Thứ Tư, 27/10/2010 17:31

Tỷ giá, lãi suất và vĩ mô: Liệu đã đến mức cảnh báo?

Lãi suất huy động VND khó có thể giảm xuống do tác động của việc tăng tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền gửi USD.

Nhiều dấu hiệu kinh tế vĩ mô cải thiện

Tuy tình trạng mất điện vẫn còn diễn ra và ngày càng nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng GDP có thể đạt 6,7% trong năm nay so với mục tiêu 6,5%. GDP tăng 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2010, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (9 tháng đầu năm 2009 tăng GDP là 4,6%). GDP ở cả 3 khu vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng xuất khẩu đến tháng 9 cũng phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu còn 16,7% so với kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2010 là 19,5%, tiến dần đến mức mục tiêu là 25% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho cả năm, nhằm hỗ trợ mức tăng GDP mục tiêu nêu trên.

Giá cả thị trường cũng chỉ tăng nhẹ trong quý II kéo dài cho đến tháng 8, cho các nhà làm chính sách và giới đầu tư chứng khoán chút lạc quan ngắn ngủi là lạm phát đã được kiểm soát ở mức quanh 7% cho cả năm.

Tại sao biến động từ tháng 9 với lạm phát và tỷ giá tăng vọt?

Sau nhiều tháng được kìm hãm, lạm phát tháng 9 tăng vọt 1,3% so với tháng trước và tăng 6,5% so với đầu năm. Tình trạng tăng giá có thể tiếp tục trong những tháng còn lại của năm do sự tăng cung tiền nhanh chóng trong quý II và III, cũng như ảnh hưởng của giá dầu đang trở lại mức 85 USD/thùng và mức tăng giá lương thực thực phẩm trong 2 tháng vừa qua, nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng của tỷ giá sau kỳ điều chỉnh 2,1% vừa qua. Dự báo, mức lạm phát cuối năm có thể tăng lên quanh mức 9,5%.

Vấn đề chi tiêu công và nợ công cũng tiếp tục tạo áp lực do phải giải quyết những tồn tại của các tập đoàn lớn và các chi tiêu lớn cho lễ hội gần đây.

Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế được cải thiện, thị trường tài chính vẫn tiếp tục bất ổn, gây thêm sự thiếu lòng tin nơi các NĐT về cả chứng khoán lẫn bất động sản.

Quan trọng nhất là tình hình tỷ giá ngày càng biến động theo chiều giảm giá mạnh của VND trên thị trường tự do. Tỷ giá này đã lên vọt từ 19.500 đồng vào đầu tháng 9 và vượt qua mức cảnh báo tâm lý là 20.000 đồng/USD trong tuần thứ ba tháng 10, do những lo ngại của thị trường rằng, lượng vốn vay lớn bằng USD của các DN sẽ tạo nên lực cầu mạnh về USD từ giờ đến cuối năm khi những khoản vay đến hạn phải trả, đi cùng với nó là áp lực của cán cân thanh toán do thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao và tin đồn về sự sụt giảm mạnh của tổng dự trữ ngoại hối chính thức. Ngoài ra, còn có sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, làm xuất hiện tình trạng gom USD để nhập lậu vàng qua biên giới.

Điều này làm tỷ giá trong thời gian tới có thể tiếp tục biến động mạnh và làm gợi nhớ cùng tình hình vào tháng 5/2008 về tỷ giá, đã thúc đẩy NHNN và Bộ Tài chính cùng họp báo thông báo mức dự trữ ngoại hối chính thức và những biện pháp ổn định quan trọng. Thiếu thông báo này, nạn đầu cơ có thể làm trầm trọng thêm việc giảm giá VND tới một điểm khó kiểm soát.

Khi có dấu hiệu của dòng tiền nóng đổ vào Việt Nam và ngay cả FDI bắt đầu giảm, thị trường tiền tệ sẽ có thể bị ảnh hưởng khó ngăn chặn bởi các lực đầu cơ trong nước và quốc tế, nếu thiếu những chính sách thích hợp và quyết đoán từ phía Chính phủ cùng những biện pháp tăng cường thông tin kinh tế.

Bế tắc của lãi suất và thị trường tín dụng cần khai thông

Lãi suất đang được NHNN định hướng giảm, nhằm khuyến khích các DN vay với mức lãi suất thấp hơn để bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất huy động VND khó có thể giảm xuống do tác động của việc tăng tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền gửi USD, do luật ngang bằng lãi suất giữa lãi suất cho VND và lãi suất cho USD (interest rate parity). Khi NHNN muốn tăng cung tiền và tín dụng nhanh chóng như mấy tháng vừa qua để làm giảm lãi suất VND, tác dụng thực tế lại ngược lại, vì tăng tiền lại làm tăng kỳ vọng lạm phát cũng như gây thêm áp lực lên tỷ giá trên thị trường tự do. Ngoài ra, lãi suất huy động trên USD lại tăng trong mấy tháng qua do nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đô la hóa đang rất cao, kết quả là lãi suất huy động trên VND vẫn khó giảm xuống dưới mức cao hiện tại là 11%.

Ngoài ra, việc sử dụng vốn không hiệu quả và các khó khăn tài chính của các tập đoàn lớn trong thời gian qua làm suy giảm lòng tin của NĐT trong và ngoài nước. Điều này cũng làm cho lãi suất trái phiếu khó điều chỉnh giảm.

Nói chung, nếu áp lực lên tỷ giá không được ngăn chặn bởi sự giảm bớt tăng cung tiền và tín dụng, sẽ khó lòng giải quyết được các bế tắc của thị trường tín dụng và hệ thống lãi suất để "khai thông" cho các TTCK, nhà đất cũng như của cả nền kinh tế trong năm tới. Chưa kể đến việc tỷ giá một khi đang vượt quá mức tâm lý 20.000 VND/USD có thể làm xói mòn niềm tin của dân chúng, nhất là giới đầu tư và tạo ra các thiệt hại tài chính lớn hơn nhiều do "dòng xoáy" lạm phát - tỷ giá gây ra.    

Phạm Đỗ Chí

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sao dòng tiền nóng chưa vào Việt Nam? (27/10/2010)

>   Cuộc chiến tỷ giá Mỹ - Trung và tác động với Việt Nam (21/10/2010)

>   Đầu tư thông minh (18/10/2010)

>   Chính sách tiền tệ một đàng, tài khóa một nẻo (16/10/2010)

>   Chứng khoán, vàng, đất - Chọn thứ nào? (16/10/2010)

>   Dự báo thị trường tài chính Việt Nam (14/10/2010)

>   Vốn hỗ trợ phát triển: Ứng xử thế nào trước nguy cơ hạn chế? (11/10/2010)

>   Chính sách tỉ giá: Không đơn giản chỉ là phá giá đồng tiền (11/10/2010)

>   Nợ công gia tăng và nỗi lo vay nợ của DN Nhà nước (09/10/2010)

>   Đồng nội tệ và câu chuyện niềm tin (09/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật