Thứ Năm, 23/09/2010 23:36

Xếp hạng tín nhiệm nhìn từ nợ nần của Vinashin

Qua vụ Vinashin, các tổ chức tín dụng dường như đã chủ quan hay còn có một nhân tố nào khác khiến họ có niềm tin mạnh mẽ đến mức bỏ qua các thông tin và số liệu cảnh báo? Đó phải chăng là tâm lý “ăn chắc” khi cho vay đối với một DN nhà nước?

Ở Việt Nam bước đầu đã có những sản phẩm thông tin tín dụng, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp… đây có thể coi là một dạng xếp hạng tín nhiệm của DN. Tuy nhiên, nhìn từ chuyện nợ nần của Vinashin, một lần nữa cho thấy ý thức và sử dụng đúng các thông tin xếp hạng ở Việt Nam chưa thành một thông lệ khoa học.

Không khó để kiểm tra

Mới đây, Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, kho dữ liệu của của đơn vị này hiện đã cập nhật thông tin 18 triệu hồ sơ của các khách hàng cá nhân hay pháp nhân vay tiền tại các tổ chức tín dụng.

Thông tin này rất đáng tin cậy và đầy đủ, vì hàng ngày, các hoạt động vay tiền, biến động nợ vay của hàng chục triệu khách hàng sẽ được cập nhật trực tiếp từ các tổ chức tín dụng. Trung tâm sẽ xử lý, lưu trữ trong kho dữ liệu nhằm cung cấp cho các cơ quản quản lý và phục vụ kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Từ đây, sẽ có hàng ngàn bản báo cáo thông tin tín dụng để cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu.

Trung tâm này cho biết, một sản phẩm quan trọng của họ là xếp hạng tín dụng DN dành cho dành cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng.

Tình hình pháp lý, tài chính, vay nợ ngân hàng của một doanh nghiệp sẽ được chi tiết hoá, giúp cho người sử dụng thông tin có được cái nhìn tổng quan về năng lực hoạt động của doanh nghiệp và chỉ số xếp hạng của doanh nghiệp đó trong các năm tài chính. Rất nhiều ngân hàng sử dụng thông tin này để cho quyết định cho vay DN.

Trong tổng số nợ 86.000 tỷ đồng của Vinashin để lại, cho đến thời điểm này, chưa có công bố chính thức về con số nợ nần của Vinashin ở các ngân hàng.

Song, một phép tính đơn giản là sau khi trừ đi các khoản vay trái phiếu, có bảo lãnh chính phủ… thì số nợ vay ngân hàng cũng đến hàng chục ngàn tỷ ở các ngân hàng trong nước. Và chắc chắn, có nhiều ngân hàng dính nợ khó đòi khi cho Vinashin và các DN thành viên tập đoàn này.

Tình hình tài chính của Vinashin cũng như các DN thành viên không phải bây giờ mới diễn ra và những DN này chắc chắn đều có quan hệ nhiều năm với các tổ chức tín dụng. Như vậy, những thông tin về tình trạng tín dụng của các DN này sẽ được cập nhật.

Có thể từ một tổ chức tín dụng sẽ khó hình dung hết nhưng từ một cơ quan thông tin tín dụng có vị trí và ưu thế thông tin như Trung tâm thông tin tín dụng có một cái nhìn toàn cảnh về tình hình tín dụng của các DN thuộc Vinashin.

Vấn đề là, các thông tin đó có được cập nhật và cảnh báo đầy đủ đến các tổ chức tín dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động này  cũng như mục đích của thông tin và xếp hạng tín dụng chưa? Mặt khác, các tổ chức tín dụng có quan tâm và sử dụng các cảnh báo này một cách hiệu quả để đảm bảo sự an toàn cho chính mình?.

Dưới góc độ này, chưa nói ai có lỗi nhưng với với món nợ hàng chục ngàn tỷ và có rất nhiều khoản quá hạn mà các ngân hàng đang gánh chịu thì rõ ràng việc sử dụng thông tin và xếp hạng tín dụng đã không được sử dụng một cách hiệu quả.

Không biết hay cố tình không biết

Rõ ràng, các thông tin tín dụng DN có quan hệ với các tổ chức tín dụng không phải không thiếu và rất dễ dàng để kiểm tra. Vậy phải chăng các tổ chức tín dụng đã chủ quan hay cố tình không làm?.

Thực tế, các ngân hàng Việt Nam đã rất chú ý đến thông tin tín dụng. Để vay được một khoản tiền, các DN đều được kiểm tra rất kỹ càng, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau trong đó các các thông tin chính thức như của Trung tâm thông tin tín dụng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã xây dựng những chỉ số riêng, công cụ riêng để xếp hạng rủi ro và phân loại cho vay đối với DN. Cũng chính từ việc kiểm soát này, rất nhiều DN dù rất muốn nhưng vẫn bị ngân hàng từ chối, khó tiếp cận các khoản vay nhất là đối với các DN nhỏ nếu không có tài sản thể chấp tương ứng.

Vậy tại sao lại có những trường hợp như của Vinashin và các thành viên tập đoàn này được vay số tiền lớn khiến các ngân hàng phải ôm nợ? Điều gì đã khiến các thông tin xếp hạng doanh nghiệp về tín dụng về khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là các khoản nợ ngân hàng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, không thể hiện trong các quyết định của các tổ chức tín dụng khi xem xét đề nghị vay vốn của tập đoàn này?

Hậu quả là một khoản nợ khổng lồ củ Vinashin mà không chỉ các tổ chức tín dụng mà cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phải đau đầu giải quyết. Trong khi đó, hàng ngàn DN dân doanh lại đang khó khăn để tiếp cận với nguồn vốn sản xuất.

Một doanh nghiệp có thể sử dụng những phương thức huy động vốn khác nhau, từ vay trực tiếp từ ngân hàng, đến phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trên thị trường tài chính, bất cứ phương thức nào cũng đều đòi hỏi những đánh giá và xếp hạng nhằm phản ánh chính xác hơn tình hình tài chính của doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ vay, mức độ rủi ro, triển vọng phát triển…

Tuy nhiên, qua vụ Vinashin, các tổ chức tín dụng dường như đã chủ quan trước điều này để rồi phải gánh hậu quả . Hay còn có một nhân tố nào khác khiến các tổ chức tín dụng có niềm tin mạnh mẽ đến mức bỏ qua các thông tin và số liệu cảnh báo?

Đó phải chăng là tâm lý “ăn chắc” khi cho vay đối với một DN nhà nước, một tập đoàn kinh tế nhà nước lớn mà Chính phủ đang tập trung đầu tư với nhiều ưu đãi.

Thật khó nói về điều đó nhưng rõ ràng, việc không coi trọng và sử dụng đúng các thông tin xếp hạng tín dụng hay nói rộng ra là chưa có thói quen làm việc với các tiêu chí xếp hạng tín nhiệm, tổ chức tín dụng và DN Việt Nam đã có những hậu quả nhãn tiền.

Lê Khắc

VNR500

Các tin tức khác

>   Không cung cấp thông tin tài chính sẽ bị xử phạt (23/09/2010)

>   Rót thêm một tỷ USD cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (22/09/2010)

>   Việt Nam và Anh tăng cường hợp tác về kiểm toán (22/09/2010)

>   Lương tối thiểu chưa theo kịp thực tế (17/09/2010)

>   Xóa bỏ tình trạng “con” kiểm toán “bố” và “các anh em” (17/09/2010)

>   Nâng cao quản lý Nhà nước với kiểm toán độc lập (16/09/2010)

>   Nợ công: Ngưỡng và “ngầm” (15/09/2010)

>   Gửi tiết kiệm, đầu tư vàng hay giữ USD? (14/09/2010)

>   Việt Nam bác bỏ ý kiến của IMF (10/09/2010)

>   4 tổ chức tài chính cùng thỏa thuận hợp tác chiến lược (09/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật