Thứ Năm, 02/09/2010 16:03

Nguy cơ đóng cửa nhiều công ty kiểm toán

 Không chỉ gặp khó khăn trong kinh doanh, nhiều công ty kiểm toán nhỏ còn đứng trước nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, trong số 162 công ty kiểm toán hiện nay, thì có hơn 100 đơn vị được thành lập, trong vòng 5 năm trở lại đây. Số lượng công ty kiểm toán đã vượt 62% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2001-2010.

Thị trường kiểm toán được mở rộng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt kể từ năm 2007, khi Luật Chứng khoán có hiệu lực yêu cầu không chỉ tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán, mà cả các công ty đại chúng cũng thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.

Cũng trong khoảng thời gian này, Chính phủ bổ sung nhiều đối tượng như quỹ đầu tư phát triển địa phương; vốn sở hữu của chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; vốn góp của tổ chức, cá nhân tham gia thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… bắt buộc phải kiểm toán. Với quy định này, số lượng khách hàng của công ty kiểm toán là công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân… tăng đột biến từ khoảng 3.000 đơn vị năm 2006 lên 9.759 đơn vị vào năm 2009 và hiện chiếm trên 38% tổng số khách hàng của các công ty kiểm toán.

Theo Bộ Tài chính, thị trường kiểm toán rộng mở, doanh thu của toàn ngành kiểm toán tăng mạnh, từ mức 622 tỷ đồng (năm 2005) lên hơn 2.191 tỷ đồng vào năm 2009, trong đó doanh thu từ dịch vụ kiểm toán chiếm tới 62%. Thế nhưng, lợi nhuận của ngành kiểm toán lại không tăng tương xứng, mà lại có chiều hướng giảm, từ mức 29,9 tỷ đồng (năm 2004) đến năm 2008 con số lợi nhuận của toàn ngành chỉ còn 18,8 tỷ đồng và kết thúc năm 2009, toàn ngành kiểm toán bị… thua lỗ trên 39,1 tỷ đồng.

“Không chỉ các công ty kiểm toán trong nước, mà cả các công ty kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nếu chỉ cung cấp dịch vụ kiểm toán thì đều gặp rất nhiều khó khăn”, Giám đốc Công ty Kiểm toán AAC, ông Phạm Xuân Vạn nhận xét.

Ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, không chỉ gặp khó khăn trong kinh doanh, mà nhiều công ty kiểm toán còn đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào, vì không bảo đảm điều kiện có tối thiểu 3 kiểm toán viên hành nghề. Cụ thể, cả nước hiện có 1.200 kiểm toán viên hành nghề tại các công ty  kiểm toán (tính ra, bình quân mỗi đơn vị chỉ có khoảng 7,5 kiểm toán viên), nhưng có tới 31% công ty kiểm toán chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là có 3 kiểm toán viên hành nghề. “Với những đơn vị này, chỉ cần 1 kiểm toán viên chuyển công tác hay nghỉ việc với bất cứ lý do gì thì đều bị đóng cửa do không “đạt chuẩn”, ông Hùng cảnh báo và cho biết, Bộ Tài chính dự kiến sẽ điều chỉnh quy định, mỗi công ty phải có tối thiểu 5  kiểm toán viên.

Vì sao mà hầu hết các công ty kiểm toán rơi vào thua lỗ? Theo số liệu của Bộ Tài chính, 36% số khách hàng của công ty kiểm toán là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, 2% khách hàng là dự án quốc tế thì đều thuê công ty kiểm toán nước ngoài (cả nước hiện có 5 công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài và 2 công ty liên doanh); 15% tổng số khách hàng của công ty kiểm toán là công ty nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thường chỉ chọn những công ty kiểm toán có quy mô lớn, có kinh nghiệm để thực hiện báo cáo kiểm toán hàng năm. Cụ thể hơn, 20% số lượng công ty kiểm toán có lợi thế (là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế có uy tín hoặc ban lãnh đạo, kiểm toán viên đã từng làm việc tại các công ty kiểm toán nước ngoài) chiếm tới 76% doanh thu của toàn ngành; 80% số công ty kiểm toán còn lại “giành giật” 24% số doanh thu còn lại bằng mọi cách kể cả là hạ phí kiểm toán, giảm chất lượng kiểm toán… Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công ty kiểm toán rơi vào tình trạng “đóng cửa bất cứ lúc nào”.

Để “cứu” các công ty kiểm toán nhỏ, theo ông Võ Hồng Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A & C, một trong những biện pháp cần phải thực hiện là mở rộng đối tượng kiểm toán bắt buộc ra cả dự án nhóm B và công ty tư nhân lớn (ngoài công ty có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng, công ty đại chúng, công ty nhà nước, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước…). “Số lượng dự án nhóm B rất lớn, quy mô bình quân của mỗi dự án lên đến hàng trăm tỷ đồng thì cần phải đưa đối tượng này vào diện kiểm toán bắt buộc khi để vừa mở rộng được thị trường kiểm toán, vừa đảm bảo được tính minh bạch, sự trung thực của dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách”, ông Tiến kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng giám đốc PriceWaterhouseCoopers Vietnam cho biết, các nước trên thế giới đều có quy định công ty tư nhân lớn bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.

Hàn Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   "Ngành tài chính cần tập trung ổn định kinh tế" (27/08/2010)

>   Kiểm toán - nhìn từ phía khác (23/08/2010)

>   Giám sát dự án bị kiểm toán đòi hối lộ (20/08/2010)

>   Sẽ xử lý nghiêm 4 kiểm toán viên nhận hối lộ (18/08/2010)

>   Tăng hợp tác với ngành tài chính Trung Quốc (17/08/2010)

>   Thay vì cấm, hãy tổ chức các hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư (16/08/2010)

>   Cần làm gì và như thế nào? (12/08/2010)

>   Những “quả đấm thép” và con số của Kiểm toán Nhà nước  (07/08/2010)

>   ASOSAI 42: Ưu tiên kiểm toán nội bộ khu vực công (06/08/2010)

>   Cụ thể hóa vi phạm tiền tệ (03/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật