Cổ phiếu nhỏ lại “nóng”
Vai trò giữ nhịp của nhóm cổ phiếu lớn trong hai phiên gần đây không còn được chú ý nhiều. Thay vào đó sự trở lại của hàng loạt cổ phiếu nhỏ, “hàng nóng”, báo hiệu nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận của dòng vốn đầu cơ.
|
Cổ phiếu AAA một lần nữa lại gây sốc với sóng tăng giá |
“Hàng nóng” lại sốt
Hàng loạt cổ phiếu nóng lao dốc thời gian qua bắt đầu quay trở lại quỹ đạo tăng trần quen thuộc. AAA là gương mặt sáng giá nhất vì là cổ phiếu “đình đám” được chú ý trong suốt hai tháng qua. Tính từ đỉnh cao nhất ngày 15/9 đến đáy ngày 16/11 vừa qua, AAA đã sụt giảm khoảng 74%, xuống mức giá thấp nhất trong lịch sử của cổ phiếu này: 23.900 đồng/cổ phiếu.
Sau vài lần đỡ đáy hụt, dòng vốn đầu cơ đã chặn được đà giảm và bắt đầu tiến hành đẩy giá lên bằng khối lượng chặn mua trần “khủng”. Nói chung chiến thuật với các “hàng nóng” dạng này vẫn không thay đổi: Chặn mua lớn, chuẩn bị vốn để đón hàng cắt lỗ, sẵn sàng rung lắc trên đường.
AAA có độ bật nhanh hơn mặt bằng chung khá nhiều. HNX-Index cũng chạm đáy ngày 17/11 nhưng 7 phiên vừa qua vẫn lình xình và mới tăng được 4,4%. Trong khi đó AAA đã đạt tỉ suất lợi nhuận tối đa 32,5% - một mức tăng chóng mặt trong giai đoạn này.
Tuy nhiên AAA vẫn xếp sau “quán quân” VE9. Cổ phiếu này tuy không “nổi tiếng” như AAA nhưng cũng thuộc loại giảm mạnh nhất trên cả hai sàn. Tính từ đỉnh 25/6/2010 đến đáy ngày 3/11, VE9 cũng đã giảm khoảng 72%. Trong 7 phiên vừa qua, VE9 đã đem lại tỉ suất lợi nhuận gần 41%.
Nhóm cổ phiếu có truyền thống sóng lớn do bị đầu cơ quá mức từ đầu tuần đến nay lại gây chú ý khi khối lượng giao dịch tăng cao, đặc biệt là khối lượng chặn mua giá trần. Không giống như lý thuyết “cổ phiếu giảm càng ít thì tăng càng mạnh”, trên thị trường Việt Nam, cổ phiếu giảm càng sâu thì tăng càng chóng mặt. Dòng vốn đầu cơ có lẽ rất quen thuộc với các mã như vậy nên chỉ cần “có động”, hàng loạt cổ phiếu vốn rơi thảm vài hôm trước đột ngột “lột xác”. Người chậm chân có lẽ không thể mua được vì lượng cầu quá lớn.
Penny sẽ “lên hương”?
Ngoài các cổ phiếu “nóng”, những mã tăng trần liên tục vài phiên gần đây phần lớn là cổ phiếu có vốn hóa thấp, đặc biệt là trên sàn HNX.
Thống kê cho thấy, khoảng 30 mã tại HNX trong 7 phiên vừa qua có mức tăng trên 15%. Tại HOSE – dù biên độ nhỏ hơn – cũng có 11 mã tăng trên 15%, còn số tăng trên 10% lên tới 34 mã.
Thực tế chỉ số chung của nhóm cổ phiếu có vốn hóa dưới 500 tỷ đồng tại HOSE trong 7 phiên gần đây có xu hướng tăng mạnh hơn VN-Index. Ngay trong các phiên giảm chung, nhóm này vẫn có diễn biến tốt hơn thị trường. Cả sàn HOSE có 34 mã tăng trên 10% thì riêng nhóm vốn hóa dưới 500 tỷ đồng đã chiếm 22 mã. Tại HNX cũng tương tự: 26/30 cổ phiếu có mức tăng từ 15% trở lên nằm trong nhóm vốn hóa dưới 500 tỷ đồng.
Một phần không nhỏ những penny vốn hóa thấp là những doanh nghiệp làm ăn không tốt, thậm chí lỗ trong vài quý gần đây. Đơn cử như BAS lỗ liền quý 2 và quý 3/2010 khoảng 7,6 tỷ đồng và lỗ lũy kế từ đầu năm khoảng 6,2 tỷ đồng nhưng vẫn có vài phiên tăng trần.
TRI quý 2 nhờ bán bớt tài sản (cổ phần góp vốn) lấy về tiền mặt mới ghi nhận lãi (41,9 tỷ đồng) nhưng thực tế dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn âm. Quý 3 vừa qua TRI lại lỗ tiếp 4,7 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đó cũng không hề gì vì TRI vẫn cho tỉ suất lợi nhuận khoảng 15% trong 7 phiên vừa qua và hai phiên gần đây liên tục “căng” trần.
Một điểm khá thú vị là số cổ phiếu đem lại tỉ suất lợi nhuận cao ở trên phần lớn lại có thị giá rất thấp. Một phần ba số cổ phiếu đem lại lợi nhuận trên 15% tại HNX có giá đang giao dịch nhỏ hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Cùng khung giá này, tại HOSE có 18 mã đạt lợi nhuận trên 10%.
Loại trừ các cổ phiếu có điều chỉnh giá kỹ thuật, thị giá thấp thường là biểu hiện của những mã có mức sụt giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay. Thị trường định giá lại những mã này dưới tác động của kết quả kinh doanh. Tuy nhiên từ việc những cổ phiếu như vậy phục hồi mạnh trở lại, có thể đặt câu hỏi liệu mức giá đó đã phản ánh hết các rắc rối đó hay chưa. Không ít cổ phiếu rơi về mức giá thấp đến khó tin (vài ngàn đồng) và không thể giảm thêm nữa kể cả trong điều kiện thị trường rất xấu do không còn ai muốn bán ra nữa. Một số mã thậm chí còn đóng băng giao dịch.
Nói chung các cổ phiếu có vốn hóa thấp, thị giá nhỏ thường có tính đầu cơ cao do chi phí vốn để đẩy giá lên không cần nhiều. Một số cổ phiếu vốn hóa thấp đến mức chỉ cần một vài nhà đầu tư lớn tham gia mua cũng có thể khống chế hết lượng cổ phiếu trôi nổi. Đây chính là nguyên nhân khiến các cổ phiếu này thường có biến động rất mạnh.
Khánh Hà
TBKTVN
|