Đang "nước sôi lửa bỏng", thông tin lại nhiễu loạn
Khi kinh tế có dấu hiệu bất ổn, mục tiêu đề ra phải thống nhất, thông tin chính xác và minh bạch, chính sách cần nhất quán để phát đi tín hiệu rõ ràng nhằm ổn định thị trường và tâm lý người dân. Song, điều đó dường như chưa thể hiện rõ, ngay cả trong thời điểm nóng bỏng nhất.
* NHNN: Bác bỏ thông tin tiền gửi tiết kiệm giảm 45,000 tỷ đồng
Ngay tại buổi họp thông báo các giải pháp cấp bách điều hành kinh tế mới đây, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhấn mạnh, một trong những biện pháp quan trọng để bình ổn thị trường chính là thông tin chính xác và minh bạch để định hướng và tạo niềm tin cho dân.
Tuy nhiên, ngay trong vụ việc nay, cả hai cơ quan quan trọng nhất về điều hành và giám sát tiền tệ đã mâu thuẫn nhau. Hơn thế, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6/11, mọi mục tiêu điều hành lạm phát từ trước đến nay đã không còn được nhắc đến, mà còn thêm một mức mới cũng với thái độ đầy quyết tâm thực hiện như những lần trước.
Biết tin ai?
Ông Lê Đức Thúy nói trước báo giới rằng, trong vòng 15 ngày đầu tháng 10, tiền gửi tiết kiệm bằng VND của người dân giảm đến 45.000 tỷ đồng so với cuối tháng 9, tương đương hơn 2 tỷ USD.
Trong chiều ngược lại, tiền gửi ngoại tệ lại tăng lên. Nếu như cuối tháng 9, số dư tiền gửi ngoại tệ thấp hơn số dư cho vay ngoại tệ khoảng 40.000 tỷ, thì trong 15 ngày đầu tháng 10, số chênh lệch này chỉ còn 20.000 tỷ, tức tiền gửi ngoại tệ đã tăng 20.000 tỷ từ trong nước. Người dân đã rút VND để mua ngoại tệ hoặc mua vàng, một số cất trữ, và cả gửi lại ngân hàng dưới hình thức ngoại tệ
Nhưng ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại chính thức khẳng định, một số báo đưa tin về số dư tiền gửi tiết kiệm VND mà ông Thúy đưa ra là không chính xác. Thực tế, tiền gửi tiết kiệm bằng VND của dân cư tại hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
|
Thông tin nhiễu loạn ngay cả trong thời điểm nóng bỏng nhất. |
Ngân hàng Nhà nước đã công bố số liệu thống kê chính thức để chứng minh, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm bằng VND của dân cư đến ngày 15/10 tăng 0,64% (gần 5.400 tỷ đồng) so với ngày 30/9/2010; và đến thời điểm hiện tại, tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam của dân cư tại hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng. Vì vậy, thông tin mà một số tờ báo đăng tải là thiếu chính xác.
Cũng trong diễn biến về điều hành chính sách tiền tệ những ngày vừa qua, về điều hành lãi suất, ông Lê Đức Thúy tuyên bố, Chính phủ không đặt vấn đề giảm lãi suất và cho phép các ngân hàng thương mại được huy động và cho vay theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong buổi họp với Hiệp hội Ngân hàng và đại diện của nhiều ngân hàng thương mại lớn ngày 5/11, do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, khi có những đề xuất về việc đồng thuận một mặt bằng lãi suất huy động VND mới là 12% thay cho mức 11% một năm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Hiệp hội Ngân đứng ra điều phối việc thực hiện.
Điều này lại gây ra những thông tin khác nhau về sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện lãi suất mới.
Sau đó, một quan chức Ngân hàng Nhà nước phát biểu, đó là quyết định của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng, và cơ quan quản lý không can thiệp!.
Tuy vậy, nhưng những nghi ngờ can thiệp của cơ quan quản lý về tính thị trường chưa thể tan hết. Bởi vì, chỉ cách đây hơn nửa tháng (từ 15/10), chính các ngân hàng thương mại đã chịu rất nhiều sức ép để tiếp tục giảm thêm "mấy phân" lãi suất, đưa lãi suất huy động VND về 11%. Dù lúc đó, lạm phát tháng 9 và 9 tháng đã lên rất cao, những dấu hiệu cho thấy lạm phát tháng 10 tăng mạnh là khá rõ ràng.
Câu hỏi đặt ra: Có phải các ngân hàng thương mại không nhận biết, nhận định sai hay vì một sự can thiệp nào?
Trước đó, đã có rất nhiều nhận định, sức ép giảm lãi suất lớn, trong khi lạm phát đang tăng lên đã làm méo mó thị trường tiền tệ, giảm uy tín đồng Việt Nam.
Chưa hết, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, một mức lạm phát mới đã được tuyên bố thay cho tất cả những mục tiêu trước đây là kiểm soát lạm phát ở mức một con số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát và giữ lạm phát năm nay ở mức một con số
Như vậy, không có một con số cụ thể nào được đưa ra nhưng những mục tiêu 7% được Quốc hội thông qua, rồi 8% được Chính phủ đề ra sau đó đều đã bị vượt qua. Một năm, 3 lần thay đổi mục tiêu vĩ mô về lạm phát.
Thông tin nào cho sự ổn định?
Ông Lê Đức Thúy cũng thừa nhận, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đáng báo động, thậm chí vượt qua một con số là đã vỡ một mục tiêu quan trọng. Chúng ta nói ưu tiên ổn định vĩ mô, mà mục tiêu quan trọng là lạm phát, lại tăng cao.
Thực ra, điều này từng được nhiều người cảnh báo từ rất sớm. Hồi đầu tháng 10, ông Võ Trí Thành - Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, đã dự báo về những nguy cơ từ diễn biến mới về lạm phát, cũng như những rủi ro kinh tế vĩ mô Việt Nam đang đối mặt.
Ông Thành đưa ra quan điểm là chính sách tiền tệ cần phải tiếp tục thắt chặt. "Chúng ta không thắt chặt đến mức bóp nghẹt nền kinh tế, nhưng thông điệp cho thị trường phải rất rõ ràng là: Việt Nam phải lấy ổn định vĩ mô làm trọng", theo ông Thành.
Ngân hàng ADB cảnh báo, những rủi ro bên trong của nền kinh tế Việt đã làm giảm những nỗ lực để ổn định nền kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát vào quỹ đạo mới với xu hướng tăng cao và gây áp lực đối với cán cân xuất nhập khẩu.
Những biến động trên có thể làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, dẫn tới hậu quả bất ổn định kinh tế vĩ mô. Không ổn định kinh tế vĩ mô lại đặt ra yêu cầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa hơn nữa - điều đó sẽ hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới 2011.
Do vậy, vấn đề chủ yếu đối với Việt Nam bây giờ là các nhà hoạch định chính sách cần duy trì các chính sách một cách ổn định và nhất quán với nhau, đồng thời phải phổ biến, tuyên truyền các chính sách đó một cách hiệu quả tới công chúng và các nhà kinh doanh cho đến khi lạm phát đi vào quỹ đạo ổn định theo xu hướng giảm.
Đến thời điểm này, những thông tin đầu tiên về kinh tế quý III và dự báo cả năm, với chỉ số GDP tăng trưởng tốt và có thể vượt mục tiêu 6,5%, nên dòng thông tin lạc quan vẫn vượt trội.
Thậm chí, dù có nhiều cảnh báo từ thực tế lạm phát và những dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới như IFM, WB, ADB đều cho rằng, tính theo năm, lạm phát của Việt Nam vào 8,5-9,5% thì các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn khẳng định lạm phát sẽ được kiềm giữ ở mức 8%.
Hiện nay, khi mục tiêu kìm giữ lạm phát thất bại, một mức mới được đưa ra, nhưng dường như mối nghi ngờ trong dân chưa thể phá tan khi mục tiêu quan trọng này liên tuc thay đổi, kéo theo đó là sự mất ổn định về chính sách điều hành.
Hơn thế, ngay cả trong thời điểm nóng bỏng này, vẫn còn sự bất nhất giữa các cơ quan có trách nhiệm... về những thông tin quan trọng và nhạy cảm. Vậy đâu là sự nhất quán, chính xác và minh bạch để người dân đặt niềm tin?.
Lê Khắc
VNR500
|