có rất nhiều cách để lựa chọn người xứng đáng được sử dụng vốn, trong đó có xếp hạng. Và thông thường khi xếp hạng thì sẽ đưa ra một ngưỡng an toàn, doanh nghiệp nào đạt ở ngưỡng quy định thì sẽ nằm trong diện an toàn và có nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn.
Nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định là chỉ những doanh nghiệp được xếp hạng ở mức nào đó trở lên thì mới được tham gia vào thị trường chứng khoán; doanh nghiệp nào xứng đáng được sử dụng nguồn lực kinh doanh.
Bảng xếp hạng tính nhiệm là để doanh nghiệp có cơ sở để đánh giá lại và phấn đấu để có thể đạt ngưỡng an toàn; nếu chưa thì phải đặt ra lộ trình phấn đấu thực hiện để đạt tới mức an toàn.
Thoa Nguyễn thực hiện
tbktsg
|