"Cứ loay hoay vàng, đôla, đất nước sẽ đi xuống… ruộng"
Nhìn nhận câu chuyện tỷ giá và vàng hiện nay, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đáng sợ nhất là làm chính sách mà không dám giải trình với thị trường, không dám chịu trách nhiệm.
Không thể chạy theo cơn thịnh nộ của vàng
PV: Ông có quan niệm như thế nào về việc ứng phó với thị trường vàng lại nhảy múa điên đảo hiện nay?
TS Võ Trí Thành: Trong những cơn bùng nổ thịnh nộ của vàng thế giới, Việt Nam vốn là nền kinh tế có năng lực còn hạn chế, dự trữ ngoại hối mỏng mà lại định chạy theo giá vàng là điều không tưởng, thậm chí là sai lầm.
Giá vàng Việt Nam cơ bản là theo giá vàng thế giới và đó là thứ không thể điều khiển được, lực chúng ta yếu mà chúng ta chạy theo nó, thì không thể địch lại được.
Chúng ta phải nói rõ cho người dân rằng, vàng là loại hàng hóa đặc biệt, chấp nhận cho lưu chuyển tự do, chấp nhận theo kinh tế thị trường thì đằng sau câu chuyện giá vàng nhảy múa điên đảo ấy, sẽ không chỉ do giá vàng thế giới điều khiển mà còn do thế lực đầu cơ điều chỉnh.
Với một thị trường có đặc thù như vậy, anh là nhà đầu tư, là người chơi vàng, thì chịu trách nhiệm về kết của cuộc chơi phải chính là anh, đừng nghĩ Nhà nước đứng ra bảo hiểm cho anh khi anh bị rủi ro, thua lỗ vàng. Không có chuyện người dân nào chơi vàng mà lúc nào cũng thắng. Đến như, người nông dân một nắng hai sương, trồng cây còn có lúc thua lỗ. Đó là luật chơi thị trường.
|
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Cái mà Nhà nước có thể "can thiệp", giúp cho người dân là khi giá vàng thế giới nhảy nhót như thế, Nhà nước phải "chế ngự" được cơn nhảy múa ấy bằng việc hạn chế những bất ổn kinh tế vĩ mô. Bởi khi kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn lực sẽ được phân bổ tốt hơn. Đồng tiền đó đi vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng, sẽ tốt hơn.
Còn trong bối cảnh bất ổn về kinh tế vĩ mô, rất dễ hiểu là người dân chỉ lo giữ giá trị tài sản, hoặc đầu cơ thôi. Mặc dù, đầu cơ không phải là xấu, nhưng nếu một nền kinh tế còn nghèo như Việt Nam, còn cần tiết kiệm mà suốt ngày loay hoay với câu chuyện đôla, vàng, bất động sản thì đất nước ấy về dài hạn là sẽ xuống... ruộng.
- Thưa ông, thông điệp của Chính phủ đã rõ, như giữ nguyên tỷ giá, bơm USD và cho nhập khẩu vàng, nhưng nhiều ý kiến cho đó là sự chữa cháy, bị động. Ông có bình luận gì?
Tôi gọi đó là giải pháp tình huống thôi. Cách mà Nhà nước cho nhập khẩu vàng chính là giảm độ chênh lệch so với giá thế giới chứ không phải là biện pháp làm thay đổi giá vàng.
Sự đi xuống của giá vàng sau khi có quyết định cấp quota nhập khẩu vàng chẳng hạn, là xuống trong khoảng chênh lệch với giá thế giới, chứ không phải xuống trong tổng thể xu hướng giá vàng thế giới. Bởi, giá vàng của ta vẫn do giá vàng thế giới quyết định.
Nhưng vì bị cuốn theo giá vàng, cộng với áp lực cơ bản về lạm phát, thâm hụt thương mại,.. nên chúng ta phải chứng kiến xu hướng đồng Việt Nam mất giá nhiều.
Việc Chính phủ tung tiền ra là nhằm bình ổn phần nào tỷ giá VND trên thị trường chính thức, qua đó, giảm bớt áp lực mất giá đồng tiền Việt Nam nhưng sẽ gây ra vòng xoáy sắp tới là lạm phát tăng.
Đồng thời, với việc dự trữ ngoại tệ của ta mỏng, thì việc bơm tiền ấy là có thời hạn nhất định thôi, chứ Nhà nước không bơm tiền ra cho nền kinh tế mãi được.
Cách ứng xử giỏi là ta ổn định với chính nền kinh tế của mình, hạn chế tác động của cơn nhảy múa giá vàng thế giới chứ đừng bị cuốn theo nó. Vì thị trường mạnh lắm.
Lạm phát năm 2010 có thể là 9%
- So với vàng, tiền đồng của ta đã mất giá tới hơn 40% so với hồi tháng 5/2010. Vậy, ông có đánh giá gì về điều này?
Tôi thì không thích so giá đồng tiền của Việt Nam với vàng, mà tôi nhìn vào mức lạm phát của Việt Nam, so sức mua của tiền Việt Nam với đồng tiền nước khác. Nếu nói so với giá vàng như vậy, thì tất cả đồng tiền trên thế giới đều mất giá so với vàng hết.
Quan trọng là chúng ta so sánh sự "mất giá" đồng tiền với thời điểm nào, với những năm 80, 90 thì sẽ là ý nghĩa khác. Như vậy, ta hiểu mất giá đồng tiền ấy là hiểu trong sự ngắn hạn thôi. Nếu ta hiểu không đúng, mà lấy chính sách chạy theo điều không đúng đó thì thật không phải, tức lấy giá trị đồng tiền Việt Nam chạy theo giá vàng mà đưa ra chính sách là hoàn toàn không nên.
Giá trị đồng tiền của ta so với tiền nước khác và sức mua trong nền kinh tế là liên quan lạm phát. Hai vấn đề này không phải lúc nào cũng là một.
Về đối ngoại, giá trị của đồng tiền Việt Nam với đồng khác, liên quan dòng thương mại, dòng vốn, chế độ tỷ giá với sự linh hoạt của chính sách tiền tệ. Nếu anh giữ tỷ giá cố định mà trong trung chuyển vốn, bị đôla hóa mạnh thì hiệu lực của chính sách tiền tệ là rất thấp.
Tỷ giá là câu chuyện rất phức tạp. Mỗi biến số của chính sách tỷ giá thay đổi sẽ gây tác động nhiều chiều khác nhau. Giả sử, tiền đồng có các biến số khác thay đổi, mất giá so với USD thì người gửi USD phấn khởi, người gửi tiền đồng thì chắc cáu , anh xuất khẩu vui mừng, anh nhập khẩu buồn bực.
Nên, tôi nói rằng, người làm chính sách vĩ mô là rất dũng cảm, chịu áp lực nhiều nhóm trong xã hội, nhưng không thể chiều lòng theo áp lực xã hội được. Anh phải quyết, làm chính sách vĩ mô thì về tổng thể, nền kinh tế được cái lợi chung. Và để làm được như vậy, nhà hoạch định chính sách phải minh bạch, giải trình với thị trường.
- Vậy làm thế nào để ổn định nội tệ, phục hồi niềm tin với đồng Việt Nam, thưa ông?
Phục hồi niềm tin với tiền VND cũng chính là vấn đề lạm phát và phải ổn định kinh tế vĩ mô. Bản chất của lạm phát là phản ánh sự mất giá đồng tiền thôi. Muốn ổn định và giữ lạm phát ở mức thấp, là phải thực hiện các chính sách liên quan đến cung ứng tiền tệ, chi ngân sách, tỷ giá ra sao, thời điểm điều chỉnh thế nào?
Thứ 2 là việc ổn định kinh tế vĩ mô. Ở đó, không chỉ là vấn đề lạm phát mà còn là các biến số khác nhau như cán cân thương mại, cán cân thanh toán, thâm thụt ngân sách, rủi ro hệ thống tài chính…
Nếu ta đang bình ổn nền kinh tế mà hệ thống tài chính có sự đổ vỡ nào đó, nợ xấu cao là gây ra bất ổn, và sẽ có nhiều hệ lụy. Không loại trừ, hệ lụy là lạm phát. Người cuối cùng đứng ra cứu sự bất ổn đó là Ngân hàng, và trong nhiều cách của Ngân hàng là tung tiền ra, lại sinh ra lạm phát, nhà đầu tư lại mang tiền đi vào tài sản tài chính khác. Người ta gọi là vòng xoáy lạm phát và đôla hóa.
Người dân lại có thiên hướng chuyển sang đô la, tiền đồng Việt Nam càng mất giá, thì càng có xu hướng chuyển sang đôla, càng lạm phát lại càng đôla hóa nền kinh tế.
Nhưng tâm lý người dân Việt Nam rất “hay”. Ở các nước, khi bất ổn kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, còn ở ta, 5 năm qua, một mặt người dân không tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, một mặt, vẫn có tốc độ tiêu dùng cao hơn cả tỷ lệ tiết kiệm, kể cả lúc bất ổn như năm ngoái do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có thể, người Việt Nam không tin kinh tế vĩ mô ổn định trong ngắn hạn nhưng lại tin có khả năng ấy trong dài hạn?
- Vậy, ông đánh giá thế nào về khả năng lạm phát năm nay?
So với tháng 12/2009, lạm phát là 7,6%. So với năm 2009 là trên 9%. Nếu lạm phát tính ở thời điểm cuối năm, so tháng 12 năm nay với tháng 12 năm ngoái thì lạm phát quanh mức trên dưới 10% là có thể.
Nếu ta xử sự chính sách đúng thì có thể giữ được mức lạm phát dưới 2 chữ số. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát của Chính phủ nào là 7%, rồi đổi tháng 8%, thì gần như chắc chắn không thể thực hiện được trong năm nay.
Vài tháng trước, lạm phát có 0,2- 0,3%/tháng thì có ý kiến lạc quan cho rằng năm nay, lạm phát dưới 7%. Nhưng ngay thời điểm đó, dự báo của tôi và một số chuyên gia ở Viện cho là, lạm phát Việt Nam cuối năm nay là 8,5- 9%.
Thông điệp chính sách phải nhất quán, đàng hoàng
- Trở lại vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông, đâu sẽ là khó khăn để thực hiện mục tiêu này?
Đó là việc những vấn đề nền tảng gây bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam là lớn. Như tôi đã nói, đó không chỉ là lạm phát mà còn là vấn đề ngân sách, là thâm hụt, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, liên quan rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng. Cái khó là vấn đề xử lý chính sách phải rất tổng thể, nó liên quan đến việc cần một cuộc cải cách rất lớn.
|
Chính sách không nên bị cuốn theo vòng xoáy của vàng và đôla |
Trong khi đó, áp lực xã hội lớn, nhiều chiều nên xử lý chính sách không dễ dàng. Trong bối cảnh như hiện này, nhiều biến số, thì bất kỳ xử lý nào cũng có thể khiến cho nhóm này được lợi, nhóm kia thiệt hơn một chút.
Cái khó thứ 2 là nền kinh tế Việt Nam là khá mở, không chỉ là thương mại, xuất nhập khẩu, dòng vốn mà còn là vàng. Không phải biến số nào ta cũng có khả năng kiểm soát tốt được. Cách chơi của một nước mà nguồn lực không tốt, còn nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô như nước ta, lại chơi với giá của loại hàng hóa nhảy nhót, điên loạn như vàng mà loại hàng hóa đó người Việt Nam lại rất chuộng, thì không phải dễ.
Chúng ta không thể chạy theo vòng xoáy của vàng và đôla vì chúng ta không đủ lực. Nó nằm ngoài tầm với của ta. Khi chúng ta phải chấp nhận nền kinh tế có 2 tỷ giá chênh nhau khá lớn và như vậy, sẽ gây méo mó việc phân bổ nguồn lực.
Nhưng cái đằng sau quan trọng hơn. Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô là thường xuyên, lâu dài chứ không phải là nhất thời. Chúng ta phải kiên trì hơn, nhẫn nại hơn để tạo lập lòng tin cho thị trường vững chắc hơn.
- Vậy theo ông, chúng ta nên giải quyết những vấn đề nền tảng của sự bất ổn kinh tế vĩ mô như thế nào?
Những vấn đề nền tảng không thể giải quyết ngay một ngày nhưng có nhiều vịêc phải bắt đầu từ ngày hôm nay được. Ví dụ như thông điệp chính sách phải nhất quán, đàng hoàng.
Biện pháp kỹ thuật của chính sách và mục đích của chính sách phải rõ ràng, không được nhầm lẫn với nhau,. Ví dụ, mục đích của ta là thắt chặt tiền tệ, chi tiêu, thì điều ấy không ngăn cản việc chúng ta đưa ra những biện pháp kỹ thuật để làm tình hình bớt khó khăn đi. Khi đó, ta chấp nhận đánh đổi tăng trưởng giảm. Mà tăng trưởng chính là do đầu tư, sản xuất kinh doanh làm ra thôi, điều đó cũng nghĩa là điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Nhưng với biện pháp kỹ thuật, tốt, đáng nhẽ, doanh nghiệp khó khăn 10, thì ta làm sao để họ khó khăn 6- 7 thôi.
Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần phải tốt hơn. Chính sách tài khóa là dài hạn, mất thời gian, phải chờ Quốc hội thông qua, còn chính sách tiền tệ là có thể đưa ra, áp dụng ngay. Nhưng thường thì, hai cái này là có khoảng cách với nhau. Phải làm sao, cùng một mục tiêu thắt chặt tiền tệ, một mức chi tiêu tài chính thì nguồn lực được sử dụng tốt hơn, đỡ khó khăn hơn. Nhưng ta không được lẫn biện pháp kỹ thuật và thông điệp chính sách.
Thông điệp vừa rồi, ta chấp nhận thâm hụt 5,3% GDP nhưng còn một điều tôi chưa thấy rõ lắm là cơ chế phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ như thế nào. Đó còn là câu hỏi để ngỏ.
Bài học vừa qua cho thấy, nguồn lực trong nhân dân rất nhiều. Nếu bất ổn, nguồn lực ấy sẽ không được sử dụng, thậm chí, do lợi ích, do hành vi bình thường của thị trường phản ứng trước bất ổn mà còn càng làm cho tình hình phức tạp hơn. Tôi cho đó là bài học lớn nhất.
Với nhà hoạch định chính sách vĩ mô, đáng sợ nhất không phải là chính sách sai mà đáng sợ nhất là không dám giải trình và không dám chịu trách nhiệm. Phải rất thẳng thắn với thị trường, tôi làm chính sách này, có người có khó khăn, nhưng tôi tin là tổng thể sẽ tốt lên sau 1-2 năm nữa, và giờ, phải chịu khổ 1-2 năm.
Rất khó có một chính sách mà ai cũng được lợi.
Phạm Huyền (Thực hiện)
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|