Lương tối thiểu chưa theo kịp thực tế
Trong khi nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương từ trên 1,6 triệu đồng/tháng để giữ chân người lao động thì mức lương cao nhất trong phương án lương tối thiểu của năm 2011 vẫn chỉ dừng lại ở 1,5 triệu đồng, mức lương này hoàn toàn không bắt kịp tình hình thực tế.
Đó là nhận định của các đại biểu trong hội nghị lấy ý kiến điều chỉnh lương tối thiểu do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tại TPHCM sáng 16-9.
Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA), hiện tại trong các khu công nghiệp, mức lương trung bình đã trên 2 triệu đồng/tháng, và đa phần các chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều không đồng tình với mức lương tối thiểu thấp như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất. Lý do, theo các doanh nghiệp là hiện nay các công ty mẹ không chấp nhận trả lương cho công nhân ở Việt Nam cao khi mà lương tối thiểu được quy định quá thấp. Điều này gây trở ngại cho họ trong việc tuyển dụng lao động vì mức lương không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Ông Định cũng cho rằng mức sống của TPHCM luôn cao hơn các thành phố khác, và tốc độ tăng của giá cả cũng rất nhanh, vì vậy đời sống công nhân luôn rơi vào tình trạng khó khăn và khó tái tạo sức lao động. “Đây là điều mà bộ nên cân nhắc khi đưa ra phương án lương tối thiểu cho năm 2011, để mức lương vùng quy định sát với thực tế”.
Theo đại biểu của tỉnh Long An, tỉnh này cũng đang có hiện tượng công nhân đình công vì lương tối thiểu thấp. Bên cạnh đó, đơn giá mà doanh nghiệp thương lượng được với khách hàng thường cũng không cao, do khách hàng dựa vào mức lương quy định chung của nhà nước để tính ra đơn giá. "Vì vậy nhiều doanh nghiệp kiến nghị nâng mức lương tối thiểu cao hơn cho sát với tình hình trả lương của doanh nghiệp", vị đại diện này cho biết.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng hiện tại lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng đang áp dụng chung cho cả doanh nghiệp lẫn cả khối hành chính sự nghiệp, vì vậy mỗi khi tính toán tăng lương thì nhà nước lại phải nghĩ đến chuyện thâm hụt ngân sách, dẫn đến việc lương tối thiểu trong doanh nghiệp cũng tăng chậm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đề nghị nên chăng nên tách 2 mức lương này để có thể linh hoạt hơn trong điều chỉnh.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì việc tăng lương tối thiểu hiện nay là theo lộ trình quy định của chính phủ, không phải do bộ quyết định, nếu muốn có những thay đổi phải thực hiện từng bước, và phải có sự đồng ý của chính phủ. Bên cạnh đó, với một số địa phương sẽ chuyển vùng từ vùng 2 lên vùng 1 như yêu cầu của các tỉnh, cùng với lộ trình tăng lương tối thiểu từ năm 2011 thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận mức tăng đến 40%, đây là một mức khá cao nên khi quyết định mức lương mới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng phải cân nhắc.
Phương án dự kiến điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2011
Vùng |
Mức lương tối thiểu vùng với
DN trong nước |
Mức lương tối thiểu vùng với
DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) |
Năm 2010
(nghìn đồng) |
Dự kiến 2011
(nghìn đồng) |
Mức tăng
(%) |
Năm 2010
(nghìn đồng) |
Dự kiến 2011
(nghìn đồng) |
Mức tăng
(%) |
Vùng 1 |
980 |
1.270 |
29,6 |
1.340 |
1.500 |
11,9 |
Vùng 2 |
880 |
1.150 |
30,7 |
1.190 |
1.320 |
10,9 |
Vùng 3 |
810 |
950 |
17,3 |
1.040 |
1.150 |
10,6 |
Vùng 4 |
730 |
830 |
13,7 |
1.000 |
1.100 |
10 | |
Thanh Thương
TBKTSG ONLINE
|