Thứ Bảy, 16/10/2010 14:36

Chính sách tiền tệ một đàng, tài khóa một nẻo

Mặc dù có nhiều ý kiến tranh luận chung quanh chính sách tiền tệ của Việt Nam, điều này chứng tỏ dù sao chính sách tiền tệ cũng rõ ràng, phơi ra trước mọi người để họ còn có ý kiến. Ngược lại, chính sách tài khóa không những thiếu vắng thông tin mà còn thiếu cả sự phối hợp với chính sách tiền tệ nữa.

Một nỗ lực nhất quán

“Cho tôi nói thêm chút xíu nữa thôi”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu hướng lên bàn chủ tọa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị. Ông Giàu được mời trình bày về điều hành chính sách tiền tệ vì tính quan trọng của nó, cho dù theo luật, ông không có nghĩa vụ giải trình trước các ủy ban như trong phiên họp cách đây hai tuần. Ông xin thêm thời gian để chỉnh lại một con số rất nhỏ là tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 mà Ủy ban Kinh tế cho rằng đã lên mức 4,5%, tức là rất cao so với mức trung bình 2,78% của năm tháng trước đó. Thống đốc cho biết, con số đó chỉ là 2,48%, chứ không cao như vậy. Ông nói: “Tôi rất lưu ý con số 4,5% này vì sợ phát ra tín hiệu [sai] mở rộng tín dụng, gây phản ứng trên thị trường”.

Hành động trên chỉ là một trong những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc điều hành chính sách tiền tệ vốn chẳng còn mấy không gian để xoay xở trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất cân đối. Cho đến thời điểm này trong năm, những gì NHNN làm vẫn nhất quán với mục tiêu được xác định từ cuối năm ngoái: chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đó cũng là những khuyến nghị mà các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra cho Việt Nam.

Ngay trước phiên trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Giàu được Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Ayumi Konishi khuyến nghị kiên trì mục tiêu này. Trong một thông điệp gửi tới ông Giàu, ông Konishi nói: “Những rủi ro trong nước chủ yếu tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa, hoặc cả hai một cách vội vàng; hoặc việc thị trường tài chính và các nhà đầu tư trong nước cho rằng chính sách đã nới lỏng. Việc nới lỏng quá sớm hoặc cho rằng chính sách đã được nới lỏng có thể làm chệch hướng những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, làm cho lạm phát leo thang trở lại và gây áp lực đối với các cán cân thanh toán”.

NHNN cũng nhận thức rõ điều này. Việc ban hành Thông tư 13 vào tháng 5 là một minh chứng. Thông tư này, cho dù gây nhiều tranh cãi, nhưng có mục tiêu đúng đắn là làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam. Hệ thống đó đã bùng nổ, đặc biệt kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nay lên đến hơn 80 ngân hàng thương mại. Dư luận bày tỏ mối quan ngại về tình trạng vốn, năng lực quản lý rủi ro và chất lượng danh mục cho vay của một số ngân hàng. Ngay từ cuối năm ngoái, nhóm công tác ngân hàng thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - một hội nghị thường niên tổ chức trước các phiên đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế - đã cảnh báo điều này: “Khoảng 25% các ngân hàng xếp hạng cuối trong tổng số 80 ngân hàng ở Việt Nam đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hầu hết trong tình trạng thiếu vốn và khó có thể trụ vững”.

Có thể nói chính sách tiền tệ của NHNN vẫn kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô ngay cả khi có Nghị quyết 23 của Chính phủ nhằm hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10% và lãi suất cho vay khoảng 12%. Ông Giàu giải thích tại cuộc họp nói trên: “Ngân hàng Nhà nước không thể can thiệp vào thị trường lãi suất hiện nay bằng mệnh lệnh hành chính”. Điều đó, dù không đồng điệu với nghị quyết của Chính phủ, nhưng thể hiện một cách tiếp cận lành mạnh. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: “Điều hành tiền tệ vừa qua thực sự có nhiều cố gắng”.

Tài khóa lại thiếu đồng bộ

Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, lẽ ra chính sách tài khóa phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng ngân sách vẫn cứ chi tiêu rất [thoải mái].
Tuy nhiên, cho dù chính sách có nỗ lực như thế nào thì kết quả thực tế mới là thước đo quan trọng nhất. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền chỉ rõ việc thắt chặt tín dụng, lãi suất tăng cao đã làm phần lớn các doanh nghiệp rất khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh. Theo ghi nhận của ủy ban, lãi suất vay ngân hàng đã lên tới 17-18%/năm, có nơi lên tới 19-20%/năm trong quí 1, và vẫn còn ở mức cao phổ biến 13%/năm trong thời gian gần đây. Song, NHNN có thể làm gì?

Họ đã và sẽ không thể làm gì, khi không có sự kết hợp với chính sách tài khóa. Điều trần với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Giàu nói, ông vẫn thường xuyên trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhằm đảm bảo tính “liên thông, thống nhất” giữa hai chính sách này. Có lẽ, đó chỉ là lời biện bạch bởi trên thực tế, chính sách tài khóa vẫn không ngừng mở rộng. Hai khoản chi lớn nhất là chi thường xuyên, và chi đầu tư phát triển tăng tương ứng ở mức gần 7% và 43% so với dự toán năm 2010. Đó là một mức tăng kép rất cao, theo báo cáo của Chính phủ và đánh giá của Quốc hội. Một ví dụ khác, trong năm nay Chính phủ tăng cường bán trái phiếu, trị giá tới 68.000 tỉ đồng, vừa hút hết nguồn vốn của xã hội và doanh nghiệp, vừa không cách nào hạ lãi suất như chính Chính phủ mong muốn. Ông Hiển của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói: “Đầu tư từ ngân sách ngày một tăng và với tỷ trọng lớn thì sẽ rất khó điều hành kinh tế vĩ mô”.

Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của chính sách tài khóa, tức chi tiêu công. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, chi tiêu công hiện nay không chỉ gói gọn trong cân đối ngân sách, mà còn nhiều con đường khác nhau, như sử dụng các loại chính sách, trái phiếu chính phủ, và các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước. Nhìn về phía Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Tài chính trong phiên thảo luận hôm đó, ông Kiên nói: “Các đồng chí cần chú ý chi tiêu công. Những cái này là quả bom làm tăng lạm phát và tăng giá tiêu dùng”.

Liên quan đến sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét: “Trong mấy năm vừa rồi chỉ mỗi chính sách tiền tệ là vất vả, trong khi chính sách tài khóa lại rất “ổn định” [trong mức chi]. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, lẽ ra chính sách tài khóa phải chịu một phần trách nhiệm, nhưng ngân sách vẫn cứ chi tiêu rất [thoải mái].

Ông Hiển nhận xét: “Tính độc lập và ổn định về chính sách tiền tệ là thấp”. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng ý điều này, nhưng thông cảm với Thống đốc Giàu: “Trong tất cả các loại khó khăn liên quan đến điều hành kinh tế, thì điều hành về tài chính tiền tệ là khó nhất”. Trước những lời an ủi này, ông Giàu phân trần: “Lãi suất cao vẫn là trăn trở của nhiều đời thống đốc NHNN, kể cả tôi, nhưng lạm phát cao nên việc xử lý không dễ”. Niềm trăn trở đó có lẽ sẽ vẫn còn được đặt ra với bất kỳ thống đốc nào, một khi cơ cấu của nền kinh tế vẫn còn như hiện tại, nhất là khi chính sách tài khóa không đồng hành với chính sách tiền tệ như hiện nay.

Tư Giang

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chứng khoán, vàng, đất - Chọn thứ nào? (16/10/2010)

>   Dự báo thị trường tài chính Việt Nam (14/10/2010)

>   Vốn hỗ trợ phát triển: Ứng xử thế nào trước nguy cơ hạn chế? (11/10/2010)

>   Chính sách tỉ giá: Không đơn giản chỉ là phá giá đồng tiền (11/10/2010)

>   Nợ công gia tăng và nỗi lo vay nợ của DN Nhà nước (09/10/2010)

>   Đồng nội tệ và câu chuyện niềm tin (09/10/2010)

>   Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Những mục tiêu chính sách chưa rõ (08/10/2010)

>   “Năm 2011 nợ công có thể ở mức 60% GDP” (03/10/2010)

>   Nợ công đã ở mức 52,6% GDP (02/10/2010)

>   Vì sao xếp hạng tín nhiệm? (28/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật