Thứ Sáu, 08/10/2010 19:33

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Những mục tiêu chính sách chưa rõ

Một trong những mục tiêu của Luật Kiểm toán độc lập là minh bạch thông tin tài chính của doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế lành mạnh, minh bạch hơn, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước, tổ chức, cá nhân... Những chế định của dự thảo luật trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 này liệu có đạt được những mục tiêu đã nêu? Bài viết này chỉ nêu quan điểm về một số chính sách của dự luật này.

Kiểm toán phải bảo đảm độc lập, khách quan

Ngoài dịch vụ kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán còn được cung cấp các dịch vụ khác như: tư vấn thuế, kế toán, tài chính... Theo thông lệ quốc tế phải phân biệt chức năng kiểm toán và tư vấn, làm rõ phạm vi, giới hạn của các dịch vụ: kiểm toán và tư vấn, kiểm toán và kế toán để bảo đảm tính độc lập của hoạt động kiểm toán.

Đặc thù dịch vụ kiểm toán là phải tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán do Bộ Tài chính quy định (theo chuẩn mực quốc tế). Chuẩn mực đó cho phép Báo cáo kiểm toán có một số trường hợp ngoại trừ như: trường hợp kiểm toán viên yêu cầu doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp không làm, không cung cấp đầy đủ thông tin, các quy định của cơ quan quản lý cấp trên khác quy định pháp luật... Do đó, cần có danh mục các vấn đề bắt buộc phải kiểm toán để hạn chế ngoại trừ nhiều, nếu không sẽ làm sai lệch giá trị của báo cáo kiểm toán, kéo dài thời gian kết thúc báo cáo kiểm toán, không bảo đảm tính độc lập của báo cáo kiểm toán.

Vai trò của Hội Kiểm toán viên hành nghề

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 23-9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban, cho rằng cần mạnh dạn thay đổi tư duy về hội, hỗ trợ hội, tạo điều kiện cho hội phát triển giúp một số việc cho cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế hội đã có kinh nghiệm hoạt động, có khả năng thực hiện một số việc quản lý: đào tạo, cấp chứng chỉ, giám sát chất lượng...

Về vấn đề này còn có quan điểm khác nhau, có ý kiến cho rằng trách nhiệm cấp các loại giấy phép, chứng chỉ là của Bộ Tài chính, hội chưa đủ năng lực.

Trái ngược với quan điểm này, có ý kiến cho rằng cần quy định vai trò, trách nhiệm Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) như một đối tượng điều chỉnh của luật, hội sẽ được giao một số việc quản lý nhà nước như cấp chứng chỉ, giám sát chất lượng...

Đến năm 2010, nước ta mới có 162 doanh nghiệp kiểm toán và 1.200 kiểm toán viên hành nghề, nhưng có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy số lượng doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên chắc chắn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Nếu tất cả thủ tục cấp phép tập trung vào Bộ Tài chính thì sẽ quá tải, khó tránh khỏi tiêu cực. Sau khi cấp phép, các sở tài chính cũng không quản lý, kiểm tra được việc thực hiện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập nên cho phép hội thực hiện một số công việc quản lý, giám sát chất lượng. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động ở Việt Nam cho thấy hội kiểm toán viên hành nghề có thể tham gia quản lý, giám sát chất lượng kiểm toán đến từng hội viên là doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên. Vì vậy, quy định kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên là cần thiết.

Có nên hạn chế kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam?

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập yêu cầu kiểm toán viên muốn hành nghề phải có chứng chỉ và có thời gian làm việc tại các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trong 36 tháng, kiểm toán viên nước ngoài phải biết tiếng Việt. Muốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán hoạt động ở Việt Nam phải có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề với hai điều kiện trên.

Các công ty kiểm toán cho biết hầu như không có trường hợp kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài nào đáp ứng được các điều kiện hành nghề này. Liệu quy định như vậy có phải là hạn chế đầu tư nước ngoài quá mức cần thiết trong khi thị trường dịch vụ kiểm toán ở nước ta còn nhiều cơ hội phát triển?

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng luật này tạo điều kiện, khuyến khích người Việt Nam, nhưng cũng cần người nước ngoài hành nghề kiểm toán ở Việt Nam. Ví dụ phát hành trái phiếu quốc tế, dự án ODA của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, bắt buộc phải có kiểm toán nước ngoài. Do đó, không cần có hàng rào kỹ thuật để hạn chế người nước ngoài hành nghề ở Việt Nam. Nếu cứ quy định thì có thể tạo kẽ hở, diễn ra lách luật trong việc cấp phép.

Luật thiếu chế tài

Dự thảo luật quy định nhiều điều kiện hành nghề của doanh nghiệp kiểm toán cũng như của kiểm toán viên, nhưng chưa có quy định cụ thể về xử lý vi phạm để bảo đảm thực thi pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán. Đặc thù của lĩnh vực này là chất lượng dịch vụ kiểm toán phụ thuộc rất nhiều vào kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng kiểm toán, nếu không xử lý nghiêm thì có thể gây ra nhiều hậu quả.

Thực tế, các doanh nghiệp kiểm toán đang cạnh tranh với nhau thông qua thỏa thuận với đối tượng kiểm toán, kiểm toán không bảo đảm tính độc lập, vi phạm các chuẩn mực kiểm toán... Các chế tài của dự thảo luật phải kiểm soát mối quan hệ giữa doanh nghiệp kiểm toán - kiểm toán viên - đối tượng kiểm toán - nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp kiểm toán chủ yếu cạnh tranh trên cơ sở uy tín của doanh nghiệp, nên dự luật cần đưa ra các biện pháp cảnh cáo, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo, răn đe, nếu tái phạm nhiều lần thì sẽ bị đình chỉ, rút giấy phép, thu hồi chứng chỉ... Các biện pháp này sẽ hiệu quả hơn phạt tiền vì có những doanh nghiệp kiểm toán thỏa thuận với doanh nghiệp được kiểm toán sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, họ sẵn sàng chịu phạt tiền và tiếp tục vi phạm.

Giải pháp dài hạn hơn để giải quyết triệt để là có cơ chế giải quyết tranh chấp về báo cáo kiểm toán tại cơ quan tư pháp. Luật này sẽ trở thành căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan theo thủ tục tố tụng như: các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại...

Minh Khuê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   “Năm 2011 nợ công có thể ở mức 60% GDP” (03/10/2010)

>   Nợ công đã ở mức 52,6% GDP (02/10/2010)

>   Vì sao xếp hạng tín nhiệm? (28/09/2010)

>   4 xu hướng ứng dụng công nghệ cho ngành tài chính (27/09/2010)

>   Bổ sung cán bộ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (26/09/2010)

>   Vốn ngoại 'quyến rũ' doanh nghiệp Việt (24/09/2010)

>   Xếp hạng tín nhiệm nhìn từ nợ nần của Vinashin (23/09/2010)

>   Không cung cấp thông tin tài chính sẽ bị xử phạt (23/09/2010)

>   Rót thêm một tỷ USD cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (22/09/2010)

>   Việt Nam và Anh tăng cường hợp tác về kiểm toán (22/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật