Kịch bản của nhà đầu tư nước ngoài
Báo ĐTTC số 371 ra ngày 22-11 có bài “Đầu tư CK - Chịu thiệt ngắn hạn, tìm lãi dài hạn” Nói về Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) hỗ trợ cho TTCK, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. ĐTTC giới thiệu ý kiến của NĐT Nguyễn Phan Nam để bạn đọc có thêm những góc nhìn khác đối với vấn đề được đặt ra trong bài viết.
* Đầu tư chứng khoán: Chịu thiệt ngắn hạn, tìm lãi dài hạn
Tích cực và tiêu cực
Ngày 12-11-2010, giá trị giao dịch tại HOSE đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị mua và bán của NĐTNN cộng lại đã hơn 500 tỷ đồng; hay như ngày hôm qua 24-11, tổng giá trị mua và bán của khối này đạt gần 200 tỷ đồng, xấp xỉ 1/3 giá trị giao dịch tại HOSE. Cũng nhờ NĐTNN đẩy mạnh giải ngân vào BVH, MSN, VIC, DPM, HAG, đã giúp VN Index trụ khá vững vàng. Nhưng cũng không khó để nhận ra mục đích của NĐTNN mua ròng trước tiên là để đảm bảo cho “nồi cơm” của chính mình. VN Index mở đầu năm 2010 tại mốc 500 điểm, với tình hình thị trường như hiện nay, rất khó để VN Index quay lại được mức đó.
Tình cảnh này sẽ khiến không ít quỹ đầu tư rơi vào thua lỗ và giải pháp hợp lý bây giờ là tìm cách hạn chế thiệt hại. Việc đẩy mạnh giao dịch cũng giúp cho thanh khoản của thị trường không bị sụt giảm mạnh, từ đó khiến NĐT mặc dù chán nản nhưng cũng không đến mức buông xuôi.
Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, việc NĐTNN giữ giá đã khiến thị trường có nguy cơ bị méo mó thay vì phản ánh trung thực diễn biến của nền kinh tế. Trong lần VN Index giảm xuống 420 điểm gần nhất vào cuối tháng 8, thị trường vẫn chưa có lo ngại về lạm phát, tỷ giá lãi suất cơ bản cũng chưa tăng. So sánh về tin xấu, lúc này nhiều hơn khi đó nhưng điểm số của thị trường lại tương đương nhau. Thực tế rất nhiều CP đã giảm rất mạnh, điển hình như OGC cuối tháng 8 còn trụ vững trên 3.0 nhưng giờ đây chỉ hơn 2.0, tức đã giảm hơn 30%; hay hàng loạt CP bên HNX cũng giảm giá mạnh khiến chỉ số này xuống dưới 100 điểm. Nhiều NĐT đã cho rằng bây giờ HNX Index mới phản ánh trung thực về diễn biến của nền kinh tế chứ không phải VN Index.
3 kịch bản giữ giá
Cuối tháng 8, BVH tạo giá đáy 4.0 và hiện đang có giá trên 6.0, nếu ai mua BVH, CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường và nắm giữ cách đây 3 tháng, bây giờ đã đạt được suất sinh lời hơn 30%. Nhưng có lẽ không nhiều NĐT cá nhân có được may mắn như vậy.
Tương tự BVH là MSN, từ 4.5 tăng lên 6.0, VIC từ 6.0 lên gần 8.0, HAG từ 7.0 lên 8.0, DPM từ 2.8 lên 3.6. Giả sử các blue chip vừa nêu (chủ yếu NĐTNN tham gia mua) đồng loạt giảm khoảng 20%, sẽ có khoảng 27.000 tỷ đồng vốn hóa, tương đương 1,3 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường và VN Index hoàn toàn có khả năng giảm xuống dưới 400 điểm. Câu hỏi lúc này là NĐTNN sẽ giữ giá thị trường đến khi nào? Có 3 kịch bản có thể xảy ra:
Kịch bản 1: Nếu trong thời gian tới, thị trường lại xuất hiện thêm một thông tin cực xấu, NĐTNN không thể giữ giá được nữa mà để buông xuôi. Như vậy, VN Index sẽ có một số phiên giảm điểm mạnh và có thể xuống khu vực 400 điểm, thậm chí 380 điểm. Lúc này NĐT cá nhân và một số tổ chức khác nhìn nhận thị trường đã rẻ thật sự và nổi lòng tham sẽ ra tay mua vào, tạo ra điểm cân bằng. Tuy nhiên, khả năng này tương đối khó xảy ra, vì khó có thể xuất hiện thêm những thông tin cực xấu về tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta. Bên cạnh đó, khối ngoại đã cố giữ thị trường đến lúc này nên sẽ không dễ buông nhanh như vậy.
Kịch bản 2: NĐTNN tiếp tục đỡ giá nhưng thị trường không có tin tốt, không có khả năng tăng giá và một số NĐT chán nản sẽ bán tiếp những CP có vốn hóa trung bình hoặc nhỏ; thị trường vẫn có thể giảm điểm và NĐT cá nhân lại tháo chạy. Lúc này NĐTNN mới ra tay mua vào những mã tầm trung có nhiều tiềm năng. Thực tế trong thời gian vừa qua, khối ngoại chỉ quanh quẩn ở các mã có vốn hóa lớn, những thương vụ mua vào mạnh tay rất hiếm hoi. Kịch bản này có thể xảy ra sau khi kết thúc năm 2010 và nếu các mã có vốn hóa tầm trung giảm thêm một đợt nữa, VN Index cũng không giảm quá sâu.
Kịch bản 3: Cần lưu ý đến một vấn đề là thị trường đang được khối ngoại đỡ giá và có thể dẫn đến việc bị lệ thuộc, đẩy vào thế khó. Nếu VN Index kết thúc năm 2010 ở mức thấp, không chỉ NĐTNN mà một số quỹ đầu tư trong nước và cả các công ty chứng khoán cũng bị thiệt hại nặng. Như vậy, nếu các thành phần còn lại tiếp tục đứng ngoài, NĐTNN cũng có thể bị “đuối” và sẽ buông. Lúc này các tổ chức trong nước bị đẩy vào thế khó và khả năng giữ được thị trường sẽ bị đặt dấu hỏi lớn và thị trường sẽ cực kỳ khó lường. Đây có thể xem là kịch bản xấu nhất.
Nguyễn Phan Nam (Phú Nhuận)
Sài gòn giải phóng
|